ClockChủ Nhật, 29/05/2016 12:27

Mùa của hoa

TTH - Huế tháng 5 giống cô gái tuổi đôi mươi vậy đó. Không đỏng đảnh ương bướng. Không dịu dàng trầm tư. Huế khoác lên mình vẻ đẹp tươi tắn mà rực rỡ, đủ để làm xao lòng bất kì ai đến với Cố đô những ngày tháng năm trong xanh này.

Khác với mọi lần, lần này về Huế em không gọi bạn thân ra đón. Huế chỉ là nơi em gắn bó trong những tháng ngày còn là sinh viên. Tuy vậy, em vẫn gọi “về Huế” thay cho “đến Huế”, bởi đơn giản từ lâu trong lòng em đã coi mảnh đất này là một phần máu thịt của mình. Thì chẳng phải Chế Lan Viên đã viết thế này sao: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Huế đối với em chính là như vậy đó.

Tàu tới ga Huế khi trời vừa hửng sáng. Sau một đêm dài mệt mỏi trên chuyến tàu lắc lư với ánh đèn vàng tờ mờ và âm thanh xình xịch khó chịu, cuối cùng em cũng được đón bình minh ở Huế. Em vẫy một chiếc xích lô. Người đàn ông khắc khổ có nụ cười hiền hiền hỏi em: “O muốn về mô rứa?”. “Dạ, chú cứ đạp lòng vòng cho con. Lâu rồi con mới ghé lại Huế, chú thấy chỗ mô đẹp thì chở con đi ngắm coi Huế mình thay đổi chi không?” Người đàn ông cười khà khà khà: “O về lúc ni là đúng rồi đó, Huế mùa ni đẹp lắm, mùa của hoa mà.” Rồi ông nhấn bàn đạp...

Mùa của hoa! Thì ra ở Huế còn có một mùa gọi là mùa của hoa, nghe lạ lạ hay hay thiệt chớ.

Chú xích lô chở em qua trường Quốc Học. Sân trường ngập tràn sắc đỏ hoa phượng, loài hoa gợi nhắc tuổi học trò. Chẳng biết phượng thắp lửa tự bao giờ mà đỏ rực cả cây như thế. Xác phượng rụng đầy sân trường, lẫn cả trong cỏ. Em tần ngần chụp mấy tấm hình rồi lên xe đi tiếp. Em sợ nếu đứng lâu mình sẽ bật khóc vì nhớ trường xưa lớp cũ mất thôi.

Từng vòng xích lô chầm chậm đưa em đến cầu Trường Tiền. Đứng trên cầu đưa mắt nhìn về phía công viên trước trường Sư phạm thấy màu vàng hoa điệp và màu tím bằng lăng nổi bật trên nền xanh cây lá, em trầm trồ khen đẹp. Nói như người Huế thì là đẹp dễ sợ! Chú xích lô cười bảo chừng đó cây thì đã có chi mô, để chú chở đi ngắm cả con đường chỉ toàn hoa điệp. Rồi chú chở em tới đường Nguyễn Huệ, đường Phan Chu Trinh. Đúng như chú nói, không chỉ một vòm hay vài cây hoa điệp mà là cả con đường ngập tràn sắc vàng hoa điệp. Hoa vàng rực trên cao. Hoa rụng đầy mặt đường. Hoa vun thành từng đám dưới nhát chổi của người lao công. Hoa vương trên yên xe máy và mui ô tô dựng dọc vỉa hè. Hoa lững lờ trôi trên mặt sông An Cựu. Hoa xoay xoay trong gió. Mỗi khi gió thổi mạnh, hoa trút lả tả như có cơn mưa màu vàng vừa ngang qua phố. Không chỉ  hai con đường này mà đi đến đâu ở Huế cũng có thể bắt gặp hoa điệp. Ngẩng lên hay cúi xuống, trên đầu hoặc dưới chân, đều hoa là hoa, vàng ruộm.

Chợt nhiên em nhớ đến anh, nhớ cái lần anh ôm đàn hát nghêu ngao: “Cây điệp vàng trước nhà em mỗi tối, sắc hoa vàng rụng xuống kín chân tôi, không hò hẹn sao tôi còn mãi đợi, đứng lơ ngơ lóng ngóng dưới hiên đời”...  Trường đại học Khoa học của mình có mỗi một cây hoa điệp trước thư viện, dưới gốc cây dựng chiếc ghế đá. Buổi chiều hôm đó anh rủ em nán lại, chúng mình ngồi ghế đá, anh đàn hát em nghe, hoa điệp vàng rơi lả tả. Cũng khá lâu rồi, anh còn nhớ hay đã quên?

Qua đường Lê Hồng Phong, em ngẩn ngơ trước vẻ đẹp mong manh của hoa bằng lăng. Mùa này, bằng lăng nhuộm tím con đường. Từng chùm hoa đem lại cảm giác buồn ẩn ức. Em thích bằng lăng nhưng cũng ghét loài hoa này. Ghét vì khi đã qua mùa rồi, màu hoa phai dần, nhàn nhạt, xấu xí. Giá như bằng lăng giống như hoa điệp thì hay biết mấy, đến khi rụng xuống vẫn giữ được màu.

Hoa muồng hoàng yến cũng đã nở rực. Từng chùm hoa rũ xuống vàng tươi trong nắng. Hồi trước mỗi lần đi học ngang qua khách sạn Indochine trên đường Hùng Vương, mắt em dán chặt vào những cây muồng hoàng yến. Khách du lịch người nước ngoài cũng hay chụp ảnh hoa đó lắm. Mãi sau này em mới biết muồng hoàng yến là quốc hoa của Thái Lan.

Nhắc quốc hoa mới nhớ, quốc hoa của nước mình cũng sắp nở rồi. Ở hồ Tịnh Tâm và quanh Hoàng thành, những búp sen hồng dịu dàng vươn cao. Em định nay mai thuê áo dài sang chụp ảnh, hẳn sẽ đẹp lắm đây!

Và những vòm hoa giấy nữa, rực rỡ lắm anh ạ. Hoa giấy được trồng trước cổng những ngôi nhà sang trọng. Trắng kem, hồng tươi, đỏ rực hay màu gạch non, màu nào cũng đẹp theo cách riêng. Mặc dù hoa giấy nở quanh năm nhưng em nghĩ chỉ vào những ngày hè mới xinh tươi nhất. Dưới trời xanh nắng vàng, những vòm hoa giấy nom quyến rũ làm sao!

Về với Huế tháng năm để biết Huế còn có một mùa khác nữa. Mùa của hoa!

NHIÊN PHƯỢNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top