ClockChủ Nhật, 15/01/2017 06:37

Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật: Cần sự thông hiểu & trách nhiệm

TTH - “Quỹ Hỗ trợ sáng tạo không phải là đầu tư mà chỉ mang tính hỗ trợ để kích thích năng lượng sáng tạo cho văn nghệ sĩ”, nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần.

Nhạc sĩ Lê Phùng. Ảnh: Hữu Phúc

* Những đánh giá của ông về thực trạng VHNT ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Hoạt động này ở Huế đang ở đâu so với các tỉnh, thành bạn?

Trong VHNT, so sánh đôi khi khập khiễng. Mỗi vùng đất có những đặc thù, giá trị truyền thống riêng. Qua chiều dài văn hóa, lịch sử, VHNT ở Thừa Thiên Huế có bề dày truyền thống với những nhà văn, nghệ sĩ tên tuổi. Có những người bây giờ đang là “di sản” sống, như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hay nhà văn Nguyễn Khắc Phê vẫn phát huy năng lực, tài lực, miệt mài sáng tạo, dâng hiến cho đời những tác phẩm, công trình hay, mang diện mạo riêng có của vùng đất Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, sự cổ súy, lan tỏa của những tác phẩm, công trình này còn chừng mực. Trên các kênh thông tin, việc quảng bá những tác phẩm này đến công chúng cần đẩy mạnh hơn.

* Với hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT thì thế nào, thưa ông?

Những năm qua, Ban điều hành quản lý Quỹ hỗ trợ sáng tạo của Liên hiệp các Hội VHNT đã triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế. Căn cứ vào thực tế của từng hội chuyên ngành để có sự phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ tương đối hợp lý, được đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương đánh giá sử dụng nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo đúng mục đích và hiệu quả. Theo quy chế, tác phẩm, công trình đạt mức A được hỗ trợ khoảng 8 triệu, mức B khoảng 6 triệu và mức C là 5 triệu đồng.

* Vậy nhưng thời gian qua chưa có công trình, tác phẩm nào có tầm quy mô, chất lượng cao, thưa ông ?

Về mặt chất lượng, trong số những tác phẩm được hỗ trợ sáng tạo thời gian qua, nhiều tác phẩm, công trình được nhận giải thưởng hàng năm của Liên hiệp hội, từng đạt giải thưởng VHNT Cố đô, giành được các giải thưởng của các hội chuyên ngành Trung ương. Nói chất lượng cao ở đây là tác phẩm có tầm quy mô, dài hơi hơn. Ở góc độ của người tổ chức, điều hành, chúng tôi vẫn chưa hài lòng và mong muốn có những tác phẩm có tiếng vang, lắng sâu hơn nữa, có giá trị nghệ thuật, tư tưởng cao.

Với nguồn kinh phí không nhiều của nguồn hỗ trợ sáng tạo dành cho Liên hiệp hội, Ban điều hành năm nào cũng dành 20 - 30 triệu đồng để hỗ trợ các tác phẩm, công trình có tính quy mô, với yêu cầu có đăng ký đề cương. Tuy nhiên, không năm nào thực hiện được do không có ai đăng ký, buộc lòng Ban điều hành phải chuyển sang mục đích khác. Ngay với mức đầu tư cao hơn như vậy cũng không ăn thua với những tác phẩm dài hơi. Ví như, muốn sáng tạo một tác phẩm giao hưởng, để âm thanh được vang lên phải tốn kém cả trăm triệu đồng. Nếu không, tác phẩm chỉ nằm ở dạng văn bản và cất trong ngăn kéo.

* Do sự đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, chưa tập trung vào những tác giả có tiềm năng nên chưa có tác phẩm chất lượng mang giá trị nghệ thuật và tầm vóc tư tưởng cao, ông nghĩ như thế nào về nhận định này?

Cần hiểu rõ Quỹ Hỗ trợ sáng tạo không phải là đầu tư tất tần tật cho tác phẩm mà chỉ hỗ trợ ở mức độ nào đó để khích lệ tác giả. Chủ trương của Chính phủ là muốn hỗ trợ để kích thích năng lượng sáng tạo cho văn nghệ sĩ theo những tiêu chí: viết về hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, biển đảo quê hương, thiếu niên nhi đồng, bà con dân tộc thiểu số, gương người tốt việc tốt... Nhiều người quan niệm, muốn làm quy mô hơn thì phải đầu tư cho tác giả. Tôi khẳng định đây không phải là đầu tư mà là hỗ trợ sáng tạo. 20 - 30 triệu đồng so với công trình của họ cũng chẳng là gì, nhưng đó là sự quan tâm trong điều kiện có thể của Quỹ Hỗ trợ sáng tạo.

Mỗi năm, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế được cấp 650 triệu đồng, không phải là nhiều trong khi số hội viên lại đông. Ngoài việc hỗ trợ cho từng tác phẩm, còn tổ chức các trại sáng tác, thâm nhập thực tế, công bố tác phẩm... Ban điều hành cũng không xét hỗ trợ theo kiểu cào bằng, dàn trải mà xét theo chất lượng tác phẩm. Đặt trường hợp tập trung đầu tư cho những tác phẩm có chiều sâu nhưng mong muốn của Liên hiệp hội là hàng năm có ai đó trình bày một đề cương có quy mô, giá trị nhưng chưa có.

* Với 5 - 8 triệu đồng cho một tác phẩm, kinh phí hỗ trợ liệu có quá ít cho sự sáng tạo?

Mức hỗ trợ vẫn còn quá hạn chế. Sắp tới, thay vì mỗi năm hỗ trợ 5 - 7 tác phẩm cho mỗi hội chuyên ngành, có thể dừng lại 3 - 4 tác phẩm nhưng mức hỗ trợ cao hơn. Hằng năm, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo sẽ dành khoảng 50 triệu đồng trở xuống cho 1 - 2 công trình, tác phẩm. Đó là sự cố gắng và các hội viên cần thông hiểu, đây không phải là đầu tư mà là sự hỗ trợ.

Kinh phí hỗ trợ cao hay thấp không phải là nguyên nhân chính của việc không có tác phẩm quy mô, dài hơi. Việc hỗ trợ sáng tạo chẳng qua là sự kích thích, còn lại do chính bản thân mỗi tác giả, trách nhiệm và tài năng của họ. Trước đây, khi chưa có hỗ trợ thì văn nghệ sĩ Huế vẫn có nhiều tác phẩm hay, xúc động. Nhiều tác giả không nhận hỗ trợ vẫn có tác phẩm tốt.

* Theo tìm hiểu, kinh phí hỗ trợ do Trung ương cấp. Ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì nguồn kinh phí này ưu tiên cho các tỉnh miền núi. Các tỉnh đồng bằng kinh phí ít dẫn đến hiệu quả hỗ trợ thấp? Huế cũng như một số tỉnh, thành đồng bằng có từng “kêu” về chuyện này chưa?

Thông thường, Trung ương “rót” kinh phí cho hai đầu đất nước cao hơn. Thừa Thiên Huế được cấp 650 triệu đồng trong khi số hội viên khá đông. Chúng tôi cũng không hiểu ngoài Trung ương căn cứ vào tiêu chí gì nhưng mức đầu tư cho Thừa Thiên Huế mới ngang với các tỉnh có lượng hội viên ít. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần “kêu” bằng văn bản và nhà văn Tùng Điển, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo đã phát biểu trước đại hội vừa qua rằng, giai đoạn sắp tới sẽ cấp kinh phí cho Thừa Thiên Huế cao hơn nhưng vẫn dừng lại ở mức đó.

* Vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quy trình xét duyệt hỗ trợ tác phẩm, nhất là mỗi chuyên ngành có đặc thù khác nhau trong quá trình sáng tạo. Làm sao để tháo gỡ những khó khăn này?

Đây là bài toán rất khó. Quy trình xét phù hợp cho hội chuyên ngành này nhưng bất cập cho hội khác. Chúng tôi đang nghiên cứu giải pháp có thể dung hòa được đặc thù của mỗi hội chuyên ngành mà vẫn phản ánh đúng chất lượng tác phẩm. Sắp tới, Ban điều hành sẽ bổ sung, điều chỉnh một số điều khoản, quy chế phù hợp với mỗi chuyên ngành, phù hợp với thực tế để hoạt động này hiệu quả hơn.

* Theo ông, Liên hiệp các Hội VHNT cần làm gì để nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ sáng tạo?

Vừa qua, Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức hội thảo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT với mong muốn làm sao có những tác phẩm có tính tư tưởng lớn hơn, chiều dày về mặt nghệ thuật cao hơn. Điều đó cần có sự đồng cảm, thấu hiểu từ hai phía: phía nhà điều hành, tổ chức là Liệp hiệp hội và anh em hội viên. Nhiều người bảo tại sao Ban điều hành không nhìn vào một số người có năng lực chuyên môn để hợp đồng với họ, nhưng như thế là “đầu tư”, mà đầu tư thì không đủ sức trong điều kiện kinh phí hạn hẹp. Hội là tổ chức tập hợp hội viên, làm như vậy thì tính chất hội không có. Ngoài hoạt động kích thích nguồn năng lượng sáng tạo cho hội viên, Quỹ hỗ trợ sáng tạo cũng là hoạt động để tập hợp văn nghệ sĩ.

Về kinh phí, sẽ có điều hành, cơ cấu tỷ lệ phù hợp hơn. Nếu hội chuyên ngành nào có tác phẩm chất lượng nhiều hơn thì sẽ dồn kinh phí hỗ trợ cho hội đó, không nhất thiết phải cào bằng. Việc chọn lọc những người tài năng để hỗ trợ do Ban chấp hành các hội chuyên ngành điều phối.

Tuy nhiên, tăng kinh phí chưa hẳn tăng chất lượng tác phẩm. Nghệ thuật là vô cùng, cần nhiều yếu tố để một tác phẩm thành công. Để có một tác phẩm hay, hỗ trợ chẳng qua là sự kích thích, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn cảm xúc, trách nhiệm của nghệ sĩ trong quá trình đầu tư, thai nghén tác phẩm.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

TRANG HIỀN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LỪNG LẪY ĐIỆN BIÊN, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tiêu diệt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Công binh có Trung đoàn Công binh 151; Tiểu đoàn Công binh thuộc Cục Vận tải; ba đại đội công binh thuộc ba đại đoàn (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316).

Nghệ thuật bảo đảm công binh cho Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top