ClockThứ Hai, 01/05/2017 06:13

Cuộc gặp gỡ ý nghĩa giữa thời trang và hội họa Huế

TTH.VN - Hơn 200 bộ áo dài được các nhà tạo mẫu thiết kế dựa trên ý tưởng kết hợp các tác phẩm hội họa của các cố họa sĩ, họa sĩ xứ Huế được trình diễn tại sân khấu cầu Trường Tiền tối 30/4. Chương trình nằm trong điểm nhấn của Festival Nghề truyền thống Huế 2017.

Đêm áo dài đầy sắc màu và cảm xúc

Các người mẫu trình diễn từng bộ sưu tập của các nhà thiết kế ngay trên sân khấu cầu Trường Tiền

Sự kết hợp tuyệt vời

Đúng 20g30, chương trình trình diễn thời trang áo dài với chủ đề “Hội họa Huế với áo dài” chính thức bắt đầu nhưng trước đó đông đảo du khách, người dân đã đổ về sân khấu ngay bờ Nam cầu Trường Tiền, tranh thủ chọn cho mình vị tri tốt nhất để ngắm từng màn trình diễn của các người mẫu. 

Sân khấu được trang trí hàng trăm chậu hoa, cùng với chuỗi nón lá Huế trang trí hai bên đã tôn lên nét đẹp truyền thống vùng đất Cố đô. Mở màn chương trình là phần trình diễn của hàng chục cô nữ sinh xứ Huế trong tà áo dài tím thơ mộng cùng nón lá, bước ra từ nhịp cầu cùng điệu múa nón uyển chuyển. 

Các nữ sinh Huế trong tà áo tím cùng nón lá trình diễn trong lễ hội

Lần lượt các bộ sưu tập của các nhà thiết kế được các người mẫu thay nhau biểu diễn. Sự kết hợp này vô cùng đặc biệt khi lần đầu tiên được trình diễn ngay tại chính quê hương của các họa sĩ. 18 nhà thiết kế ở ba miền đã cùng nhau thiết kế áo dài dựa trên ý tưởng các tác phẩm hội họa của 16 họa sĩ, cố họa sĩ nổi danh xứ Huế: Lê Văn Miến, họa sĩ Tôn Thất Đào nổi danh từ thời mỹ thuật Đông Dương; Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Bửu Chỉ, Võ Xuân Huy, Nguyễn Đăng Sơn, Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, 

Các người mẫu trình diễn áo dài

Mỗi bộ sưu tập mang đến cho người xem dấu ấn riêng biệt của từng nhà thiết kễ lẫn tác phẩm của mỗi họa sĩ. Nhưng tựu chung, tất cả đã thể hiện được sự sáng tạo, điểm tô cho áo dài, tôn vinh nền hội họa Việt Nam, họa sĩ xứ Huế. Nhiều du khách đã dành cho đêm trình diễn các tràn vỗ tay liên tiếp bởi màn trình diễn vô cùng ấn tượng. Bà Nguyễn Như Hoài (58 tuổi, TP. Huế) theo dõi chương trình xúc cảm: “Quá tuyệt vời khi được xem chương trình biểu diễn áo dài của các người mẫu và biết thêm nhiều về những họa sĩ nổi tiếng ngay trên mảnh đất mình đang sinh sống. Ấn tượng hơn, khi sân khấu biểu diễn được đặt ngay tại cây cầu Trường Tiền lịch sử, một sân khấu rất đặc biệt”, bà Hoài khen ngợi.

Tôn vinh nét đẹp truyền thống

Một trong những phần trình diễn được nhiều người xem quan tâm, khen ngợi đó là bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh trên ý tưởng các tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Bửu Chỉ. Chính các người thân hữu của cố họa sĩ là những cựu nữ sinh Đồng Khánh – Hai Bà Trưng trình diễn như để gợi nhớ về con người tài năng, để lại cho nền hội họa xứ Huế nhiều tuyệt tác. Không chuyên nghiệp như các người mẫu trẻ nhưng các bà, mẹ vẫn tự tin thể hiện cái hồn của tà áo dài, tôn lên sự kiêu kì, sang trọng, đem đến người xem sự hài lòng.

Mỗi bộ áo dài mang dấu ấn của từng nhà thiết kế với các tác phẩm của họa sĩ xứ Huế

Những họa sĩ, đại diện gia đình các cố họa sĩ cũng được đích thân các nhà thiết kế may tặng áo dài có chính tác phẩm của họ. Bà Trần Thị Liên Phương, con dâu trưởng cố họa sĩ Tôn Thất Đào xúc động khi nhìn tác phẩm của cha chồng được các nhà thiết kế đưa lên áo dài với những chi tiết đẹp mắt. “Nhìn thấy mọi người đón nhận chương trình cũng như các tác phẩm được kết hợp trong từng tà áo dài, tôi hạnh phúc quá", bà Phương chia sẻ.

Để có được đêm trình diễn ấn tượng, các nhà thiết kế cho biết, khâu khó khăn nhất làm sao xử lý phù hợp các tác phẩm với bố cục từng chiếc áo dài, chất liệu vải, kỹ thuật in. Cân bằng được thời trang, tôn vinh đỉnh cao hội họa. Nhà thiết kế Minh Hạnh, người gắn bó với Huế qua nhiều kỳ festival và là đạo diễn lễ hội áo dài năm nay cho biết, đây là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của tà áo dài và hội họa Huế để tôn vinh nét đẹp truyền thống của người con gái Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung.  

Các người mẫu trình diễn áo dài

Hàng ngàn du khách được chụp ảnh ngay tại sân khấu

Khi chương trình vừa kết thúc, nhà thiết kế Minh Hạnh – đạo diễn chương trình “Hội họa Huế với áo dài” đã đề nghị ban tổ chức giữ nguyên sân khấu và cho du khách, người dân vào chụp hình.

Rất đông du khách trong và ngoài nước chụp hình ngay tại sân khấu lễ hội áo dài

Với thiết kế phông nền sân khấu cầu Trường Tiền phía sau là nón lá, phía trước lung linh hoa vàng đã khiến nhiều người ấn tượng. Ai cũng tranh thủ chụp lại những bức hình kỉ niệm hiếm có. “Thật là tuyệt vời, một sân khấu quá đẹp”, bạn Minh Tâm (TP. Huế) đã thốt lên như vậy.

Đông đảo du khách, người dân chụp hình tại sân khấu

PHAN THÀNH - TÂM HUỆ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top