ClockChủ Nhật, 03/06/2018 14:00

Nhảy ùm xuống vịnh Cất Toom

TTH - Góc rừng đầu nguồn ủ mưa suốt chiều, vắng tiếng chim rừng nhưng tiếng suối vẫn róc rách chảy qua những tảng đá lớn.

Homestay Hồng Hạ. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển

Nếu như với đồng bằng, những sinh hoạt văn hóa thâm trầm chảy xuôi những dòng sông thơ mộng: Hương, Bồ, Ô Lâu, Như Ý… thì ở miền núi cao rừng thẳm những mùa vui bất tận lại ầm ào bên những thác suối mát lạnh đến tê người. Hàng trăm con thác suối có tên hay không tên được ví như những nàng sơn nữ hay “mái tóc dài của người con gái Pa Cô” tung tẩy những vách rừng. Ai từng lên Hồng Hạ tắm mình trong thác suối Pârle có thể nào quên được làn nước mát lạnh đẫm mùi lá tươi gỗ mục của đại ngàn Trường Sơn. Giờ đây, nơi thượng nguồn suối Pârle du khách còn có thêm trải nghiệm tục “pộc xu” (đi sim) với những chòi tranh bên bìa rừng… Đó là một trong những tiết mục đặc sắc trong “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ II” diễn ra vào những ngày cuối tháng 4/2018.

Góc rừng đầu nguồn ủ mưa suốt chiều, vắng tiếng chim rừng nhưng tiếng suối vẫn róc rách chảy qua những tảng đá lớn. Một “dàn nhạc” bằng các ống tre tạo nên tiếng “chuông gió” tróc trách đều đều theo lực đẩy của dòng nước. Đây là dụng cụ phát âm thanh của đồng bào miền cao chế ra nhằm đuổi thú rừng. Có người gọi một cách lãng mạn là “nhạc nước”. Bên bờ suối là bốn chòi tranh vững chãi, cao ráo, gọi là chòi A Tiêng. Nó cũng gọi là “xu” (nhà nhỏ - khác với moong - nhà to) đi kèm với “pộc”  là “đi”. Chòi A Tiêng được người Pa Cô dựng lên để canh rẫy, tránh thú dữ, cũng là nơi cha mẹ dành cho những cô con gái đến tuổi trăng tròn đón đợi người thương. Mùa đi sim là những mùa trăng ngây ngất. Sau một ngày miệt mài trên nương rẫy, khi trăng lên những trai làng gái bản lại rạo rực đi sim. Cảnh tái hiện tục “đi sim” với bốn đôi trai gái. Các cô gái “ngủ giả vờ” trên chòi A Tiêng trong khi những chàng trai tinh nghịch đang tìm cách tiếp cận bằng tiếng đàn giọng hát nỉ non tha thiết.

Chòi A Tiêng trong ngày hội “Pộc Xu” (Đi sim)Ảnh: Phạm Nguyên Tường

ò…ớ…ơ…y…hò…ơ ơ…hơ…hơ…

Kăn A Un nàng ơi, em như con chim Ka Tru đậu trên đỉnh đồi/ em như con chim Zoong đậu trên dốc núi/ kết bạn cùng em, nhưng đồi cao núi thẳm làm sao anh đến được…

Nàng ơi hãy chặt cây gỗ làm cầu anh sang

Nàng hãy chặt cây tre làm cầu thang anh tới

Hỡi cô gái xinh đẹp có nghe lời anh không

Nghe lời tỏ tình của chàng trai, từ trên chòi A Tiêng cô gái thả thang tre xuống đón chàng lên. Hành động đó chứng tỏ người con gái đã chấp nhận lời tỏ tình của chàng trai. Trong không gian chòi A Tiêng rộng khoảng 4m2, ở giữa là một bếp lửa hồng. Chàng trai và cô gái ngồi đối diện nhau bên bếp lửa, họ nhìn nhau e thẹn, trò chuyện cùng nhau. Rồi đến một lúc, cô gái mở chiếc tựp đựng gạo nếp,thịt cá, gà như “món cỗ tình yêu” ra mời chàng trai- cử chỉ của cô gái nhận lời cầu hôn. Trong thực tế đi sim ngày xưa, đó là thời khắc đêm về khuya, trăng chếch bóng. Nếu đến lúc đó mà cô gái không trao “món cỗ tình yêu” thì “coi như thôi rồi”, chàng trai sẽ buồn và thất vọng vô cùng. Hạnh phúc thay cho những chàng trai được cô gái mở tựp trao mời, bởi từ đó về sau, họ chỉ có náo nức mong chờ những mùa trăng ngày chóng qua đêm nhanh xuống để còn gặp mặt Târ Roonh (người yêu)…

Vịnh Cất Toom trong suối Pârle. Ảnh: FB Suối PÂRLE - Homestay Hồng Hạ

Trong ngày tái hiện tục đi sim, sau giây phút gặp gỡ trong chòi A Tiêng, những chàng trai cô gái rủ nhau ra bờ suối. Khói từ bếp lửa trong chòi A Tiêng bay lên làm ấm cả góc rừng. Họ ngồi bên nhau, tay chân nghịch nước, mắt môi tình tứ qua những lời ca tiếng hót trong veo cao vút.

A Miêng ơi,

em như con chim Tarươi tìm tổ/ em như con sóc con nai tìm bạn

em trồng chuối apung chờ ngày anh tới/ em chăm chuối akoh đợi ngày anh về

A Miêng ơi, đợi em bắt cá cho bố anh ăn

đợi em dệt Zèng cho mẹ anh mặc

ngọn tarai đã đâm chồi nảy lộc

hoa piarpang đã nở trắng trên rừng

Những câu hát giao duyên, ướm lời vấn víu bên nhau bên dòng suối như dò tìm cái tim cái dạ nông sâu:

Nàng tiên của anh ơi! Vòng bạc cườm quý anh chẳng có

Anh chỉ có tấm lòng suốt đời nguyện cùng em

Thương nhiều lắm chàng ơi/ Em chẳng yêu vòng bạc/ Em chẳng cần cườm quý/ Chỉ mong chàng yêu thật lòng…

Theo lời kể của già làng, tục pộc xu ngày xưa hết sức tình tứ lãng mạn nhưng vô cùng trong sáng của những người con trai con gái Pa Cô. Họ yêu nhau qua mấy mùa trăng, tình yêu ngày thêm đậm đà, sống cùng nhau, cùng ăn cùng ở, cùng đắp chung tấm zèng ấm nhưng chỉ dừng lại ở đấy thôi, tuyệt nhiên không được vượt xa thêm. “Đêm nay chung gối chung chăn/ Chàng ơi giữ lấy tấm thân ngọc ngà”. Người Pa Cô rất khắc khe chuyện “chăn gối” trước hôn nhân, nếu ai vi phạm thì đó sẽ là một nỗi nhục nhã, xấu xa, nhơ bẩn cho cả gia đình, tộc họ, bị làng trách phạt rất nặng, thậm chí sẽ kiệt quệ vì không đủ gia sản để nộp phạt. Rồi đến lượt Giàng cũng trừng phạt cả làng, gây ra đau ốm, chết chóc…

Anh Hồ Viết Lương, Chủ tịch xã Hồng Hạ cho biết: “Những chòi A Tiêng sau ngày trình diễn tái hiện tục “đi sim” sẽ trở thành một sản phẩm mới trong cụm du lịch thượng nguồn suối Pârle. Chòi “pộc xu” chỉ dành cho 2 người nhưng chúng tôi có thể sẽ tận dụng cho một chỗ ngủ homestay 4 người”. Tôi tin những dự định ấy sẽ sớm thành hiện thực. Cách đây 3 năm khi khái niệm du lịch sinh thái còn là cái gì quá mới trên vùng núi này, Hồ Viết Lương đã khoác tay cho tôi biết tương lai của du lịch Hồng Hạ: “Phía trước mặt nhà gươl và UBND xã sẽ là một phiên chợ vùng cao, du khách sẽ đi chợ bằng những chiếc xe trâu lững thững khắp làng. Chợ vùng cao có gì: măng rừng, rau rừng, chuối rừng, thịt bò, muối ớt,…”. Trong “Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số huyện A Lưới lần thứ II” tổ chức ở Hồng Hạ, du khách đã sà vào phiên chợ vùng cao mà Lương từng khoe. Đồng bào bán hàng không ngơi tay, có những thức ăn ngon, đặc sản của núi rừng không đủ giao cho người đồng bằng.

Anh Hồ Viết Lương cho biết: “Chúng tôi không chỉ tiếp tục khai thác các điểm đến cũ như cột đá thiên A Doi, suối Pârle… mà còn tiếp tục mở tour phượt đến suối A Rưm với nguồn “nước thần Giàng ơi”, chèo “thuyền tình yêu” bên suối… Ý tưởng và dự định dường như bất tận trong con người chủ tịch xã xuất thân từ cán bộ Đoàn này. Chính vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của suối Pârle đã được phát hiện từ các cuộc dã ngoại tự phát của các đoàn viên sinh viên các trường đại học ở Huế mà anh bí thư Đoàn Hồ Viết Lương ngày ấy làm đầu mối dẫn dắt, để rồi ý tưởng khu du lịch sinh thái hình thành. Từ ý tưởng đến bắt tay vào việc là một cuộc gian truân. “Quân” của Hồ Viết Lương đi khắp nơi trong cả nước học tập các mô hình du lịch sinh thái, được sự tư vấn và hỗ trợ quảng bá của Công ty lữ hành HGH (Huế), để rồi trở về và chọn lấy một không gian homestay phù hợp với xã nhà.

Homestay dân dã. Ảnh: Nguyễn Thượng Hiển

Khu nhà gươl của Hồng Hạ trở thành homestay được thiết kế dân dã với 18 giường ngủ sạch đẹp tinh tươm. Du khách sau một ngày tắm táp đã đời trong suối thác Pârle, thưởng thức đủ thứ đặc sản ẩm thực trong đó, tối về chơi lửa trại với bà con bản làng, cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian, rồi ngủ vùi trong nhà gươl, sáng sớm mai tiếng chim rừng gọi dậy tinh khôi… Rồi nữa, phải xây dựng thực đơn khai thác triệt để những đặc sản vùng cao cho du khách. Tôi đã từng chứng kiến đội văn nghệ xã miệt mài luyện tập dưới sự hướng dẫn của già làng Pi Hooi Cu Lai, một cựu cán bộ văn hóa và tuyên giáo huyện A Lưới. Rồi những lán trại cho du khách nghỉ chân trong suối Pârle. Chỉ sau một trận mưa lớn, lũ quét về, hơn hai chục lán trại bị cuốn trôi.

Lại phải làm lại từ đầu… “Gian truân vất vả lắm anh ơi!”, Chủ tịch Hồ Viết Lương nói, rắn rỏi với “ly” rượu đoác làm bằng ống tre thô mộc trong tay. Tôi biết đó là nỗigian truân vất vả không chỉ của Lương và tập thể lãnh đạo mà còn của tất cả bà con trong xã. Từ chỗ quanh năm cắm mặt với ruộng rẫy, họ đã tập hợp với nhau trong “Tổ hợp tác du lịch cộng đồng”, chia thành 4 nhóm, phụ trách tiếp đón và hướng dẫn du khách, phục vụ ẩm thực khi du khách có nhu cầu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tắm suối và quản lý vệ sinh công cộng… “Không thể làm được như ngày hôm nay nếu không có bà con, không có già làng, không có các đoàn thể chung tay góp sức”, Hồ Viết Lương nói về bà con với tất cả sự khâm phục, tự hào.

Mải vui chuyện, chúng tôi vào đến Pârle lúc nào không hay. Một không khí trong lành mát lạnh khắp người. Tiếng chim rừng réo rắt, líu lo, rộn rã. Lương lấy một ít thức ăn trong túi mang theo ném xuống vịnh nước cho cá. “Mấy hôm rồi không vào suối, nhớ lũ cá quá!”- hai anh em nhảy ùm xuống vịnh Cất Toom.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rác "nhảy" khắp các đường vắng

Dọc các tuyến đường mới mở, các khu quy hoạch (KQH) đất ở nhưng chưa xây dựng quanh khu vực nội đô và ven đô TP. Huế, đủ các loại rác, từ rác thải sinh hoạt đến rác xây dựng... nằm án ngự thành từng cụm lớn, nhỏ hai bên vệ đường, đất trống.

Rác nhảy khắp các đường vắng
Chợ tràn xuống đường Đặng Văn Ngữ

Kiệt 19 đường Đặng Văn Ngữ khá rộng nằm ngay cạnh chợ An Cựu, gần ngã ba bờ hồ Kiểm Huệ (Hồ Sen) đang bị biến thành nơi họp chợ. Tình trạng “chợ chạy” đã diễn ra từ rất lâu khiến giao thông ở đây luôn trong tình trạng ùn tắc và lộn xộn, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị.

Chợ tràn xuống đường Đặng Văn Ngữ

TIN MỚI

Return to top