ClockThứ Bảy, 06/05/2017 12:56

Đa dạng phương cách giảm nghèo

TTH - Một trong những định hướng lớn và mới trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại.

Mô hình trồng rau sạch ở A Lưới

Những mô hình phù hợp

Mô hình trồng nấm rơm ở xã Phú Lương (Phú Vang) đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Ma Thị Dành, ở thôn Vĩnh Lưu, xã Phú Lương, một trong những hộ thoát nghèo, cho biết: "Trồng nấm rất nhanh có thu nhập, vì thời gian thu hoạch ngắn. Giá bán hiện cũng khá ổn định. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, trồng nấm rơm thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Với hai vòm nấm, trừ chi phí gia đình cũng lãi hơn 5 triệu đồng/tháng. Bình quân, mỗi năm gia đình lãi hơn 60 triệu đồng".

Những hộ trồng nấm ở xã đều có thu nhập ổn định, cuộc sống của bà con ngày được cải thiện, góp phần đáng kể vào thành tích chung của xã trong việc giảm nghèo, vươn lên làm ăn khá giả. Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: "Hiện toàn xã đã có hơn 560 hộ dân trồng nấm với 1.120 vòm, mỗi năm thu nhập trên 15 tỷ đồng. Bà con trong xã đang có thu nhập cao từ mô hình này. Nếu phát huy tốt cách làm, ứng dụng kỹ thuật mới thì đây sẽ là một trong những mô hình xóa nghèo hiệu quả".

Thôn A Đen, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông là một trong những thôn phát triển mô hình trồng rau xanh hiệu quả... Trước đây, mỗi ha vườn ở thôn A Đen chỉ cho thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng/năm, nay tăng lên hơn 40 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng cây cao su, cau, các loại rau quả đã đem lại thu nhập từ 70 triệu đến hơn 100 triệu đồng/ha cho mỗi hộ gia đình trong năm. Ông Trần Văn Ươi, hộ dân tộc thiểu số ở thôn A Đen, cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi chỉ trồng một sào mía, một sào rau và hai sào vườn cây ăn quả. Từ khi đường sá thuận lợi, giá cả nông sản ổn định, được Nhà nước cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi, gia đình tôi mở rộng diện tích và yên tâm trong việc tiêu thụ sản phẩm”.

Toàn tỉnh hiện còn 14 xã, 19 thôn đang hưởng lợi từ Chương trình 135. Hằng năm, các xã, thôn này được hỗ trợ 5,15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các mô hình giảm nghèo. Hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn, thiếu kỹ năng, kỹ thuật sản xuất sẽ được hướng dẫn lựa chọn nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất. Người nghèo được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, kỹ thuật. Nhà nước hỗ trợ 50% số cây giống, con giống và 100% số phân bón; phần còn lại, các địa phương vận động người dân góp công, góp của để giảm nghèo.

Khơi dậy nội lực

Công tác giảm nghèo đã tạo được cơ chế giám sát chặt chẽ các hộ nghèo trong việc sử dụng vốn vay. Hộ nghèo được vay vốn, được các tổ chức đoàn thể hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Khắp nơi đều thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp người nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích. Chương trình giải quyết việc làm đã thực hiện hiệu quả việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước và nước ngoài, tạo việc làm ổn định, nâng cao mức sống cho người dân. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, như nhà ở, đất ở, y tế, giáo dục... được quan tâm giải quyết. Phương thức xóa đói, giảm nghèo đã được đổi mới, phù hợp với chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Người nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng cao.

Một trong những định hướng lớn và mới  trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 là tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo tâm lý ỷ lại. Quan trọng nhất là sớm đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo.

Muốn làm tốt công tác giảm nghèo phải nâng cao nhận thức. Nhiều hộ vẫn có vườn, có đất, có sức khỏe nhưng lại không có quyết tâm. Ngoài việc hỗ trợ sản xuất theo các chính sách của Nhà nước, các địa phương cần rà soát để cơ cấu lại sản xuất và chuyển dịch ngành, nghề phù hợp với điều kiện của từng nơi nhằm tạo việc làm cho người lao động, tạo thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng để thoát nghèo là phải khơi dậy khát vọng làm giàu trong mỗi người nghèo. Do đó, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nghèo xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sản xuất, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm 1,34%, tương ứng 15.700 hộ, khoảng cách chênh lệch hộ nghèo giữa các vùng được thu hẹp. Thừa Thiên Huế được công nhận là một trong những tỉnh thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; trở thành điểm sáng về xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn” – ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội chia sẻ.

Bài, ảnh: An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội

Công tác an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua đã có nhiều khởi sắc. Từ những chính sách, các chương trình, dự án, hoạt động trợ giúp, nhiều hoàn cảnh được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, được nâng cao kỹ năng để giải quyết khó khăn về vật chất và tinh thần.

Điều phối toàn diện chính sách an sinh xã hội
Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia

Ngày 22/4, Đoàn giám sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn tiến hành giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng chủ trì.

Thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia
Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Nam Đông đã mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình, không ngừng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
Return to top