ClockThứ Tư, 20/06/2018 14:13

Cơ hội học cùng lúc hai chương trình

TTH - Đại học (ĐH) Huế vừa có quyết định ban hành quy định sinh viên học cùng lúc hai chương trình ĐH tại các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế (Quyết định 666/QĐ-ĐHH). Điều này mở thêm cơ hội đầu ra việc làm cho sinh viên và đó cũng là thông tin thí sinh cần biết trong mùa tuyển sinh 2018.

Tuyển sinh trung cấp, cao đẳng: Vẫn sẽ chật vật?Tổ chức ngày hội tuyển sinh, tuyển dụng lao độngTrường đại học sẽ được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinhTuyển sinh Đại học Huế 2018: Nhiều điểm mớiTrường nghề khó tuyển sinh

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2018 của ĐH Huế

Cơ hội học song ngành

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, quy định này (ban hành kèm theo quyết định) là căn cứ để các trường ĐH, phân hiệu và khoa trực thuộc thực hiện đào tạo đối với sinh viên có nhu cầu học thêm một chương trình thứ hai tại ĐH Huế, bao gồm: tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, xét và công nhận tốt nghiệp. Quy định này bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 - 2019; đối tượng được học là sinh viên ĐH hệ chính quy tập trung của ĐH Huế, đã kết thúc học kỳ I năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất, nghĩa là sinh viên trúng tuyển trong mùa tuyển sinh năm nay có thể đăng ký học thêm chương trình thứ hai ngay sau khi kết thúc học kỳ đầu tiên.

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, quy định này được ban hành dựa theo các quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Hiện nay, nhu cầu của sinh viên học cùng lúc hai chương trình rất lớn, được nhiều trường trong nước đã áp dụng và đây cũng là cách để tăng cơ hội đầu ra việc làm cho sinh viên. Lợi thế của ĐH Huế là tính chất ĐH vùng, đa ngành, đa lĩnh vực nên rất dễ kết hợp. Điển hình như sinh viên kinh tế hay nông lâm có thể học thêm các ngành luật; sinh viên du lịch có nhu cầu học thêm các ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ… Vì cùng là đơn vị thuộc ĐH Huế nên sẽ dễ điều tiết. Trong đó, ĐH Huế sẽ công nhận một số học phần tín chỉ với khoảng 30 – 35% các môn về khoa học cơ bản, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh… tức là sinh viên đã học các môn này ở chương trình thứ nhất thì không cần học lại ở chương trình thứ hai. Hiện, hình thức học tín chỉ rất tiện cho sinh viên theo học chương trình thứ hai. Việc bố trí lịch học, chọn môn học, người giảng dạy đều phù thuộc sự lựa chọn của người học.

ĐH Huế xác định chương trình học thứ nhất là chương trình chính, sinh viên không thể bỏ chương trình thứ nhất để theo học chương trình thứ hai, mà có thể học song song để khi tốt nghiệp được cấp thêm một bằng ĐH chính quy thứ hai. Ngoài ra, quy định này không áp dụng đối với Trường ĐH Y dược, Trường ĐH Nghệ thuật, Khoa giáo dục Thể chất và các ngành năng khiếu sư phạm để đảm bảo tính công bằng và phù hợp sức học sinh viên. “Các trường được áp dụng quy định này có phổ điểm tương đối ngang bằng nhau nên sinh viên dễ theo học. Trong khi đó, Trường ĐH Y dược có điểm đầu vào cao; các đơn vị đào tạo năng khiếu đào tạo các ngành đặc thù, sinh viên trường khác khó theo học nên không áp dụng cho sinh viên các trường đăng ký các ngành học của nhóm các cơ sở giáo dục nói trên”, đại diện lãnh đạo ĐH Huế nói.

Quy định sinh viên học cùng lúc hai chương trình ĐH tại các đơn vị đào tạo thuộc ĐH Huế cũng đưa ra các điều khoản cụ thể để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như nhiều vấn đề liên quan, trong đó điểm trung bình chung tích lũy của chương trình thứ nhất không thuộc diện xếp hạng học lực yếu tại thời điểm đăng ký chương trình học thứ hai và không trong thời gian bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên. Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2.00 của chương trình thứ hai, phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.

Thông tin kỹ đến thí sinh và người học

ĐH Huế và các đơn vị giáo dục trực thuộc sẽ có giải pháp truyền thông liên quan chương trình học này đến người học, trong đó có các thí sinh tham gia đăng ký xét tuyển ĐH năm nay. “Chúng tôi sẽ lồng ghép đưa các thông tin về sinh viên được học cùng lúc hai chương trình vào kế hoạch quảng bá tuyển sinh tiếp theo và trao đổi cụ thể những thắc mắc cho người học”, ông Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Thường trực Ban Tư vấn quảng bá tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế nói.

Trong công tác thông tin, ĐH Huế sẽ phân tích những thuận lợi và khó khăn khi theo học cùng hai chương trình, trong đó điều kiện tiên quyết là sinh viên phải chăm chỉ, năng động và phải tính toán được điều kiện thời gian cũng như nguồn lực kinh phí. Ngoài kênh truyền thông của ĐH Huế, các trường thành viên, khoa trực thuộc cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các thông tin này, đồng thời hướng dẫn giáo viên cố vấn, ban cán sự các lớp cùng phối hợp để chuyển tải thông tin nhanh và chính xác đến người học.

Ông Chương cho biết, để tạo thuận lợi cho người học, ĐH Huế cùng các đơn vị đào tạo thành viên sẽ có những thỏa thuận thống nhất để làm thủ tục nhanh nhất, tạo ra cơ chế đơn giản để giúp sinh viên theo học được hai chương trình. Trước mắt, ĐH Huế sẽ cùng các trường hoàn thiện các văn bản để tạo ra tính đồng bộ giữa các trường, đồng thời xây dựng kế hoạch hợp lý đảm bảo cho công tác tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, xét và công nhận tốt nghiệp được thực hiện tốt.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Return to top