ClockThứ Ba, 10/07/2018 06:15
DỊCH VỤ ĐÔ THỊ THÔNG MINH:

Lấy người dân làm trung tâm

TTH - “Với nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, Nhà nước kiến tạo, việc phát triển dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, mọi người dân được hưởng thành quả từ việc phát triển dịch vụ ĐTTM”. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định như vậy khi nói về việc triển khai Đề án phát triển dịch vụ ĐTTM chuẩn bị trình HĐND tỉnh thông qua.

Dịch vụ đô thị thông minh phải lấy phục vụ con người làm trung tâm

Ông Nguyễn Xuân Sơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết: ĐTTM là đô thị ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo, kết hợp với các phương thức khác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, cung cấp các dịch vụ, quản lý nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và cộng đồng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ.

Dịch vụ ĐTTM đem lại lợi ích gì cho người dân- thưa ông?

Phát triển dịch vụ ĐTTM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích nâng cấp dữ liệu mở để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Quan trọng hơn cả là đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp; tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.

Vận hành thử nghiệm tại Trung tâm điều hành giám sát ĐTTM

Xây dựng, phát triển dịch vụ ĐTTM về cơ bản phải đáp ứng được mục tiêu cốt lõi là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, sự hài lòng của người dân được nâng lên thông qua các ứng dụng công nghệ ICT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề được người dân quan tâm như: giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, môi trường… Quản lý đô thị tinh gọn, các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

Nguyên tắc chung trong phát triển dịch vụ đô thị thông minh là gì, thưa ông?

Dịch vụ ĐTTM lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực và Nhà nước kiến tạo. Do vậy, người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và các bên liên quan được khảo sát nhu cầu, lấy ý kiến rộng rãi trong quá trình xây dựng và phát triển các kế hoạch, đề án, dự án liên quan ĐTTM.

Nguyên tắc chung là đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin, tạo ra nền sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ ĐTTM. Đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở: Bao gồm những dữ liệu có thể hiểu được, sử dụng và khai thác được bởi các bên tham gia xây dựng ĐTTM. Dữ liệu mở do chính quyền địa phương sở hữu và có quyền chia sẻ cho các bên liên quan...

Nhiệm vụ mà đề án dịch vụ ĐTTM hướng đến là gì?

Chúng tôi xây dựng đề án với 14 nhiệm vụ chính, bao gồm: Xây dựng kiến trúc ICT ĐTTM; xây dựng hạ tầng nền tảng phát triển dịch vụ ĐTTM; phát triển hạ tầng xã hội phát triển dịch vụ ĐTTM; chuyển đổi số, liên kết, liên thông các hệ thống thông tin; xây dựng mô hình trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM; xây dựng các hệ sinh thái y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, môi trường thông minh; phát triển kinh tế số; xây dựng thẻ điện tử thông minh; xây dựng phương án thu hút doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển ĐTTM; phổ biến, hướng dẫn mọi người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ ĐTTM.

Và đề án đã và đang làm gì để thực hiện được nhiệm vụ đó?

Đến nay, một số chương trình, dự án, đề án cho dịch vụ ĐTTM đã hoàn thành. Có thể kể đến đó là Quy hoạch chung TP. Huế thông minh; ban hành quy định về đầu tư, quản lý và phối hợp vận hành hệ thống camera phục vụ phát triển dịch vụ ĐTTM; chuyển đổi số cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế, giáo dục, du lịch; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian phục vụ quy hoạch và quản lý đô thị; xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM tỉnh; triển khai thẻ điện tử cho công chức viên chức trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP. Huế; triển khai thẻ điện tử tại các Trung tâm Hành chính công tỉnh.

Những hạng mục còn lại sẽ được gấp rút hoàn thành vào năm 2020 nhằm vận hành thông suốt dịch vụ ĐTTM.

Có thể xem Trung tâm điều hành giám sát ĐTTM “trái tim” của dịch vụ ĐTTM?

Trung tâm điều hành giám sát ĐTTM là đầu não của dịch vụ ĐTTM. Nó sẽ nhận thông tin từ tất cả các nguồn trên mạng, từ các thiết bị cảm biến, từ phản ánh của người dân để tổng hợp. Trung tâm này được xây dựng, áp dụng các giải pháp triển khai dịch vụ ĐTTM nhằm hỗ trợ triển khai 3 chức năng chính: giám sát, điều hành, tổng hợp phục vụ phát triển ĐTTM.

Trong năm 2018, trung tâm thực hiện 10 giải pháp dịch vụ ĐTTM, trong đó, đã hoàn thành và đang trong giai đoạn vận hành thí điểm một số ứng dụng như: giám sát, điều hành vi phạm giao thông, an ninh trật tự, trật tự đô thị, phòng cháy chữa cháy… Cùng với đó, giám sát Trung tâm Hành chính công tỉnh trong việc cung cấp dịch vụ công; triển khai giải pháp hỏi đáp và tiếp nhận phản ánh kiến nghị công dân; xây dựng trung tâm điều hành hạ tầng và xử lý sự cố trong cơ quan Nhà nước tỉnh. Đồng thời, giám sát môi trường nước, không khí, phòng chống bão lụt; giám sát, điều hành đảm bảo an toàn thông tin mạng, giám sát tổng hợp thông tin báo chí về Thừa Thiên Huế...

Còn nguồn lực, liệu có thể xã hội hóa không, thưa ông?

Tất nhiên rồi, ngân sách tỉnh chỉ đầu tư phần lõi, trọng điểm. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với phương án xã hội hóa là trọng tâm. Nghĩa là, Nhà nước đảm bảo đầu tư những phần cốt lõi nhằm đảm bảo cho việc quản lý, kiểm soát và giám sát hoạt động. Theo chương trình hợp tác chiến lược giữa UBND tỉnh với Viettel, VNPT, Vietinbank… việc sử dụng nguồn lực xã hội hóa có tính khả thi cao, các doanh nghiệp lớn trong hợp tác đã sẵn sàng dịch vụ. Chúng tôi còn tranh thủ nguồn từ các chương trình, đề tài khoa học cấp bộ, cấp tỉnh để triển khai đề án.

Dịch vụ ĐTTM cơ bản triển khai theo mô hình xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức công tư (PPP); trên nền tảng công bố nền tảng ICT ĐTTM của tỉnh kèm theo các tiêu chuẩn và cơ chế chính sách thu hút sự tham gia của doanh nghiệp và các thành phần liên quan. Theo tính toán, tổng chi phí của đề án khoảng 325 tỷ đồng; trong đó, nguồn lực Nhà nước chỉ gần 40%, phần còn lại được xã hội hóa. Chúng tôi đang xây dựng quy chế để thực hiện huy động nguồn lực này.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Return to top