Cách bảng cấm đổ rác của UBND phường Thủy Vân không xa, rác xuất hiện dọc vỉa hè Tỉnh lộ 10
Như hiệu ứng "dây chuyền", những khu vực vắng người đang dần dần trở thành điểm tập kết rác, nhiều nhất là rác thải xây dựng. Địa điểm thì bất kể là đường mới mở hay khu đất quy hoạch chưa xây dựng, miễn là tiện đường, lợi xăng, không phải chở đi xa đến bãi quy hoạch.
Rõ nhất và mất mỹ quan nhất là ở một số tuyến đoạn Hồ Đắc Di nối dài giao với đường Lý Thường Kiệt (Thủy Dương- Tự Đức), KQH làng đại học Huế, nút giao đường Võ Nguyên Giáp- Tố Hữu, Tỉnh lộ 10 qua địa bàn các xã của huyện Phú Vang và TX. Hương Thủy...
Để tìm cách ngăn nạn đổ rác bừa bãi của một số người, nhiều bảng cấm đổ đất thải, rác thải được các đơn vị chủ quản như Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị (KVPTĐT) tỉnh, UBND xã Thủy Vân... dựng lên ngay trên những khu đất đã và có nguy cơ xuất hiện rác.
Lạ một điều là khi dựng bảng cấm lên chỗ này thì rác lại "nhảy" sang vị trí khác cách đó không xa. Cứ có người đổ là người sau làm theo, hình thành từng bãi rác kéo dài cả một đoạn đường, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường, công trình dân sinh...
Chính việc thiếu ý thức này đã khiến các đơn vị chủ quản rất đau đầu trong việc dẹp nạn đổ rác thải, rác xây dựng ở các KQH, đường, đất trống. Ban quản lý KVPTĐT dù dựng bảng "cấm đổ rác" và đề rõ "mọi trường hợp khi phát hiện vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành", song để "bắt tận tay", "phạt tận gốc" trường hợp vi phạm không phải chuyện dễ.
Tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng thường được các đối tượng lợi dụng đêm khuya, lúc vắng người để lén lút đổ, thậm chí có những người ở địa phương khác đem rác đến đổ.
Có đơn vị cấp xã phải cử lực lượng công an xã phục kích ban đêm để phát hiện và xử lý những trường hợp xả rác bừa bãi, chống nạn rác vãng lai, thế nhưng, chỉ đôi ba lần cũng "đứt đuôi" vì sức lực có hạn.
Thừa Thiên Huế đang xây dựng môi trường xanh- sạch, không rác thải. Trong khi đó, nếu ý thức người dân còn kém, cộng thêm sự buông lỏng, thờ ơ của chính quyền địa phương thì sẽ rất khó thực hiện thành công mục tiêu sạch rác.
Ngoài tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xả rác đúng nơi, đúng thời gian quy định để bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương cần thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, đồng thời buộc khắc phục bằng cách hoàn trả nguyên trạng mặt bằng sạch.
Để giải quyết triệt để vấn đề rác nhảy và đâu đâu cũng dễ xuất hiện những bãi rác tự phát, đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường tại mỗi địa phương cũng cần gắn trách nhiệm, phát huy chức năng hoạt động của mình. Có thể những KQH mới chưa có người ở nên không có nguồn thu, nhưng điều này không có nghĩa được phép bỏ qua, làm ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan chung. Nên, ngoài huy động lực lượng các tổ chức đoàn thể ra quân vệ sinh môi trường, chính quyền địa phương hay đơn vị chủ quản nên hợp đồng với tổ chức, đơn vị vệ sinh môi trường tổ chức thu gom rác, tổng vệ sinh từng tuần một hoặc 2 lần/tuần. Có như vậy mới sớm xóa sạch những điểm rác nhảy, những đống rác có nguy cơ lan rộng thành những bãi rác khó dẹp bỏ.
Bài, ảnh: Hoài Nguyên