ClockThứ Sáu, 12/04/2013 06:57

Đào tạo ồ ạt, chất lượng chưa cao

TTH - Dù trên 13.240 lao động nông thôn đã được đào tạo nghề trong vòng 3 năm nhưng việc đào tạo còn chạy theo số lượng.

Mỗi năm, nguồn lao động trẻ ở Thừa Thiên Huế được bổ sung từ 5.000 đến 7.000 người, chủ yếu tập trung ở nông thôn. Lâu nay, chất lượng của lực lượng lao động này rất thấp. Họ sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của cha ông, kinh nghiệm của bản thân mà ít am hiểu kiến thức chuyên môn.

Nghề may được nhiều lao động nông thôn theo học

Khảo sát mới đây của Sở Lao động TB&XH, toàn tỉnh có gần 62.000 lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, trong đó, các nhóm nghề có nhu cầu là may, cơ khí và nông - lâm - thuỷ sản. Theo ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH, trong vòng 3 năm, tổng nguồn lực hỗ trợ dự án dạy nghề cho lao động nông thôn là 60 tỷ đồng và đã có trên 13.240 lao động được đào tạo các nghề. Cái được của chương trình là góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

 
Thiếu thực hành
 
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án 1956, nhiều ý kiến cho rằng, dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Một số địa phương triển khai công tác này vẫn thiếu đồng bộ, thiếu định hướng dài hạn, chưa gắn quy hoạch tổng thể và phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
 
Công tác dạy nghề vẫn còn chạy theo số lượng nên chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với nhu cầu người học và người sử dụng lao động. Tính chủ động, năng động, linh hoạt trong việc tổ chức dạy nghề của nhiều cơ sở dạy nghề chưa cao. Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu về số lượng, thiếu tính chuyên nghiệp, ngành nghề đào tạo chưa phong phú, đa dạng, nhiều cơ sở dạy nghề chưa thực sự có sức hấp dẫn, thừa lý thuyết, thiếu thực hành.
 
Một số cơ sở dạy nghề chưa chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư cũng như việc thực hiện các chính sách theo quy định cho người học nghề chưa đầy đủ và kịp thời. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ tập trung ở các trung tâm mà phải về cơ sở, đòi hỏi phải có thiết bị lưu động, trong khi đó, máy móc, thiết bị dạy nghề ở một số trung tâm vẫn còn nhỏ lẻ. Ông Trần Đình Nam, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Phú Vang thẳng thắn: Cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư mới để phục vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Lao động đặc thù như người khuyết tật, hộ nghèo khó huy động đến lớp.
 
Chưa gắn với việc làm
 
Khó khăn từ phía lao động nông thôn là do trình độ học vấn của bà con còn hạn chế, độ tuổi không còn trẻ, lại là trụ cột kinh tế của gia đình. Trong khi đó, chương trình đào tạo kéo dài vì vậy họ rất khó đảm bảo theo học. Ông Đặng Ngọc Giàu, một lão nông ở Quảng Điền cho rằng: Biết học nghề chăn nuôi thú y cũng hay nhưng mùa xây dựng đến nơi, mỗi ngày công được trả 150.000 đồng/ngày nên tui đành bỏ lớp, không đi làm lấy cái chi mà nuôi con. Theo lãnh đạo huyện Quảng Điền, sản xuất ở huyện chủ yếu là nông nghiệp nên việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp vẫn còn khó khăn. Hiện trên địa bàn có ít doanh nghiệp hoạt động, không có khu công nghiệp nên lao động sau khi học nghề thường phải đi làm ăn xa, ảnh hưởng đến chất lượng việc làm sau đào tạo. 
 
 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 1/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng người lao động chọn nghề chưa phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp ở địa phương nên hiệu quả học nghề của người lao động sau đào tạo còn ở mức khiêm tốn… Hơn nữa, đề án đào tạo nghề thời gian qua mới cơ bản dạy cho mọi người hiểu về nghề và kiến thức chuyên môn, còn sau khi học, lao động có làm được việc mà họ đã học hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ. Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn gắn kết với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu thị trường lao động; dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động vẫn còn ít.
 
Với những hạn chế trên, nhiều ý kiến kiến nghị: Để các mô hình phát triển một cách bền vững, cần phải có sự đồng bộ giữa đào tạo, tổ chức sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đội ngũ giáo viên cần phải có kinh nghiệm trong giảng dạy cũng như am hiểu thực tế của người nông dân. Giáo trình và giáo án đối với các khoá đào tạo nghề theo mô hình hiệu quả cần được các cấp có thẩm quyền công nhận cho nhân rộng. Đội ngũ kỹ thuật tham gia giảng dạy tại các mô hình tuy đông nhưng trình độ kiến thức chênh lệch nhau, phương pháp sư phạm chưa cao.
 
Dạy nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đây là vấn đề cốt lõi, nhất là đối với nhóm lao động cần phải chuyển sang làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, công nghiệp. Do đó, cần thiết có sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường nghề và doanh nghiệp, thiết lập quan hệ hợp tác, hỗ trợ đào tạo nghề. Như thế, doanh nghiệp mới đường đường chính chính là người “cấy trồng”, “thâm canh” chứ không phải thụ động “hái lượm” lao động kém chất lượng như hiện tại một số doanh nghiệp vẫn thường làm.
Bài và ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Thanh

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 9/5, Khối thi đua Nội chính tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình thương cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh tại thôn Phước Hưng, xã Lộc Thuỷ, huyện Phú Lộc.

Khởi công xây nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Thanh
Thêm “Mái ấm Công đoàn” được khởi công ​

Sáng 9/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế tổ chức khởi công nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình cô Nguyễn Thị Mừng, đoàn viên công đoàn Trường mầm non Hương Hồ, phường Hương Hồ, TP. Huế.

Thêm “Mái ấm Công đoàn” được khởi công

​
Trân quý những hành động đẹp

Trong cuộc sống thường nhật, dù chỉ những việc làm, hành động nhỏ, nhưng thật ý nghĩa và trân quý biết bao.

Trân quý những hành động đẹp

TIN MỚI

Return to top