ClockChủ Nhật, 10/11/2019 17:43
NHÂN SỰ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN:

Đã “kéo” được người giỏi

TTH - Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) loay hoay tìm cách giải bài toán nhân sự, Huế vẫn có DN tự tin “kéo” được người giỏi từ các thành phố lớn về đầu quân.

Đào tạo lập trình viên tại Huế: Giải bài toán nhân lực cho địa phươngTập đoàn IBM quan tâm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnhĐào tạo nhân lực CNTT phục vụ tại chỗ: Khó đầu vào lẫn đầu ra

Chỉ trong một thời gian ngắn, 3S đã tuyển dụng được gần 50 nhân sự trong lĩnh vực CNTT

Đàn anh và “lính mới”

Công ty TNHH MTV Brycen Việt Nam là một DN chuyên phát triển phần mềm, vận hành dịch vụ server, làm số liệu, nhập dữ liệu cho DN nước ngoài với thị trường chính là Nhật Bản và các DN của Nhật tại Việt Nam. Bắt đầu hoạt động tại Huế từ năm 2013, đến nay, sau hơn 6 năm, quy mô công ty tăng gấp 8 lần với gần 300 nhân viên.

Trong khi đó, Công ty TNHH Phần mềm quốc tế 3S Huế - 3S Hue Intersoft mới được trao giấy chứng nhận đầu tư từ 15/7, chuyên phát triển sản phẩm về quản lý DN, gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản, Mỹ và nghiên cứu sản phẩm Al - trí tuệ nhân tạo. Đến nay, 3S đã thu hút được 47 thành viên. 40% trong số này từ các thành phố lớn về như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Phó Giám đốc Brycen Việt Nam - Lê Hồng Sơn chia sẻ: Như các DN CNTT trong cả nước, câu chuyện “khát” nhân lực IT luôn là bài toán gây đau đầu cho rất nhiều DN. Dù Thừa Thiên Huế có 8 trường đại học và là 1 trong 3 “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Với Brycen, để thu hút được số lượng nhân sự lớn, một phần nguyên nhân nhờ công ty chấp nhận đào tạo nội bộ. Nếu là nhân sự phổ thông, sau khi tuyển dụng, sẽ được chúng tôi đầu tư training – đào tạo tại chỗ để có thể làm việc và phát triển dần. Với nhân sự quan trọng, đơn vị sẽ trả lương tiệm cận các thành phố lớn để “giữ chân”. Brycen còn liên kết với Khoa CNTT và Khoa Điện tử viễn thông của Trường đại học Khoa học, nhận sinh viên đến thực tập tại công ty để đào tạo ở các mảng và tuyển dụng sau khi ra trường.

Trao thưởng cho nhân viên xuất sắc ở Công ty Brycen

“Các em được tham gia trực tiếp vào công việc với sự hướng dẫn từ nhân sự giỏi của Brycen nên phát huy được khả năng của mình. Với cách làm này, thời gian qua, nguồn nhân lực của Brycen chưa thiếu hụt”, ông Sơn cho hay.

Câu chuyện “kéo” người giỏi trong lĩnh vực CNTT về Huế làm việc tưởng khó thực hiện nhưng 3S đã làm được, thậm chí chỉ vỏn vẹn sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động.

CEO - Giám đốc điều hành 3S Hue Intersoft Tống Phước Minh kể, khi khảo sát các DN tại Đà Nẵng và biết có những công ty đến 60% nhân sự là người Huế, 3S đã xây dựng chính sách “kéo người giỏi tại các thành phố lớn về Huế cống hiến và cùng phát triển”.

Anh Minh nói về kế hoạch “kéo” người tài: “Chúng tôi xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện; đảm bảo nguồn công việc ổn định và tương lai cho đội ngũ nhân sự”.

Phạm Xuân Tuấn, team Leader của 3S có gần 10 năm chinh chiến trong các công ty phần mềm ở Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh quyết định về Huế phát triển sự nghiệp khi biết 3S. Tuấn chia sẻ, so với các công ty từng làm, “3S khá “mở”. Ở đây có nguồn dự án lớn, nhân viên được tự do phát triển. Dù còn nhiều cái cần cải thiện nhưng bản thân Tuấn “đã chọn quay về sẽ cùng công ty nỗ lực để phát triển”.

Hiện 3S đặt mục tiêu tuyển dụng 50 nhân sự trong năm 2019, tăng lên 300 người vào 2020 và đạt 1.500 nhân sự vào 2025. Để hiện thực hoá điều này, 3S xây dựng kế hoạch dài hạn cho tuyển dụng. Ngoài thu hút nhân lực chất lượng cao, DN cũng đã ký kết hợp tác với Đại học Huế trong đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thực tập và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Làn sóng đầu tư đến Huế

Vừa qua, tại hội nghị xúc tiến đầu tư CNTT tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trao 4 giấy chứng nhận đầu tư về lĩnh vực CNTT cho 4 DN đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Trong đó, ngoài 3S, còn có CT Deha; CT CP Tập đoàn Minh Tuệ, CT SMCity; CT Mitani Sangyo- Nhật Bản…

Theo đại diện Tập đoàn Mitani Sangyo, Huế là địa phương tốt nhất để lựa chọn phát triển lĩnh vực CNTT. Vì vậy, Mitani Sangyo mở văn phòng tại Huế nhằm đào tạo và tuyển dụng sinh viên làm việc trong lĩnh vực thiết kế 3D, thiết kế phần mềm. Mới đây, đoàn khảo sát của Tập đoàn IBM cũng đã làm việc với các trường đại học và các đơn vị liên quan để đánh giá nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển CNTT tại Thừa Thiên Huế.

Công ty Brycen tổ chức các hoạt động gắn kết để giữ nhân sự

Ngoài các DN đã và đang đầu tư, thời gian gần đây, có rất nhiều DN phần mềm Nhật Bản mong muốn đầu tư tại Huế. CEO 3S Tống Phước Minh vui mừng: “Bản thân từng làm việc với 11 công ty phần mềm Nhật Bản và hầu hết đều bày tỏ mong muốn đầu tư tại Huế.

Lý do các DN Nhật Bản yêu thích, lựa chọn do Huế có nguồn cung nhân lực CNTT dồi dào, với khoảng 400- 500 sinh viên/năm, có thể đáp ứng yêu cầu của DN. Ngoài ra, DN CNTT cần nguồn nhân sự thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác mà Huế có thể cung cấp: từ quản lý nhân sự đến kế toán, ngoại ngữ… thậm chí là đồ hoạ, ứng dụng. Huế cũng có môi trường sống rất tốt (không khí trong lành, mật độ giao thông không quá cao, người dân thân thiện…) và nền văn hoá tương đồng. “Một yếu tố quan trọng nữa là lãnh đạo tỉnh tạo rất nhiều cơ chế thuận lợi, nhất là tạo điều kiện hỗ trợ về nhân lực CNTT cho DN… Những yếu tố trên tạo cho DN sự an tâm, tin tưởng khi đến tìm hiểu đầu tư tại Huế và hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều DN CNTT lớn đầu tư trong thời gian tới”, anh Minh nhận định.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, tỉnh đang tạo môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Thừa Thiên Huế cũng tiến hành các thủ tục cuối cùng để đưa Trung tâm CNTT tỉnh gia nhập vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với chính sách hỗ trợ thủ tục một đầu mối, chính sách ưu đãi trong CNTT sẽ tạo ra những điều kiện cho DN CNTT có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp

Hiện nay, doanh nghiệp (DN) muốn tham gia sâu vào thị trường quốc tế phải có tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon được hiểu là chứng nhận để giao dịch thương mại và đổi quyền được phát thải khí nhà kính.

Tín chỉ carbon cho doanh nghiệp
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Return to top