ClockThứ Năm, 13/12/2018 07:00

Kinh tế đi lên nhờ dân vận khéo

TTH - Xã Hương Phú được Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông và Ban Dân vận Tỉnh ủy chọn là một trong những điển hình trong phong trào “Dân vận khéo” phát triển các mô hình kinh tế.

Vận động dân vì quyền lợi của dân“Xin” kinh nghiệm giúp ngư dânThành công từ dân vận khéo

Nhiều hộ gia đình ở Hương Phú phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc đào ao nuôi cá nước ngọt

Tích cực vận động người dân

Hương Phú là xã kinh tế mới của huyện Nam Đông. Cuộc sống tuy còn khó khăn nhất định, nhưng nhờ sự linh hoạt trong công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể địa phương và đội ngũ cán bộ luôn gần dân, nên bộ mặt, cuộc sống của người dân nơi đây đã có những khởi sắc.

Ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết: “Xã có diện tích đất nông, lâm nghiệp và phi nông nghiệp khá lớn. Xác định lợi thế đó, thời gian qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Đảng ủy, Khối Dân vận xã phát động xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế hộ gia đình và đã mang lại hiệu quả thiết thực”.

Thạch An là thôn được chính quyền địa phương chọn để thực hiện thí điểm mô hình này. Trong giai đoạn 1 (2015 - 2017), thực hiện mô hình, có 67 hộ dân tham gia trồng cao su, keo lai. Được sự hướng dẫn, tuyên truyền của đội ngũ cán bộ xã và huyện, nhiều hộ gia đình mạnh dạn xóa vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng cam.

Sau 2 năm thí điểm, mô hình ở Thạch An đã tạo bước chuyển quan trọng. Ý thức, cách thức làm ăn mới của người dân thay đổi và thu nhập đầu người cũng tăng đáng kể. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ hơn 17 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã tăng lên gần 29 triệu đồng/người/năm. Toàn thôn đã giảm được 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo; hộ gia đình có kinh tế khá chiếm 53%. Không ít hộ gia đình trong thôn chuyển sang trồng rừng, trồng cây cao su cho thu nhập bình quân từ 180 đến 200 triệu đồng/năm. Hộ các ông: Nguyễn Dương, Nguyễn Thạnh, Lê Tài là những điển hình như thế.

Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện tại thôn Thạch An, Đảng ủy xã Hương Phú đi đến thống nhất chủ trương thực hiện giai đoạn 2 bằng việc nhân rộng mô hình này ra toàn xã. Khối Dân vận, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã và các tổ dân vận thôn là lực lượng nòng cốt đi đầu trong triển khai, tổ chức thực hiện. Giai đoạn 2 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đến nay, 8/8 thôn trong toàn xã Hương Phú đã xây dựng được mô hình kinh tế kiểu mẫu, phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.

“Với diện tích đất vườn hơn 7.000 m2, gia đình tui đào hồ đầu tư thả cá nước ngọt. Trên bờ hồ trồng ổi sạch kết hợp với chăn nuôi bò đàn. Nhờ tích cực, linh động trong làm ăn, mỗi năm gia đình thu nhập từ 230 triệu đồng trở lên”, ông Đặng Hồng, trú tại thôn Ka Tư chia sẻ.

Giờ ở Hương Phú, không ít hộ gia đình được Hội Nông dân huyện và tỉnh khen thưởng về các mô hình kinh tế. Điển hình như mô hình trồng rau và hoa trong nhà kính của ông Trương Minh Hào ở thôn Ka Tư; mô hình vườn- ao- chuồng- rừng của ông Nguyễn Duy Thanh ở thôn Đa Phú và của ông Phạm Thanh Lâm ở thôn Hà An…

“Đi đôi với việc nhân rộng các mô hình, hiện xã Hương Phú có 15 tổ, nhóm chuyên khai thác gỗ keo, cao su bằng phương tiện cơ giới, tạo công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người trong xã chỉ 35 triệu đồng/người/năm thì nay đạt 39 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 21 hộ”, ông Huỳnh Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Phú thông tin.

Bài học bám cơ sở, nắm chắc vấn đề

Nhiều bài học kinh nghiệm được đúc rút qua quá trình thực hiện mô hình “Dân vận khéo” ở xã Hương Phú nói riêng và toàn huyện Nam Đông nói chung. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi, xuyên suốt được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội ở Hương Phú xác định vẫn là “bám cơ sở để thực hiện công tác dân vận”.

Đội ngũ làm công tác dân vận phải luôn sát dân để nắm chắc vấn đề, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong thực hiện các mô hình.“Khi nhu cầu cấp thiết phục vụ lợi ích của đại đa số người dân, được người dân tham gia hưởng ứng thì việc dù khó cũng thực hiện được”, ông Trần Bảo Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Hương Phú khẳng định.

Ngoài ra, việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhất là định hướng, vận động, hỗ trợ và kiến nghị với cấp trên; quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cũng là bài học được Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở Hương Phú thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Để làm được như vậy, Hương Phú cũng chú trọng hơn đội ngũ làm công tác dân vận. Mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải luôn nắm chắc các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; thực sự gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực để người dân học tập, làm theo. Đội ngũ bí thư chi bộ các thôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra.

“Các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở Hương Phú không chỉ thúc đẩy phong trào thi đua trong các thôn mà còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân. Quyết tâm của người dân là không chấp nhận đói nghèo, không trông chờ ỷ lại và không tự ti, thỏa mãn”, ông Hoàng Kim Thạnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông khẳng định.

Bài, ảnh: Anh Phong 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Return to top