ClockThứ Bảy, 27/05/2017 13:21

Sử thi A Chất của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô

TTH - Sử thi trở thành một dữ liệu về văn hóa xã hội xa xưa của cộng đồng. Đồng bào Tà Ôi, Pa Cô cũng có sử thi. Đó là sử thi A Chất.

Anh Ku Treo, con cụ Kon Hiêm, làng Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới

Nhiều năm trước, trong những lần tiếp xúc với đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, nghe đồng bào kể chuyện cổ, có những lúc nghe về nhân vật A Chất. Và nhân vật này cứ hiện hữu trong những câu chuyện khi thì lao động, khi thì chiến đấu với thế lực siêu nhiên, khi thì xây dựng veẽl (làng)... Gần như lúc nào, nhân vật A Chất cũng ở bên cạnh đồng bào. Thật sự, chúng tôi rất lấy làm lạ, tò mò về nhân vật có tên A Chất. Khi đó, chúng tôi vẫn chưa nghĩ rằng, đồng bào Tà Ôi, Pa Cô có một sử thi gắn với nhân vật này.

Xâu chuỗi các câu chuyện, A Chất là câu chuyện nhất quán, có một diễn tiến theo trình tự thời gian và công việc, từ khi sinh ra, rèn luyện, thử thách, lập chiến công, lấy vợ, lao động... Xoay quanh nhân vật A Chất là nỗ lực vượt qua những trở ngại từ thế lực siêu nhiên và từ chính con người gây ra. Và chàng đã chiến đấu để chiến thắng, vượt qua tất cả, đưa cộng đồng mình đến ấm no, hạnh phúc.

Đầu năm 2012, bà Nguyễn Thị Sửu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành việc sưu tầm, ghi chép và cho in cuốn sách mang tên “Sử thi A Chất”, dài hơn 3.200 câu, qua việc kể lại của cụ Kon Hiêm ở làng Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới. Cuốn sách được in bằng song ngữ: tiếng Việt và tiếng Tà Ôi. Cuốn sách này có giá trị trả lại nguyên gốc những gì thuộc về chàng A Chất của cộng đồng Tà Ôi, Pa Cô; kịp thời giúp đồng bào Tà Ôi, Pa Cô lưu giữ lại một sử thi đứng trước khả năng thất truyền.

Có nhiều đề tài xoay quanh nhân vật A Chất. Chiến đấu là đề tài bao trùm sử thi và là nhiệm vụ lớn nhất của A Chất. Mục đích của cuộc chiến đấu trong sử thi A Chất hơn cả là để lấy vợ, làm chủ đất rẫy, giải quyết mâu thuẫn, bảo vệ cộng đồng, là để trở thành người giàu mạnh, mở mang bờ cõi, mở rộng tầm ảnh hưởng và xây dựng cuộc sống hòa bình. Để làm chủ đất rẫy trong khu rừng thiêng, A Chất phải đánh nhau với Ngang Nương – một chúa tể yêu tinh trên núi. Để giải quyết mâu thuẫn giữa hai làng láng giềng, A Chất như con chim Chiđe A Lê Ang lao từ rẫy trong rừng sâu đến nơi đang có trận xích mích, hiên ngang đứng trên mái nhà roong khuyên can và ngăn chặn dao, mác bằng cây rựa cụt của mình. Để bảo vệ cộng đồng, A Chất phải tranh đấu với A Trết, chúa tể của ngôi làng trong rừng sâu núi thẳm. Để lấy vợ, A Chất phải trải qua nhiều cuộc giao chiến với kẻ xấu.

Đề tài lớn thứ hai là lao động. Đề tài này thường là hoạt động của tập thể, trong đó, người anh hùng A Chất là người lao động xuất sắc nhất, hiệu quả nhất với sức mạnh phi thường. Hoạt động này thể hiện qua săn bắn, hái lượm, trồng trỉa, vượt qua đại hồng thủy để xây dựng lại làng, làm nhà cửa, chế tạo dụng cụ lao động... Bên cạnh đó là đề tài lấy vợ, lập gia đình. A Chất cũng phải trải qua các quá trình đầy thử thách...

Một người cũng đã và đang sưu tầm các câu chuyện cổ là nghệ nhân dân gian Ta Dưl Tư. Bà cho biết thêm: “Các câu chuyện cổ của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô đa số là câu chuyện xây dựng và bảo vệ cộng đồng, bảo vệ gia đình như câu chuyện A Chất. Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy câu chuyện về A Chất là câu chuyện đồ sộ, đó là sự tổng hợp hầu hết các đề tài gắn với đời sống cộng đồng. Hiện nay, ít người còn nhớ được toàn bộ câu chuyện A Chất mà họ chỉ nhớ nhiều chuyện quanh nhân vật này mà thôi”.

Trưởng làng Vỗ Dương  (làng Ân Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới) tâm sự: “Ngày xưa, câu chuyện về các nhân vật anh hùng được các cụ kể ở phòng moon của nhà dài. Trong đó, A Chất là câu chuyện kể dài nhất, có thể nói là hơn cả chục đêm. Sau này, khi chiến tranh khốc liệt, điều kiện truyền lại câu chuyện về A Chất ngày một khó khăn. Cho đến nay, như bản thân tôi cũng chỉ nhớ chưa được một phần ba trong câu chuyện dài như thế. Mất mát này lớn lắm”.

A Chất có đầy đủ tiêu chí để được nhìn nhận là sử thi. Đáng tiếc là A Chất ngày nay chỉ còn những câu chuyện được kể qua trí nhớ thiếu sự liên kết của người kể. Thời gian và sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội khiến cho sử thi A Chất bị chia nhỏ thành những câu chuyện khá dài và có vẻ rời rạc, tuy còn xoay quanh nhân vật A Chất. Người kể có thể diễn xướng đầy đủ nội dung A Chất chuyển tải là cụ Kon Hiêm đã qua đời năm 2014, hai năm sau khi cuốn sách “Sử thi A Chất” của bà Nguyễn Thị Sửu được in. Hiện nay, chỉ còn một người còn có thể kể được sử thi này là con trai của cụ Kon Hiêm, ông Ku Treo, ở làng Chi Lanh, xã A Đớt.

Năm 2014, cuốn “Sử thi A Chất” của bà Nguyễn Thị Sửu được tái bản bởi Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Bà Sửu  tâm sự: “Quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng Tà Ôi, Pa Cô, những câu chuyện cổ nói chung và sử thi A Chất nói riêng, chuyển tải những nội dung hình thành, bảo vệ, xây dựng và phát triển cộng đồng. Vì thế, giữ lại sử thi A Chất chính là trách nhiệm của chúng tôi, những người yêu văn hóa đồng bào Tà Ôi, Pa Cô”.

Sự hiện diện của sử thi cũng là điều rất đáng tự hào của hai cộng đồng Tà Ôi, Pa Cô nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế nói chung.

Đình Đính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi
Nghị lực của chàng trai Pa Cô

Dám theo đuổi ước mơ làm giàu trên miền đất khó, chàng trai trẻ người Pa Cô Nguyễn Văn Mạnh, trú tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới đã trở thành tấm gương sáng về sự kiên trì và nghị lực. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, anh Mạnh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả nhờ tinh thần lao động bền bỉ và sự sáng tạo trong chăn nuôi, trồng trọt.

Nghị lực của chàng trai Pa Cô
Return to top