ClockThứ Năm, 03/09/2015 18:17

Kỳ Châu người yêu nghệ thuật của quê hương

TTH - Đêm đêm trên sông Hương, bài chầu văn có tựa đề "Huế trọn nghĩa tình" của Kỳ Châu được vang ngân gần như trên hầu hết những con thuyền có chương trình ca Huế... Người viết những lời ca Huế da diết đó đã ra đi ngày 29/8/2015, ở tuổi 88, để lại bao niềm thương tiếc.
 

Trong giới soạn lời ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên, Kỳ Châu là một trong những người được các nghệ sĩ, diễn viên bộ môn ca Huế biểu diễn nhiều tác phẩm, nhất là thể loại chầu văn và tổ khúc dân ca. Đêm đêm trên sông Hương, bài chầu văn có tựa đề “Huế trọn nghĩa tình” của Kỳ Châu được vang ngân gần như trên hầu hết những con thuyền có chương trình ca Huế. Bài ca này như một bản thuyết minh bằng âm nhạc về con người, danh thắng, cảnh quan, đặc sản… Huế với lời mời gọi thiết tha: “Men đời chưa uống đã say. Ai từng đến Huế chia tay sao đành?”.

Tên thật của Kỳ Châu là Nguyễn Trọng Hiệp, ông sinh ngày 13/6/1928, quê phường An Cựu, TP Huế. Thuở nhỏ Kỳ Châu học tiểu học ở Trường An Cựu, thi đậu bằng cơ thủy rồi được chuyển qua trường Trung học Thuận Hóa. Tại đây, Kỳ Châu may mắn được thầy giáo dạy văn là Trần Xuân Diệu phát hiện Kỳ Châu có năng khiếu thơ văn lại ham mê sáng tác nên thầy đã quan tâm dạy bảo, hướng dẫn cách làm thơ, viết văn, giới thiệu đọc các sách báo có liên quan đến văn học. Cũng trong thời kỳ này, gánh ca kịch Huế Kim Sanh xuất hiện nên Kỳ Châu thường đi xem diễn rồi từ đó mê luôn sân khấu ca kịch, các làn điệu ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên.
Đến tổng khởi nghĩa năm 1945, như những chàng trai khác trong thành phố Huế, Kỳ Châu tham gia kháng chiến rồi tập kết ra miền Bắc. Trên đất Bắc, Kỳ Châu đã có dịp gặp và làm quen với các nam nữ nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng trong làn ca kịch Huế như Văn Lang, Hồng Mão, Hoàng Điền, Châu Loan, Hồng Lê, Hoài Ân, Mộng Điệp, Minh Tâm… Những cuộc gặp gỡ, quen biết như thế đã giúp Kỳ Châu khơi nguồn sáng tác, soạn lời mới ca Huế, dân ca. Kỳ Châu nghiên cứu, tìm hiểu rồi tham gia học soạn lời ca Huế với những bài bản như: Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Nam xuân, Tương tư khúc, các điệu lý Huế, hò, vè, chầu văn... do Đài Tiếng nói Việt Nam dạy. Sau khi học xong, được sự cổ vũ động viên của bà con đồng hương Huế trên đất Bắc, sự khích lệ đáng quý của nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, Kỳ Châu đã mạnh dạn gửi tác phẩm của mình cộng tác với Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam rồi trở thành cộng tác viên thường xuyên của Đài và đã được ban lãnh đạo Đài đề nghị Nhà nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1986.
Bước đầu Kỳ Châu chỉ chú trọng sáng tác những bài ca lẻ, những tổ khúc dân ca với nội dung ngợi ca quê hương, đất nước, ngợi ca Bác Hồ kính yêu, ngợi ca cuộc kháng chiến chống Mỹ anh dũng kiên cường trên hai miền Nam Bắc cùng khát vọng thống nhất Tổ quốc. Nhưng dần dần, khi được tiếp cận với các loại hình sân khấu ca kịch và do có sự hướng dẫn của các anh chị nghệ sĩ lớp trước Kỳ Châu đã viết một số tiểu phẩm và được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng để phát sóng qua sự diễn xuất của các nghệ sĩ Châu Loan, Châu Dinh, Lài Tâm như: “Cánh hoa rừng”, “Người con trai xứ Nghệ”, “Nửa vòng hoa tím”, “Ngọn cờ đào Quang Trung”…
Khi thống nhất đất nước, Kỳ Châu trở lại quê nhà với cương vị lãnh đạo Công ty Phát hành sách, văn hòa phẩm của tỉnh. Dù bận nghiệp vụ, nhưng niềm say mê sáng tác lời ca Huế, dân ca trong Kỳ Châu vẫn không cạn. Quê nhà đổi mới trong bối cảnh độc lập, tự do đã trở thành những nguồn chất liệu mới cho Kỳ Châu viết nên những bài ca có sức lay động lòng người thưởng ngoạn. Kỳ Châu tâm sự: “Về lại Huế, được gặp các nghệ sĩ, nghệ nhân ca Huế cựu và tân tôi rất mừng. Chính chất giọng của từng người đã giúp tôi viết được nhiều làn điệu. Tôi rất thích viết chầu văn vì tôi mê giọng anh Thái Hùng và Ái Hoa. Họ mà chầu văn thì thật xuất thần. Tiếng đàn nguyệt của anh Thái Hùng, anh Trần Đăng Ninh, của Ái Hoa cũng đã nâng tầm cho điệu hát chầu văn; Riêng ca Huế thì tôi rất ái mộ các giọng ca của NSUT Châu Dinh, nghệ sĩ Hồng Tuyết và Thanh Tâm. Giọng ca của các nghệ sĩ ấy đã giúp cho những bài ca Huế trước sau này, trong đó có sáng tác của tôi được sống có hồn và được phổ biến rộng rãi trong giới mộ điệu. Nay tôi dù đã lớn tuổi, sức già yếu nhưng tôi cũng xin đóng góp phần nhỏ công sức của mình vào phong trào ca Huế, hò Huế, chầu văn gọi là góp hương theo gió, xin quý vị và bà con, bạn bè thông cảm !”.
Khi hay nhã nhạc cung đình triều Nguyễn được tôn vinh trước thế giới, Kỳ Châu cho biết ông rất phấn khởi và lạc quan cộng với niềm tự hào quê hương. Huế trọn nghĩa tình là vậy. Những tên đất tên làng, những miếng ngon vật lạ, những xuân sắc kinh kỳ mà ông đã dưa vào trong những bài ca đã cộng hưởng vào trong hòa âm Huế: “Nhạc luyến vờn rung, yêu vô cùng mùa Xuân xứ sở. Đây đất Huế kinh thành, tình chung nghĩa trọng… Ta chào bạn muôn phương, hội mừng Xuân, càng yêu Huế muôn phần”.
Bài, ảnh: Võ Quê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế

Bên cạnh phổ biến những quy chế mới liên quan hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát.

Phổ biến nội dung quy chế hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế
Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024

Nhận lời mời của Tổng lãnh sự quán nước Cộng hòa Uzbekistan tham dự Lễ hội thêu và trang sức bằng vàng quốc tế diễn ra từ ngày 3 - 5/5 tại TP.Bukhara, nghệ nhân, nhà thiết kế, Giám đốc Công ty TNHH TM & DV Thêu may Đoan Trang (2/56 Bạch Đằng, phường Gia Hội, TP. Huế)-bà Nguyễn Thị Đoan Trang vinh dự là đại diện Việt Nam đoạt Giải Ba.

Nhà thiết kế Đoan Trang vinh dự đoạt giải Ba tại Liên hoan Quốc tế Thêu và Trang sức lần II – 2024
Chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới:
Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn

Đó là thông tin được Ban Tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm Vịnh Lăng Cô được công nhận là vịnh đẹp thế giới chia sẻ vào chiều 9/5.

Chưa thể phục vụ khách môn dù lượn
Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế

Có mặt đều đặn và đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi âm nhạc và xuất hiện thường xuyên trong các chương trình nghệ thuật ở Huế, ca sĩ Phan Huy Thành đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán, thính giả. Đặc biệt, những ca khúc viết về Huế được Phan Huy Thành biểu diễn mang màu sắc tươi trẻ, như: Cơm hến, Trai Huế, Nón… thật sự mang đến làn gió mới góp phần lan tỏa và thăng hoa hình ảnh cảnh vật và con người xứ Huế đến với người nghe.

Khát vọng làm mới những ca khúc về Huế
Return to top