ClockChủ Nhật, 28/01/2018 10:38

"Định cư" nơi nhà chung

TTH - Trong “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), những người con của bản làng A Lưới là một phần không thể thiếu để gắn kết tinh thần đoàn kết các dân tộc. Họ đã góp phần quảng bá giá trị văn hóa và ẩm thực của đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu.

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu sốSử thi A Chất của đồng bào Tà Ôi, Pa CôChăm lo đời sống đồng bào vùng biên

Lễ hội A Za được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Phòng VHTT huyện A Lưới

Quảng bá văn hóa dân tộc

Trong ngôi nhà sàn tương đối giống với kiến trúc ở A Lưới khang trang, sạch sẽ, trưng bày nhiều hình ảnh về phong cảnh, lễ hội văn hóa ở quê nhà, già làng Hồ Văn Hạnh (72 tuổi), người dân tộc Pa Cô ở xã Hồng Trung (huyện A Lưới) hiện đang sinh sống tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam nở nụ cười thật tươi khi tiếp chuyện chúng tôi.

Già Hạnh bảo, sau 10 tháng ra làng văn hóa ở đến nay, cuộc sống không bị xáo trộn nhiều song lại có những điều mới mẻ. “Ở làng văn hóa này hiện mới có 3 người trong gia đình tôi là người Pa Cô, 4 người đồng bào dân tộc Tà Ôi và 9 người Cơ Tu (thuộc huyện A Lưới) sinh sống. Người Tà Ôi và người Pa Cô số lượng ít, sống với nhau thành một làng (gồm 1 nhà sàn tiếp khách và 2 nhà sàn để ở), người Cơ Tu sống riêng một làng. Chúng tôi có nhiều dịp để biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ; trình diễn cồng chiêng; tái hiện các lễ hội ở quê nhà; giới thiệu ẩm thực… đến đông đảo người dân khắp cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, được giao lưu, học hỏi từ nhiều anh em dân tộc khác, qua đó, giúp chúng tôi mở mang kiến thức”, già Hạnh tâm sự.

Nhiều du khách thấy thú vị về lễ tái hiện đám cưới của người Pa Cô ở làng văn hóa

Kể về quyết định chuyển ra Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sinh sống, bà Căn Lắp (70 tuổi, vợ già Hạnh) chia sẻ, tuy trước đây cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình ông bà không muốn thay đổi nơi sinh sống. Một phần do tuổi cao, sức yếu, một phần sống ở làng quê có anh em, hàng xóm sum vầy đi không nỡ. Thế nhưng, khi được chính quyền địa phương vận động, cả nhà quyết định chuyển ra làng mới sinh sống. “Cuộc sống mới tốt hơn nhiều nhưng nỗi nhớ quê nhà trong lòng già và những người con A Lưới thì chẳng bao giờ nguôi ngoai. Tuy nhiên, mỗi ngày được gặp gỡ nhiều người, được chia sẻ câu chuyện trong cuộc sống, giới thiệu bản sắc văn hóa của đồng bào ở miền Tây Thừa Thiên Huế nên già cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn. Già không làm gương, không hy sinh thì lớp trẻ sao dám đi”, vợ chồng già Hạnh nở nụ cười phúc hậu.

Không đắn đo suy nghĩ nhiều như gia đình già làng Hạnh, 9 người con dân tộc Cơ Tu khi được huyện A Lưới vận động đã sẵn sàng xung phong “lên đường”. Anh Nguyễn Văn Chiến đang sinh sống tại Làng Văn hóa –Du lịch các dân tộc Việt Nam chia sẻ: “Khác với người già, người trẻ ở làng lại muốn ra thủ đô, nhưng chỉ tiêu chỉ có 9 người, vì thế phải chọn lọc. Ở đây cuộc sống bớt khó khăn hơn, lại được giao lưu và giới thiệu văn hóa đến mọi người nên thấy vui vẻ, ý nghĩa”.

Nét riêng trong "ngôi nhà chung"

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, bên cạnh việc thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ với du khách thập phương, với anh em dân tộc sinh sống tại làng văn hóa, những người con của A Lưới còn chủ động làm những công việc thường ngày trước đây như: nuôi gà, trồng rau để cải thiện bữa ăn; dệt Zèng, đan lát mây tre để có sản phẩm giới thiệu đến du khách… Và một điều không thể thiếu đó là trổ tài chế biến các món ăn mang hương vị truyền thống quê nhà để “khoe” với du khách.

Khi bài viết này lên khuôn thì những người con của A Lưới ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có mặt ở quê nhà để đón lễ hội A Za và tết cổ truyền của dân tộc. Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhiều người lại tiếp tục đến với “ngôi nhà chung” ở làng văn hóa.

Vào các ngày lễ trọng của dân tộc và dịp đặc biệt của làng như: Năm mới, cúng thần, tiếp khách… các món ăn mà đồng bào ở A Lưới phải có như: Cơm lam, cá nướng ống, cá bọc lá rừng nướng than, thịt xông khói và nhất là bánh a quát (bánh tình yêu)… Song ở làng văn hóa, do không có đủ nguyên liệu cũng như lực lượng để chế biến nên đồng bào Tà Ôi cũng như Pa Cô, Cơ Tu thường chỉ giới thiệu một vài món đến du khách vào dịp cuối tuần, hoặc các ngày lễ lớn mà làng vận động giới thiệu ẩm thực địa phương, vùng miền. “Ở đây, chúng tôi ít làm các món cá nướng ống, cá bọc lá rừng nướng do không có cá suối, Mác Khen, A Moot… vì thế, chủ yếu giới thiệu ẩm thực dân tộc đến với du khách là bánh tình yêu a quát, cơm lam, thịt xông khói. Đây quả là một điều đáng tiếc".

“Bánh a quát là loại bánh nổi tiếng của đồng bào các dân tộc huyện A Lưới, được gói bằng lá đót tươi, sau khi gói sẽ buộc bằng lá dứa rọc nhỏ. Chiếc bánh được làm bằng gạo nếp đen, hình giống chiếc sừng trâu, sau khi gói xong người gói buộc hai chiếc bánh lại với nhau như tượng trưng cho tình yêu đôi lứa mãi bên nhau… Cái lạ là bánh không nêm bất kỳ loại gia vị nào. Gạo gói bánh phải là nếp nương, không được ngâm nước. Sau khi gói mới ngâm nước khoảng 2-3 tiếng cho gạo nở đều. Bánh sau khi chín thường ăn kèm với thịt gà, thịt xông khói hay cá nướng ống… Bánh này không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của niềm hạnh phúc, sung túc, đoàn kết vượt qua khó khăn”, già Hạnh chia sẻ.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho hay: “Những người con của A Lưới được chọn đến với "ngôi nhà chung" các dân tộc anh em là những người rất am hiểu về văn hoá của quê hương, tâm huyết với việc bảo tồn các giá trị truyền thống. Họ đã quảng bá cho nét văn hóa, các sản vật của đồng bào ở Thừa Thiên Huế, góp phần đưa nét đẹp đời sống các dân tộc anh em đến với bạn bè trong, ngoài nước ”.

ĐẮC NGUYÊN - THÙY HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn

Từ khi biết làm nông nghiệp, chuyện nuôi lợn, bò, trồng lúa nước… không còn là chuyện lạ đối với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn là một tầm cao mới mà người đồng bào thiểu số nơi đây đã làm được là “chuyện lạ có thật”.

Người miền núi làm nông nghiệp tuần hoàn
Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi

Bỏ ra gần 23 năm sưu tầm, khảo cứu (từ năm 2001), đến cuối năm 2023, nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong cho xuất bản cuốn “Đặc khảo về tết Aza cổ truyền của người Tà Ôi ở Việt Nam” (Nxb Thanh Niên, tháng 11/2023). Sách dày 145 trang, đặc biệt có rất nhiều ảnh tư liệu in màu, minh họa cho các nội dung, nên sách càng tăng tính mỹ thuật và giá trị nghiên cứu.

Một công trình đặc khảo về tết Aza của người Tà Ôi
Nước sạch về bản

Từ nay, 125 hộ dân, là đồng bào dân tộc Cơ Tu, thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới không còn phải đi bộ nhiều cây số để lấy nước sạch về dùng. Bởi nước sạch do bộ đội Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 92 đã dẫn về tận từng nhà cho bà con.

Nước sạch về bản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top