|
Sản phẩm chuối già lùn hữu cơ của anh Nguyễn Hải Teo |
Trong tiến trình sản xuất, cung cấp nguồn nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, Tập đoàn Quế Lâm (TĐQL) đã tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi A Lưới làm nông nghiệp hữu cơ. Khi nhận thức, kiến thức sản xuất được trang bị đầy đủ, nhiều hộ ở miền núi này còn tổ chức làm kinh tế tuần hoàn, mang lại hiệu quả thiết thực.
Anh Nguyễn Hải Teo ở xã Quảng Nhâm được TĐQL, ngành nông nghiệp huyện A Lưới chọn để hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ từ ba năm nay. Được TĐQL hướng dẫn, hỗ trợ, gia đình anh Teo xây dựng chuồng trại khép kín với 13 ô chuồng kiên cố trên diện tích 200m2. Trước khi thả giống, anh Teo được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, “bắt tay chỉ việc”, trau dồi kiến thức nuôi lợn hữu cơ, chế biến thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy trình an toàn sinh học.
Từ vài con lợn nái và vài chục con lợn thịt ban đầu, đến nay trại nuôi lợn hữu cơ của anh Teo có đến trên 100 con lợn thịt và 9 lợn nái. Mỗi năm, trại cho xuất chuồng 10 tấn lợn thịt và trên 100 con lợn giống hữu cơ. Trong quá trình chăn nuôi, hộ anh Teo được TĐQL hỗ trợ đầu vào như giống, thức ăn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 20%.
Anh Teo chia sẻ, nuôi lợn hữu cơ cũng chóng lớn, bình quân mỗi tháng đạt 22kg/con. Chăn nuôi theo mô hình hữu cơ hoàn toàn không tắm, không xả chất thải ra môi trường bên ngoài và tiết kiệm chi phí đầu tư. Nguồn phân thải từ nuôi lợn được anh Teo thu gom, chế biến làm phân bón hữu cơ vi sinh, bình quân mỗi năm đạt 30 tấn.
Từ chăn nuôi lợn hữu cơ và tận dụng nguồn phân bón vi sinh, anh Teo tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn bằng việc mở rộng diện tích trồng chuối già lùn lên 1,5ha, 1ha sâm Bố Chính và cây ăn quả. Tận dụng nguồn phân bón hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn đỡ tốn chi phí đầu tư trồng trọt. Nguồn phế thải từ chuối, rau trồng tại vườn làm thức ăn cho lợn, giảm chi phí đầu tư chăn nuôi.
Làm nông nghiệp tuần hoàn mở ra hướng đi mới, thật sự mở ra cơ hội mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân đồng bào thiểu số miền núi A Lưới. Anh Teo khẳng định, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn hoàn toàn yên tâm về sức khỏe cả người sản xuất lẫn tiêu dùng. Quy trình sản xuất cũng khá dễ dàng và đặc biệt là TĐQL đã tổ chức bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên người dân yên tâm sản xuất. Từ mô hình của anh Teo, trên địa bàn A Lưới hiện có thêm 4 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
Hộ Trần Thị Huệ ở A Lưới cũng được TĐQL hướng dẫn, giúp đỡ làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Với 5 con lợn nái, 100 con lợn thịt hữu cơ tạo ra nguồn phân bón hữu cơ khá lớn, chị Huệ mở rộng diện tích rau màu, khoai lang, bí đỏ bằng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Nguồn rau màu, khoai lang, bí hỗ trợ nguồn thức ăn chăn nuôi lợn hữu cơ. Chỉ tính riêng trồng rau, khoai lang, bí đỏ, bình quân mỗi ngày gia đình chị Huệ thu nhập từ 250-300 ngàn đồng/ngày.
Ông Hoàng Ái, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Trung thông tin, từ hỗ trợ ban đầu của TĐQL, đến nay trên địa bàn tỉnh từng bước nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn. Hội viên tuyên truyền, vận động nông dân phân loại rác tại nhà để chế biến phân bón hữu cơ bằng công nghệ vi sinh phục vụ trồng trọt. Nhiều hội viên về tận các thôn, bản, tổ dân phố để hướng dẫn, cung cấp men vi sinh.
Nguồn thức ăn từ cây trồng hữu cơ được chế biến làm thức ăn chăn nuôi lợn, bò hữu cơ. Nhiều hội viên nghiên cứu, sản xuất các loại sản phẩm phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm chăn nuôi hữu cơ. Đáng kể đến là các công trình nghiên cứu, sản xuất thành công bánh ép thảo dược phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi; nuôi ruồi lính đen chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm…
Với bản tính cần cù, chịu khó cộng với sự hỗ trợ của hội viên Hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Trung, nhiều nông dân ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, tuần hoàn. Điển hình các mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ kết hợp trồng chuối hữu cơ, trồng cây dược liệu, cây ăn quả của anh Nguyễn Hải Teo, chị Trần Thị Huệ… thật sự mang lại hiệu quả.
Ông Hoàng Ái nhìn nhận một số khó khăn, tồn tại trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn hiện nay chủ yếu từ các hội viên, nông dân chưa thật sự tích cực, chủ động, thiếu mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi quy trình sản xuất từ vô cơ sang hữu cơ, hoặc chuyển đổi nhưng còn chậm. Một số hội viên còn ỷ lại, hoặc thiếu kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi để phát triển nông nghiệp tuần hoàn và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ…
Thời gian đến, Hội Nông nghiệp tuần hoàn miền Trung bằng nhiều biện pháp đồng bộ, tích cực để giúp hội viên, nông dân mạnh dạn tổ chức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Hội tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân, khảo sát tình hình thực tiễn để phối hợp với các doanh nghiệp, chính quyền địa phương giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.