ClockThứ Bảy, 27/04/2019 12:08

Khi đồng tiền đi liền khúc ruột

TTH - Trở thành công ty cổ phần từ năm 2017, chỉ với khoảng 30% là vốn của cổ đông cá nhân đóng góp, 70% vốn nhà nước, nhưng Huewaco (Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế) đã có những thay đổi tích cực trên nhiều phương diện: động lực, cung cách quản lý, hiệu quả hoạt động…Tất cả những điều này được sinh ra bắt nguồn từ cái gốc - là sở hữu vốn thay đổi.

Vườn dưa lưới công nghệ cao của HueWACOGắn cấp nước an toàn với an ninh nướcNước sạch từ nhà máy đến nhà dân

Chuyện các công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, chẳng những thế mà còn là môi trường tốt phát sinh tình trạng thất thoát, lãng phí… có lẽ là điều mà ai cũng biết. Bởi vậy, chủ trương và chương trình, kế hoạch cổ phần hóa (thoái vốn nhà nước) được đẩy mạnh. Mục đích cuối cùng là chuyển đổi sở hữu vốn, tạo động lực, thay đổi cung cách quản trị doanh nghiệp… để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn; hạn chế thất thoát nguồn vốn của nhà nước; tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước… Nhưng chương trình này diễn ra không dễ dàng. Trên bình diện cả nước, chương trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp diễn ra được đánh giá là chậm chạp và có nhiều khó khăn.

Đối với Huewaco, sau 2 năm chuyển đổi từ một công ty 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần, những gì diễn ra được ghi nhận là có nhiều chuyển biến tích cực. Có một số lĩnh vực đã tạo ra những đột biến hết sức “bất ngờ”. Theo ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Huewaco, trước khi cổ phần hóa, lợi tức sinh ra chỉ có 2%/năm nhưng sau khi cổ phần đã tăng vọt lên hơn 6%/năm, tức là gấp 3 lần. Lợi nhuận tăng, kéo theo nhiều thứ khác tăng theo, như đóng góp ngân sách cho Nhà nước, từ mức 20 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng.

Điều gì đã tạo ra những khác biệt như vậy? Có lẽ không khó lý giải. Cái chung nhất đó là sở hữu vốn thay đổi -  “đồng tiền đi liền khúc ruột”. 100% người lao động trong công ty đều có đóng góp cổ phần. Họ bỏ tiền ra, dù ít dù nhiều những động lực lao động của họ khác hẳn. Họ làm sao đạt năng suất lao động cao nhất, chi phí thấp nhất, hiệu quả đạt được phải cao hơn trước.

Tất nhiên, không thể phủ nhận những gì thuộc về nền tảng mà Huewaco đã tạo ra trước đây. Nhưng từ khi cổ phần hóa, nền tảng này được phát huy lên một mức cao hơn, hiệu quả hơn. Ví dụ, để quản lý hệ thống nước trên toàn tuyến đường ống, công ty đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, số hóa để nâng cao năng suất lao động. Từ khi ứng dụng hệ thống quản lý tổng mạng lưới cấp nước thông qua điện thoại di động, năng suất thu thập dữ liệu đối với khách hàng sử dụng nước tăng gấp đôi. Riêng việc ứng dụng Module số hóa hồ sơ đã tiết kiệm mỗi hồ sơ 1.500 đồng. Con số này nếu đứng đơn lẻ thì thấy không lớn nhưng khi nhân với con số 87% dân số của Thừa Thiên Huế được cấp nước sạch thì sẽ thấy số hồ sơ khách hàng được xử lý là rất lớn. Hiệu quả quản lý được nâng cao thông qua quản lý theo hệ thống ISO như ISO 9001 cho quản lý hệ thống; ISO 17025 cho phòng thí nghiệm; ISO 14001 cho môi trường. Chỉ tính riêng năm 2018, công ty đã có 61 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tổng giá trị làm lợi từ các sáng kiến này, theo tính toán của công ty tương đương gần 70 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ lắng – lọc thông minh tại nhà máy nước Quảng tế 2. Công nghệ này được ghi nhận đưa ra chất lượng nước vượt trội. Riêng tiền tiết kiệm chi phí xây dựng đã là 12 tỷ đồng, đó là chưa tính khi vận hành lắng lọc theo công nghệ này đã tiết kiệm đáng kể điện và hóa chất xử lý.

Có lẽ, không khó để nhận ra một động lực mới từ công ty. Gần 1 triệu dân trong toàn tỉnh được sử dụng nước sạch. Ai cũng có thể cảm nhận được cách thức chăm sóc khách hàng được thay đổi như thế nào. Nhân viên đo lượng nước sử dụng bằng thiết bị điện tử. Khách hàng có thể đến các điểm gần nhất, thuận tiện nhất để trả tiền nước hoặc đăng ký qua dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Muốn bắt một đường ống mới, được công ty phục vụ hết sức nhanh chóng…

Mới đây, tôi có dịp đi thăm một số nhà máy xử lý và cấp nước của công ty, thấy nơi nào trong khuôn viên cũng trồng nhiều cây xanh. Sản phẩm nước lọc đóng chai được làm và bán ra thị trường. Công ty còn làm rau sạch trong nhà màng, trồng dưa lưới theo công nghệ cao.

Ông Trương Công Nam nói: “Chúng tôi có đất rộng, có đội ngũ kỹ thuật, có nước sạch, có tri thức, đó là những lợi thế để giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành, tăng hiệu quả… tại sao lại không làm!”. Có lẽ, “đồng tiền đi liền khúc ruột “ mới sinh ra những suy nghĩ như vậy.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên

Chiều 30/3, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm) và Trung tâm Vận hành tự động Hệ thống cấp nước.

Khánh thành Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên
Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên: “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh

Sở hữu công nghệ hiện đại cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự án Nhà máy xử lý nước sạch (NMXLNS) Vạn Niên công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm), sau khi hoàn thành được ví như “trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh. Dự án góp phần hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho người dân trước những mối nguy ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nhà máy Xử lý nước sạch Vạn Niên “Trái tim” của hệ thống cấp nước tỉnh

TIN MỚI

Return to top