ClockThứ Ba, 18/07/2017 06:01

Giúp trẻ mồ côi có một gia đình thay thế

TTH - Họ không có cuộc sống khá giả, cả gia đình nhờ vào mấy sào ruộng hoặc buôn bán nhỏ chỉ đủ trang trải hàng ngày. Thế nhưng, ở đây có nhiều tấm lòng mở rộng để trẻ mồ côi có một mái ấm gia đình thay thế.

Khám bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo, mồ côi

"Sẩy cha còn chú..."

Trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi đang có xu hướng gia tăng và tình cảnh sống của các em ở mức báo động. Có em phải lao động để tự nuôi sống bản thân và đối mặt với nhiều nguy cơ như bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Phường Hương Sơ (TP. Huế) là địa phương thực hiện điểm mô hình “Trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa dựa vào cộng đồng”.

Hương Sơ có 2.700 trẻ em, trong đó, có trên 200 em thuộc diện hộ nghèo, hơn 1.000 em ở khu vực tái định cư vạn đò. Đặc biệt, có 70 em mồ côi bố hoặc mẹ đang sinh sống trên địa bàn. Em H.T.M., ở tổ 6, bộc bạch: "Bố em bị bệnh tâm thần, khi mẹ mất, hai chị em lo lắm vì sợ phải vào trung tâm bảo trợ xã hội hoặc phải bỏ học giữa chừng để kiếm sống. Bọn em chỉ muốn ở nhà, thắp hương cho mẹ hàng ngày, kể cho mẹ nghe bao chuyện vui buồn… nhưng sợ không có ai đùm bọc. Đúng lúc ấy, bà nội dẫu đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn lụm cụm sang đón hai chị em về nhà nội. Các chú, thím có món ngon, áo đẹp đều đem qua cho hai chị em để đỡ đần nội". Nghe cháu gái nói, bà nội xúc động kể về những tháng ngày của chị em M: "Tôi già rồi nhưng không đành lòng để cháu bơ vơ. Bà cháu sớm tối có nhau, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Không vì hoàn cảnh mà nuông chiều cháu, tôi dạy các cháu biết yêu lao động, biết tiết kiệm và quan tâm đến mọi người xung quanh".

Quan niệm “một giọt máu đào hơn ao nước lã” giúp các em sống trong tình yêu thương của người thân. Không né tránh, hễ người nào có điều kiện, tình thương đủ lớn sẽ đùm bọc các cháu mồ côi trong dòng tộc. Những người khác sẽ tiếp sức, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất  để các em bớt cô độc. Em N.T.V. ở tổ 1, mồ côi mẹ khi còn nằm nôi, bố đi thêm bước nữa và bao nhiêu năm vẫn không trở về. Lúc đó có người muốn nhận V. làm con nuôi nhưng dì Út (em thứ ba của mẹ V.) nằng nặc đón cháu về dẫu nhà dì chỉ dựa vào mấy sào ruộng. “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì mà…”- dì Út trải lòng. Dì dặn các con của mình, dù các con có bị mẹ la rầy, thì các con vẫn còn mẹ nuôi dưỡng. Còn em V. thiếu tình thương cả bố lẫn mẹ nên nên các con phải đùm bọc em, đừng để em tủi thân khi ở trong gia đình mình. Rất may, V. vui vẻ, hòa đồng khi sống trong gia đình dì và học giỏi.

Ông Lê Kim Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, cho rằng: "Hầu như trên địa bàn không có trẻ mồ côi lên các trung tâm bảo trợ xã hội. Các em được cô, dì, chú, bác, nội, ngoại hai bên chăm sóc. Chính quyền địa phương kết nối với các mạnh thường quân, hỗ trợ học bổng, sách vở, giúp các em đến trường tốt hơn hoặc học nghề phù hợp với khả năng. Đa số các em đều ngoan, nhiều em có thành tích học tập rất tốt và không có trường hợp trẻ mồ côi lêu lổng".

Hỗ trợ kiến thức chăm sóc trẻ

Cái khó nhất của nhiều người khi nuôi trẻ mồ côi là làm sao để hiểu tâm tư, biết cách động viên các cháu chú tâm học hành, không bị bạn bè xấu lôi kéo. Ông N.T.M., người đang cưu mang cháu ruột, bộc bạch: "Thực tình, tôi dạy các con mình dễ hơn rất nhiều so với dạy cháu. Nghiêm khắc thì sợ cháu tổn thương mà không dạy lại lo cháu hư hỏng. Vừa rồi, chúng tôi được các nhà tâm lý hướng dẫn, tư vấn để biết phương pháp chăm sóc, giáo dục cháu phù hợp với từng độ tuổi nên phần nào yên tâm".

Khi đặt vấn đề, các em liệu có cuộc sống ổn định khi ở với người thân mà không phải là bố hay mẹ ruột, anh Võ Văn Ty, cán bộ phụ trách trẻ em phường Hương Sơ, cho hay: "Chúng tôi có ban bảo vệ chăm sóc  trẻ em, trong đó, tổ trưởng dân phố thường xuyên kiểm tra, giám sát để nắm bắt thông tin. Công tác tư vấn trực tiếp giúp trẻ ổn định về tâm lý, thể chất, kỹ năng sống được thực hiện ngay khi gia đình hoặc cán bộ giám sát phát hiện thấy các em có biểu hiện khác lạ về tâm lý, thói quen sinh hoạt, học tập (theo hướng tiêu cực) nhưng chưa đủ can đảm để chia sẻ với người thân".

Mô hình chăm sóc trẻ dựa vào cộng đồng thể hiện sự văn minh, ưu việt, hướng đến mục tiêu trẻ em được chăm sóc trong môi trường gia đình. Thế nên, việc đưa trẻ em vào các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ là biện pháp cuối cùng khi không tìm được gia đình thay thế cho các em.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

Ngày 26/4, UBND TX. Hương Thủy tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy
Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Điền phối hợp Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Quảng Phú tổ chức khởi công nhà tình thương cho bà Nguyễn Thị Mong ở thôn Phú Lễ, xã Quảng Phú.

Khởi công xây nhà cho hộ nghèo ở Quảng Điền
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

Sáng 5/4, Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 12 gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 20 của Huyện ủy về tiếp tực thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top