ClockThứ Năm, 28/04/2016 14:20
AN TOÀN GIAO THÔNG CHO HỌC SINH:

Phối hợp từ nhiều phía

TTH - Vấn đề an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh từ lâu được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn xảy ra phổ biến, thậm chí gia tăng, để lại hậu quả nặng nề.

Thống kê của Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế, từ tháng 1/2015- 4/2016 trên địa bàn thành phố xảy ra 26 vụ TNGT liên quan đến học sinh làm chết 3 người, bị thương 24 người; ngoài ra có 23 vụ va chạm làm 24 người bị thương. Theo phân tích của công an, ngoài những nguyên nhân gián tiếp, việc xảy ra các vụ TNGT chủ yếu là do học sinh thiếu hiểu biết pháp luật và kỹ năng xử lý về ATGT.

Học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị cảnh sát lập biên bản

Hiện nay, tình trạng vi phạm ATGT đường bộ trong học sinh có chiều hướng gia tăng, các lỗi vi phạm chủ yếu là dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe đạp điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng... Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng học sinh vi phạm giao thông gia tăng là do một bộ phận phụ huynh vẫn còn cho con em mình đi xe đạp điện khi tuổi còn nhỏ, đi xe máy đến trường (chưa đủ tuổi để thi lấy bằng lái xe), thiếu quan tâm giáo dục các em ý thức chấp hành pháp luật. Chị Đỗ Thị Quỳnh H. ở đường Minh Mạng khi đến cơ quan công an nộp phạt cho con cho biết, mặc dầu con chưa có giấy phép lái xe nhưng do học thêm xa, bố mẹ bận nên đành giao xe cho con đi học. Rồi còn cho  rằng, nó đi cả năm nay có xảy ra vụ việc gì đâu. Một bà mẹ khác nộp phạt cho con về hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện than thở, khi mua xe cho con có mua kèm mũ nhưng không hiểu sao lúc ra đường con mình không đội (?!).

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh thừa nhận, hiện vẫn còn học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh. Tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách học sinh đến trường bằng xe điện; yêu cầu học sinh và phụ huynh ký cam kết thực hiện đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe điện tham gia giao thông. Cũng theo ông Mỹ, Sở vận động phụ huynh không giao xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện cho học sinh khi chưa đảm bảo các quy định (chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe đối với xe mô tô, xe gắn máy và chưa có mũ bảo hiểm đối với xe điện) để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, yêu cầu các trường tăng cường công tác kiểm tra việc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh. Đối với các trường hợp vi phạm, các đơn vị phải kịp thời có biện pháp giáo dục, nhắc nhở và có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Cán bộ quản lý, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, giáo viên chủ nhiệm… có học sinh vi phạm phải chịu trách nhiệm liên đới.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Huế khẳng định, việc hạn chế đến mức thấp nhất học sinh vi phạm luật giao thông có thể làm được. Tuy nhiên, cần sự chung tay cả gia đình, nhà trường, xã hội và sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh. Công an TP. Huế đã phối hợp với các trường học xây dựng các biện pháp phòng ngừa, tăng cường tuyên truyền phổ biến quy định về việc tham gia giao thông bằng xe đạp điện đến tận trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các tổ Cảnh sát giao thông đã tổ chức tuần tra kiểm soát trên các tuyến phố, các cổng trường học, nơi tập trung nhiều học sinh, sinh viên để phát hiện và xử lý.

Nguy cơ gây TNGT của xe đạp điện không kém xe máy bởi tốc độ tối đa cao, trong khi phần lớn người điều khiển lại là học sinh, kỹ năng vận hành phương tiện kém. CSGT khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho học sinh dưới 13 tuổi điều khiển xe đạp điện; khi sử dụng phải đội mũ bảo hiểm; gia đình, nhà trường cần tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện. Nên chăng cần có quy định những người điều khiển xe đạp điện phải tham gia học luật giao thông trong một thời gian nhất định để cấp chứng chỉ; học sinh đi xe đạp điện phải đủ 15 tuổi trở lên.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Return to top