ClockThứ Tư, 18/04/2012 10:09

Nơi ươm mầm những thế hệ nhà văn, nhà báo

TTH - Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học Huế (trước đây là Phân khoa Văn khoa), từ lâu đã trở thành một địa chỉ gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên ở miền Trung và cả nước.

Với một lịch sử nối dài từ Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, đến nay, Khoa Ngữ văn đã có sự phát triển đáng kể về quy mô và các loại hình đào tạo.

Nơi đào tạo những thế hệ nhà báo, nhà văn... 

TS. Nguyễn Thành, Trưởng Khoa Ngữ văn, cho biết: “Thành tích đào tạo của Khoa trước hết được thể hiện qua những con số. Trong 18 năm trước năm 1975, Trường đại học Văn khoa Huế đã đào tạo khoảng 600 cử nhân văn chương. 35 năm sau, khoa đã đào tạo gần 2.000 cử nhân hệ chính quy, hơn 700 cử nhân hệ vừa làm vừa học, và hơn 300 thạc sĩ. Điều có ý nghĩa quan trọng hơn nữa, là chất lượng đào tạo, tức là sản phẩm đào tạo của Khoa được xã hội thừa nhận. Chỉ tính riêng các thế hệ sinh viên tốt nghiệp Văn khoa sau 1975, đã có hàng trăm nhà văn, nhà báo, trong đó không ít người đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan thông tin đại chúng, trong các hội Văn học-Nghệ thuật”. Bên cạnh những tên tuổi trong làng báo như Đặng Xuân Thu, Huỳnh Hùng, Nguyễn Thế Thịnh, Hoàng Xuân Công, Nguyên Du, Trần Quang Khanh, Hoàng Đại Huynh, Đinh Như Hoan, Minh Tứ..., Khoa Ngữ văn cũng là nơi đã đào tạo nên đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật đông đảo và tài năng. Đó là Văn Công Hùng, Hoàng Nhật Tuyên, Phạm Dũng, Hồ Thế Hà,... Nhiều nhà văn, nhà báo đã đoạt được những giải thưởng về văn học - nghệ thuật, về báo chí của Trung ương và địa phương.

Khoa Ngữ văn còn là nơi đã góp phần đào tạo nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho miền Trung và cả nước như PGS. TS. Phạm Thị Hòa (Andrea Hòa Phạm - Đại học Florida, Hoa Kỳ), PGS.TS Hồ Thế Hà, TS. Nguyễn Thành, TS. Trần Trung Hỷ, TS. Hà Ngọc Hòa (ĐH Khoa học, ĐH Huế), TS. Nguyễn Phương Minh (CĐSP Nha Trang), PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng (ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)... và hàng trăm thạc sĩ, nhà giáo đang giảng dạy, công tác trong các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trung học, phổ thông cơ sở, trong các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều sinh viên, học viên đã trở thành những những người đảm nhiệm các trọng trách trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền của các tỉnh, thành phố, góp phần điều hành và quản lý xã hội ở các địa phương.

Thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học

Song song với công tác đào tạo, khoa cũng luôn chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và học viên. Hoạt động nghiên cứu của giảng viên và học viên khoa Ngữ văn được duy trì thường xuyên và liên tục đã có tác động tích cực đến việc nâng cao chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên và học viên.

Số lượng đề tài cấp Bộ và cấp Tỉnh do giảng viên khoa Ngữ văn chủ trì hoặc phối hợp thực hiện khoảng gần 100 đề tài, trong đó có nhiều đề tài khảo sát, nghiên cứu những vấn đề của địa phương có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rõ rệt như: Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm Huế, Nghiên cứu tiếng Bru - Vân Kiều, Văn học Bình Trị Thiên sau 1975, Danh nhân Bình Trị Thiên, Địa danh tỉnh Quảng Bình, Nghệ thuật tuồng đồ ở Huế, Hò đối đáp Bình Trị Thiên, Văn học dân gian Quảng Trị... Bên cạnh các đề tài nghiên cứu về địa phương, Khoa Ngữ văn còn chủ trì các đề tài nghiên cứu về các tác giả, các trào lưu, khuynh hướng văn học lớn của Việt Nam và thế giới từ các góc độ tiếp cận mới mẻ. Đó là các đề tài Thi pháp tục ngữ Việt Nam, Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Việt Nam 1930-1945; Truyện ngắn Việt Nam đương đại - từ góc nhìn phân tâm học; Phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX: khuynh hướng, thành tựu, các phong cách tiêu biểu; Sử thi Ba Na ở Việt Nam trong bối cảnh sử thi thế giới...

Từ năm 2001, Khoa bắt đầu đào tạo thạc sĩ Ngôn ngữ học, chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ. Đến năm 2004, Khoa được Bộ cho phép chính thức tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành Văn học Việt Nam và Lý luận văn học. Năm 2011, Khoa Ngữ văn được Bộ cho phép đào tạo tiến sĩ với hai chuyên ngành: Văn học Việt Nam và Lý luận ngôn ngữ.

Khoa Ngữ văn cũng là đơn vị chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lý luận, thu hút sự tham gia của nhiều giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài khu vực Huế. Nổi bật trong số đó phải kể đến là các hội thảo về Văn học về chiến tranh; Tiếp nhận văn học; Những vấn đề mới của văn học đương đại; Văn học hậu hiện đại... Nhiều công trình do cán bộ, giảng viên khoa Ngữ văn chủ trì, biên soạn hoặc tham gia viết chung đã được xuất bản, công bố... Ngoài ra, có hàng trăm bài báo khoa học của các tác giả Nguyễn Đình Thảng, Nguyễn Xuân Hòa, Vương Hữu Lễ, Tôn Thất Bình, Phan Đăng, Trương Thị Thuyết, Phan Trọng Hòa, Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Trương Thị Nhàn, Nguyễn Thành… được đăng tải trên các tạp chí Trung ương. Hàng trăm đề tài luận văn do các học viên cao học thực hiện cũng đóng góp thực sự vào kho tài liệu tham khảo cho các giảng viên, học viên, sinh viên, phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy và học tập.

Tiếp tục củng cố những ngành (bậc đại học) được xã hội thừa nhận, tăng chất lượng tuyển sinh đầu vào; đầu tư cho đào tạo sau đại học và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên môn với các đại học nước ngoài, đó là những định hướng mà Khoa Ngữ văn sẽ thực hiện trong thời gian tới. “Để đảm bảo mục tiêu định hướng này, Khoa sẽ phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, vì chất lượng giảng viên là yếu tố hàng đầu trong giáo dục và đào tạo. Bổ sung và hoàn chỉnh chương trình đào tạo tín chỉ cho đào tạo đại học và sau đại học, tăng số học phần tự chọn, chú trọng tính cập nhật. Thúc đẩy việc biên soạn bộ giáo trình của khoa Ngữ văn. Đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, động viên và tạo điều kiện cho các giảng viên trẻ tu nghiệp hoặc học tập nâng cao trình độ tại các đại học tiên tiến ở nước ngoài. Với truyền thống và kinh nghiệm đào tạo 55 năm qua và sự hỗ trợ về tinh thần của hàng ngàn cựu sinh viên, học viên trên khắp mọi miền của đất nước, Khoa Ngữ văn sẽ tiếp tục lớn mạnh, đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của miền Trung và cả nước”, TS. Nguyễn Thành khẳng định.

Vân Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Return to top