ClockThứ Ba, 13/08/2019 06:15
KHẮC PHỤC SAI PHẠM Ở HỘ THÀNH HÀO:

Thận trọng cho các bước kế tiếp

TTH - Liên quan đến hạng mục tu bổ, tôn tạo kè Hộ thành hào mặt Nam Kinh thành Huế (thuộc dự án Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế), đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công đang khắc phục những sai phạm. Dưới đây là một số ý kiến gợi ý trong nỗ lực tìm phương án thi công phù hợp cho phần tiếp theo của công trình.

Đề nghị kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thểCó giải pháp tu bổ, phục hồi phù hợp kè Hộ Thành hàoĐiều chỉnh giải pháp thi công kè Hộ Thành Hào

Việc tu bổ di tích cần được tính toán kỹ

Kinh thành Huế được xây dựng từ năm 1805 - 1833, là vòng thành có quy mô lớn nhất Việt Nam còn bảo tồn cho đến nay. Cấu trúc gồm: tường thành, các pháo đài, Phòng lộ, Hộ thành hào, Thành giai, Hộ thành hà. Trong đó, Hộ thành hào là hệ thống hào nhân tạo, được đào ngay bên ngoài và bao bọc quanh tường thành, dài gần 12km. Hào rộng từ 26m - 60m, sâu 3m. Hai bên thành hào có kè đá gan gà theo lối xếp khan, dày từ 1,4m-2m. Bờ kè cao 3m, không xây móng mà đặt ngay trên nền cát được đầm chặt.

Để bảo vệ tính bền vững cho tường Kinh thành Huế và chỉnh trang cảnh quan của công trình, Thừa Thiên Huế đã tiến hành tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ thành hào. Tuy nhiên, quá trình triển khai chưa hoàn thiện đã bị UBND tỉnh yêu cầu dừng lại do báo chí phản ánh việc thi công có nguy cơ làm mất yếu tố gốc của công trình.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng câu chuyện tu bổ, tôn tạo di tích đình Chu Quyến (Hà Nội) ở góc độ nào đó sẽ là tấm gương cần thiết cho tu bổ kè Hộ thành hào. Năm 2010, dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Chu Quyến (Hà Nội) được thực hiện theo quan điểm “bảo tồn tính nguyên gốc” và đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản tại Hội nghị của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án đã được xây dựng bài bản trên cơ sở một kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Thông qua dự án này, những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã được xây dựng để áp dụng với các di tích khác nhằm nâng cao chất lượng khoa học và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích trong điều kiện tốc độ đô thị hóa tăng nhanh hiện nay.

Một đoạn kè Hộ thành hào sau đang được tu bổ

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), trong quá trình triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Chu Quyến, cộng đồng người dân tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, được mời nghe giới thiệu về nội dung và sự cần thiết của dự án. Lực lượng nhân công trực tiếp tham gia thi công công trình cũng được giới thiệu về dự án. Họ được cung cấp thông tin để hiểu về những nội dung ý nghĩa, những vật liệu quan trọng của dự án để có thái độ ứng xử đúng mực khi bắt tay vào làm. Quá trình tu bổ di tích, phải được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên và nghiêm ngặt của tư vấn giám sát và cộng đồng cư dân nơi có di tích. Cách làm này cũng có thể áp dụng đối với việc triển khai thi công hệ thống kè Hộ thành hào.

PGS. TS. Đặng Văn Bài nói thêm: Chủ đầu tư có thể không sử dụng lại số đá gan gà cũ do đã bị phong hóa khi gia cố kè mới, song việc đó phải được quyết định bởi hội đồng giám định đúng thẩm quyền và phải công khai lấy ý kiến của các chuyên gia về việc bỏ hay dùng. Đối với phần vật liệu còn tái sử dụng được, phải tái định vị vào một khu vực và càng nhiều càng tốt để đảm bảo tính nguyên gốc của công trình. Còn phần sử dụng vật liệu mới phải nêu rõ đó là dấu ấn của thời hiện tại, do không thể tìm ra vật liệu như vật liệu nguyên gốc.

Với quan điểm của mình, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, lại đề xuất cần thiết để nguyên hiện trạng 1km (trong số tổng chiều dài hơn 11km của bờ kè) đã thi công. Việc này nhằm đạt hai mục đích, không lãng phí và coi đó là bài học xương máu để thực hiện phần còn lại. TS. Trần Đình Hằng cho rằng, việc đập bỏ để xử lý đoạn bờ kè Hộ thành hào đã tu bổ, gia cố xong nhưng phải tạm ngưng do bị phản ánh không tuân thủ đúng yếu tố gốc, là hoàn toàn không nên. Việc cần thiết lúc này là “để yên đó”, rồi cắm bảng ghi rõ các thông tin thiết kế, thi công, giám sát và lý do tạm ngưng. Phần còn lại trước khi thi công phải tiếp tục tham khảo ý kiến các chuyên gia, công khai, minh bạch các phương án và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giám sát.

“Để thận trọng, cần tiến hành tu bổ từng đoạn. Sau khi hoàn thành thì tổ chức nghiệm thu, tranh thủ ý kiến các chuyên gia, đánh giá và rút kinh nghiệm cho đoạn kế tiếp. Khi công trình hoàn tất, nếu có kinh phí và cơ sở khoa học có thể tính đến phương án quay lại xử lý đoạn đầu tiên này. Điều quan trọng là chúng ta dám nhìn nhận sai sót, cầu thị và coi đây là bài học kinh nghiệm vô cùng đắt giá, quý báu trong trùng tu, mà trong tương lai Huế sẽ là trung tâm chuẩn mực”, TS. Trần Đình Hằng nói.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vàng son một thuở

Lần đầu tiên, hơn 100 tài liệu có lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế được tái hiện sinh động qua triển lãm ngay trên chính khu vực Kỳ đài, Thượng thành, Kinh thành Huế.

Vàng son một thuở
“Kinh thành Huế - dấu xưa còn lại”

Là chủ đề của Triển lãm do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế phối hợp cùng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức chiều 17/1 tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội. Tham dự, có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; lãnh đạo các sở, ngành cùng đông đảo du khách tham quan di tích Huế.

“Kinh thành Huế - dấu xưa còn lại”
Tu bổ, tôn tạo gần 1.400m kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cho biết, sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào ở mặt Đông di tích Kinh thành Huế. Đây là hạng mục thuộc dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - Hợp phần tu bổ, tôn tạo di tích” đã được UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh tại Quyết định số 1452/QĐ-UBND. ​

Tu bổ, tôn tạo gần 1 400m kè Hộ Thành hào ở mặt Đông Kinh thành Huế
Dang dở chỉnh trang các hồ trong Kinh thành Huế

Đến tháng 4/2024, gói thầu số 24 thuộc Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên sẽ hết hạn hợp đồng, nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dở dang, đặc biệt là hạng mục nạo vét, chỉnh trang 5 hồ trong hệ thống thủy đạo của Kinh thành Huế.

Dang dở chỉnh trang các hồ trong Kinh thành Huế
Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích

Rất nhiều "Ngày chủ nhật xanh" đã được tổ chức, Xanh- sạch- sáng đã trở thành phong trào của cả tỉnh và được nhiều địa phương duy trì thường xuyên, vậy mà sao vài vị trí rất đáng để mắt như nơi đống rác kia “tọa lạc” lại bị bỏ sót...

Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích
Return to top