Có tỉnh “trắng” tuyển sinh
Ông Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Mùa tuyển sinh năm học 2017, nhiều tỉnh chỉ tuyển được dưới 100 sinh viên CĐ, trong đó 3 tỉnh không tuyển được trình độ CĐ là Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông. Một số ngành nghề khó tuyển sinh, đặc biệt là những nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Khoan, nổ, mìn; Công nghệ mạ; Chế độ khuôn mẫu…
Dạy nghề tại một tỉnh miền núi. Ảnh: Việt Hoàng.
Ở 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020, tình hình tuyển sinh có nhỉnh hơn. Trong năm 2017, tuyển sinh được hơn 158.000 sinh viên (tăng 5% so với năm 2016), chiếm 7,5% so với tổng số tuyển sinh trên cả nước. Riêng khối trường CĐ, TC chỉ 4/45 trường tuyển được trên 2.000 học sinh, sinh viên.
Một số nghề được lựa chọn là nghề trọng điểm tuyển sinh trình độ TC, CĐ cũng tuyển sinh được ít, thậm chí có nghề không tuyển sinh được như: Khảo sát địa hình, Bảo vệ môi trường biển, Cơ điện lạnh thủy sản, Xây dựng cầu đường bộ…
Đối với 3 trường CĐ thực hiện cơ chế thí điểm tự chủ, việc tuyển sinh trong cơ chế mới đang là hướng đi thí điểm của Bộ LĐTBXH như CĐ Kỹ nghệ II tuyển sinh được gần 2.900 người; CĐ Lilama II 1.100; Trường CĐ nghề Quy Nhơn tuyển hơn 900.
Dự báo về mùa tuyển sinh năm 2018, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội cho biết: Việc tuyển sinh sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn do các trường đại học hạ điểm chuẩn đầu vào thấp, hút gần như phần lớn số lượng học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Chỉ có một số ít xác định học nghề để lập nghiệp chọn học CĐ, TC.
Về tình hình tuyển sinh, đại diện các bộ, ngành và địa phương cũng nhận định khó khăn. Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: “Bộ đang quản lý 26 cơ sở GDNN (14 cơ sở CĐ, TC). Mặc dù hàng năm vào mùa tuyển sinh, các trường đều hướng về các trường ở vùng sâu vùng xa để quảng bá tuyển sinh nhưng chỉ tiêu vẫn không đạt. Nhiều trường chỉ tuyển được 50%, có trường dưới 50%, đặc biệt trường địa phương khó khăn hơn rất nhiều”.
Chung tình cảnh, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Bộ có 35 trường đại học, CĐ; trong đó có 25 trường CĐ thì có tới 18 trường CĐ ở phía bắc khó tuyển sinh. Mỗi năm chỉ tuyển được 200-300 trình độ CĐ, còn TC khoảng 1.000 học sinh.
Vĩnh Phúc là địa phương có nhiều khu công nghiệp, tuy nhiên đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết công tác tuyển sinh vẫn gặp khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều trường CĐ, TC “trắng” tuyển sinh buộc tỉnh phải sáp nhập đào tạo. Năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã sáp nhập Trường TC Văn hóa nghệ thuật của tỉnh vào Trường CĐ Vĩnh Phúc.
Đại diện Sở LĐTBXH Yên Bái cũng nhận định đối tượng tuyển sinh tập trung chủ yếu ở trình độ sơ cấp và thường xuyên (chiếm 81,4%) còn CĐ và TC chiếm tỷ lệ rất thấp lần lượt là 7,2% và 11,4%.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, việc tuyển sinh CĐ, TC gặp khó khăn có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần do cơ cấu tuyển sinh đào tạo GDNN còn bất cập, chủ yếu là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ TC, CĐ chỉ chiếm khoảng 25%; mạng lưới cơ sở GDNN còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp, chưa hình thành được các trường chất lượng đạt trình độ quốc tế…
Đặt yếu tố đầu ra để tuyển sinh
Chia sẻ khó khăn trong tuyển sinh của các trường TC, CĐ nhưng ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng thẳng thắn: Tuyển sinh chỉ là phần ngọn, phần gốc là đầu ra. Nếu các trường cam kết sinh viên ra trường có việc làm ngay thì việc tuyển sinh sẽ tốt.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân lấy ví dụ như Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cam kết sinh viên ra trường sẽ tìm được việc làm với mức lương 7 triệu đồng/tháng, nếu không được nhà trường sẽ trả lại học phí và thực tế tuyển sinh hai năm nay đã khả quan hơn. Do đó, các trường cũng mạnh dạn cam kết, đồng thời thiết kế lại chương trình đào tạo gắn với doanh nghiệp để hút học viên, tránh tình trạng dạy hết môn, hết chương trình nhưng khi đi làm, doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Bên cạnh đó, Bộ đang tiến hàng quy hoạch lại các trường giáo dục nghề nghiệp. Quan điểm của Bộ LĐTBXH là những trường 3 năm liền tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu, thì sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc. Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các đề án cấp tỉnh, cấp ngành trong năm 2018. Cụ thể sẽ có hai hình thức: Sáp nhập hoặc giải thể. Hướng thứ nhất là các trường yếu kém sẽ sáp nhập vào các trường khác nhằm tận dụng cơ sở, mạng lưới qua đó hình thành nên các trường trọng điểm chất lượng cao. Hướng thứ hai là căn cứ vào thực tế một số trường hợp do điều kiện cơ sở vật chất và một số điều kiện khác chưa đáp ứng được cho việc sáp nhập thì sẽ phải giải thể.
“Quan trọng nhất là các trường CĐ, TC đáp ứng được nhu cầu nhân lực tại địa phương đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, Thứ trưởng Lê Quân nhận định.
Tính đến tháng 12/2017, cả nước có hơn 1.900 cơ sở GDNN, trong đó có 388 trường CĐ, 551 trường TC, và hơn 1.000 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tổng hợp báo cáo của 63 Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017 GDNN tuyển sinh được hơn 2,2 triệu người, đạt 100,2% so với kế hoạch năm 2017.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy cho biết: Tỷ lệ học sinh GDNN tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%; một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/tháng. Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên sau khi tốt nghiệp CĐ đạt 5,2 triệu đồng/tháng; học sinh TC đạt 4,6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố chính khiến hệ CĐ, TC khó tuyển sinh là tâm lý người dân vẫn còn nặng tâm lý muốn con cái học đại học. “Do đó, việc tuyên truyền cần được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh, tập trung cao điểm vào tháng 4 và tháng 5 để học sinh sắp tốt nghiệp phổ thông trung học có những định hướng rõ ràng về nghề nghiệp tương lai”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Theo TTXVN