ClockThứ Ba, 26/04/2016 14:06

Nghề khắc mộc bản làng Sình

TTH - Men theo con đường làng hai bên trải những thảm lúa đang lên đòng, tôi tìm đến khu làng nghề làm tranh làng Sình. Không gian nơi đây được thiết kế bằng tranh, tre tạo cho người tham quan cảm giác điền viên.

Chuyện làng tranh

Ngồi bên chõng tre, tôi nhận từ nghệ nhân Kỳ Hữu Phước bát nước chè xanh. Ông cho biết, mỗi năm làng nghề đón hơn 1 triệu lượt du khách về tham quan, mua tranh, riêng năm nay, mới hết quý 1, lượng khách đến đã bằng nguyên các năm trước.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khắc mộc bản

Làng tranh ra đời từ khi nào không ai nhớ rõ. Nhưng hầu như bất cứ ai chỉ cần yêu thích thì có thể làm tranh được, khó là ở chỗ, muốn theo nghề phải có cái tâm. Khắc mộc bản lại càng đòi hỏi chú tâm hơn, khi làm nghĩ đến việc khác sẽ không có tác phẩm đẹp. Làng Lại Ân có 2/3 số hộ dân vẽ tranh làng Sình, nhưng chỉ duy nhất gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khắc mộc bản. Ông Phước cho biết, nghề khắc mộc bản ít người làm vì công việc hoàn toàn làm thủ công. Mộc bản nhìn không cầu kỳ, sắc sảo như những họa tiết của nghề chạm trổ khác, nhưng nó khó hơn vì khi khắc phải chú trọng việc lấy nét. Cái khó nữa là phải giữ nguyên tắc nguyên bản. Tranh làng Sình có 3 thể loại, gồm: nhân vật, súc vật và đồ vật. Mỗi thể loại có ý nghĩa tâm linh khác nhau. Tranh nhân vật để cầu nguyện bình yên cho những người trong gia đình. Mẫu mã của thể loại này từ xưa đến nay chưa hề thay đổi; mỗi lần khắc xong một mộc bản, người thợ phải in vài mẫu để dành làm các mẫu sau. Các thể loại súc vật và đồ vật có ý nghĩa để gia chủ cầu mong cho việc trồng trọt, chăn nuôi và sắm sửa trong nhà luôn tốt đẹp, suôn sẻ. Hai thể loại này về cơ bản vẫn phải giữ nguyên tắc truyền thống, nhưng có thể thay đổi các thế của súc vật, 12 con giáp như: đứng, nằm, hoạt động; còn đồ vật, người làm tranh có thể thay đổi hình thái một chút theo thị hiếu nhưng vẫn phải giữ nguyên ý nghĩa của mỗi tác phẩm. Vì thế khi khắc mộc bản phải tỉ mỉ từng đường nét.

Khó truyền nghề

Bên cạnh yếu tố nguyên bản, công việc hoàn toàn làm bằng thủ công. Từ khi dán tranh mẫu vào ván gỗ để khắc, ngoài những dụng cụ như cưa, đục, bào… thì không có sự can thiệp nào của máy móc.

12 con giáp khắc trên mộc bản

Người ta thường dùng 3 loại gỗ để khắc mộc bản là: mức, mít và thị. Những loại cây này ngày càng hiếm. Để có đủ gỗ làm hàng, phải tìm đến những nông trường trồng hồ tiêu trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận dặn trước, chờ khi họ thay gốc mức trồng tiêu thì đến thu mua. Các loại gỗ khác hiếm hơn, người làm nghề mộc bản chờ đánh hơi ở đâu hạ mít hoặc thị thì đến thu mua. Ông Phước chỉ cho tôi kho gỗ dự trữ của ông không để thiếu gỗ làm mộc bản. Mộc bản không chỉ cung cấp cho người vẽ tranh làng Sình, nhiều người làng Lại Ân đi xa mang nghề theo cũng phải về làng mua mộc bản; một số du khách trong và ngoài nước, khi đến tham quan mua mộc bản để làm kỷ niệm chuyến đi hoặc thay thế tranh trang trí trong nhà.

Quan điểm của ông Phước không cần giữ bí quyết mà còn khuyến khích những ai muốn theo nghề làm mộc bản. Tuy nhiên, với những khó khăn của nghề khắc mộc bản tranh làng Sình nên ít người kiên trì với nghề. Đến nay ông Phước chỉ mới đào tạo thành công 2 học trò làm mộc bản. Ông tâm sự: “Nhiều năm theo nghề thì hết gần 20 năm tôi lo lắng mất nghề vì suốt thời gian đó, ở làng chỉ còn nhà tôi làm tranh. Năm 1996, đất nước mở cửa, các làng nghề được khôi phục, nghề làm tranh ở làng Sình cũng sống lại”. Mong muốn của nghệ nhân là tìm được nhiều người khắc mộc bản hơn nữa để tiếng vang của tranh làng Sình ngày một xa hơn.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết, Festival Huế năm nào ông cũng chuẩn bị hơn 1.000 sản phẩm. Năm nay cũng không ngoại lệ.

 Bài, ảnh: LAN ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề

Từng là đầu bếp của một nhà hàng hạng sang ở TP. Hồ Chí Minh, cháu gái tôi quyết định về lại Huế làm việc. Một buổi đi làm, buổi còn lại nhận làm bánh sinh nhật. Khách thấy mẫu mã đẹp lại đặt hàng nên có việc làm quanh năm. Cộng hai khoản tiền thu nhập, cháu tôi bắt đầu có tiền dành dụm.

Giỏi một nghề, biết nhiều nghề
Hòa mình vào lễ hội vật truyền thống dân gian giàu tính văn hóa

Ngày 19/2 (tức mùng 10 Tết Giáp Thìn), Hội vật truyền thống làng Sình, xã Phú Mậu, TP.Huế chính thức khai hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, cổ vũ. Đến với hội vật làng Sình, người dân và du khách được hòa mình vào lễ hội dân gian giàu tính văn hóa.

Hòa mình vào lễ hội vật truyền thống dân gian giàu tính văn hóa
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị

Gặt hái những “quả ngọt” từ các hoạt động giảng dạy, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng dịch vụ, massage chăm sóc phục hồi sức khỏe đã trở thành nghề mũi nhọn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người mù, người khiếm thị.

Phát triển nghề massage cho người mù, người khiếm thị
Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù

Sau khi làng bún Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng, số hộ tham gia sản xuất càng tăng lên...

Phát triển bền vững nghề bún Vân Cù
Return to top