ClockThứ Sáu, 10/05/2024 19:05

Tâm thế của nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết 54

TTH.VN - Chiều 10/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức tọa đàm - hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5).

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khoa học & Công nghệ của cả nướcGiải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 Tìm giải pháp để thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ

 Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội nhấn mạnh, đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cống hiến với các công trình nghiên cứu, sản phẩm có giá trị khoa học, chất lượng 

Nhiều kỳ vọng

Những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển khoa học công nghệ (KHCN), xem đây là một ngành kinh tế tổng hợp, là công cụ then chốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có Nghị quyết số 07 ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KHCN giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị 42 ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025. 

Để hoàn thành trọng trách này, đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh đóng vai trò quan trọng. Đến nay, Liên hiệp Hội đã quy tụ 52 hội thành viên, 11 đơn vị KHCN trực thuộc với trên 30.000 hội viên là các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực KH&CN có tính chuyên sâu, có quá trình công tác lâu năm và tầm nhìn rộng để nghiên cứu, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. 

 Các ý  kiến chia sẻ về vai trò và giải pháp phát triển KHCN tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Hồ Đắc Thái Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp Hội nhấn mạnh, đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cống hiến với các công trình nghiên cứu, sản phẩm có giá trị khoa học, chất lượng, có khả năng ứng dụng cao. Các công trình khoa học không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo KH&CN trong đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, kỹ thuật của tỉnh mà còn đóng góp lớn trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần từng bước nâng cao trình độ KH&CN chung và xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KHCN của cả nước.

Hiện nay, Đại học Huế có 13 đơn vị đào tạo trình độ đại học với 150 ngành đào tạo trình độ đại học, 108 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 55 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ với quy mô đào tạo hơn 40.000 sinh viên hệ chính quy, hơn 6.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Theo TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng ban Ban KHCN và Quan hệ quốc tế, Đại học Huế, để nâng cao vị trí xếp hạng đại học và KH&CN, Đại học Huế luôn chú trọng phát triển đại học định hướng nghiên cứu phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, tạo ra sản phẩm KH&CN có ý nghĩa không chỉ về mặt khoa học mà còn mang tầm ảnh hưởng lớn, có tính ứng dụng cao, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cũng đang đóng góp quan trọng vào việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển KHCN nói riêng và kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 6.300 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực. Trong bối cảnh hội nhập, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã nhận thức rõ vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo đối với sản xuất, đời sống. Một bộ phận doanh nghiệp đã ưu tiên đầu tư, tiếp thu và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại vào sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, tạo bước tiến mới nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát huy tiềm lực sản phẩm khoa học công nghệ 

Trong 3 năm 2021 - 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 62 nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN cấp tỉnh để triển khai trên địa bàn. Sở KH&CN đã chuyển giao kết quả đến các ngành, địa phương liên quan để có giải pháp ứng dụng, nhân rộng kết quả của các nhiệm vụ KH&CN vào thực tiễn, cơ bản các nhiệm vụ được ứng dụng 65 - 70%.

 Nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn 

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề thị trường KH&CN, ông Nguyễn Kim Tùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN thẳng thắn, thị trường KH&CN chưa thể hiện rõ là môi trường để thúc đẩy, phát triển từ kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm mà chỉ thực hiện phần thị trường công nghệ như: hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi hàng năm, hoạt động sở hữu trí tuệ... 

Để phát triển thị trường KH&CN, nhiều ý kiến cho rằng, các tổ chức, cá nhân đang thực hiện nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng, triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm cần chú trọng đúng mức đến hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như một phương thức biến tri thức khoa học thành hàng hoá, sức sản xuất của xã hội. Nghiên cứu nhưng phải ứng dụng mạnh mẽ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 54. Phải lấy doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển. Đồng thời tạo cơ chế liên kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các doanh nghiệp trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.

Tại buổi tọa đàm - hội thảo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị tỉnh cho rằng trong xu thế chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, thì đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ cao, thân thiện môi trường trở thành động lực quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra, hội thảo cũng được các đại biểu trao đổi, chia sẻ một số vấn đề, giải pháp xung quanh tạo cơ chế, môi trường, chính sách... để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và tâm thế của đội ngũ trí thức nói riêng và nhân dân Thừa Thiên Huế nói chung khi Thừa Thiên Huế bước sang một giai đoạn mới.

HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

Ở Thừa Thiên Huế, đã có nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không chỉ tính bằng tiền mà giá trị mang lại đã thể hiện chất xám, trí tuệ được cộng hưởng gấp bội lần để làm giàu cho xã hội không chỉ ở phạm vi địa phương…

Nghiên cứu khoa học không chỉ tính bằng tiền

TIN MỚI

Return to top