ClockThứ Sáu, 15/12/2023 07:35

Dang dở chỉnh trang các hồ trong Kinh thành Huế

TTH - Đến tháng 4/2024, gói thầu số 24 thuộc Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên sẽ hết hạn hợp đồng, nhưng đến nay nhiều hạng mục vẫn còn dở dang, đặc biệt là hạng mục nạo vét, chỉnh trang 5 hồ trong hệ thống thủy đạo của Kinh thành Huế.

Đô thị cho thành phố trực thuộc Trung ươngChỉnh trang hạ tầng đón khách du lịch biểnTạo đột phá cho đô thị trung tâm

Hồ Vuông (đường Tú Xương, phường Tây Lộc, TP. Huế) thi công dang dở 

Với sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - tiểu dự án Thừa Thiên Huế đang triển khai gói thầu số 24, bao gồm hệ thống thoát nước và vỉa hè 16 tuyến đường ở 4 phường nội thành; nạo vét và kè hồ kinh thành; chỉnh trang và xây dựng kè dọc bờ sông Đông Ba với giá trị hợp đồng hơn 224 tỷ đồng.

Trong đó, đối với các hồ trong kinh thành, đang tiến hành nạo vét, chỉnh trang, xây dựng kè cứng chống sạt lở. Cụ thể, những hồ này sẽ được xây kè bậc thang nhiều tầng kết hợp điểm ngồi vọng cảnh; kè bậc thang nhiều tầng xếp rọ đá kết hợp lọc nước; kè mái nghiêng xếp đá khan kết hợp giâm cành xen kẽ bằng các loại cây bụi thủy sinh bán ngập.

Xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh đường xung quanh hồ; bố trí các dụng cụ thiết yếu như ghế đá, dụng cụ tập thể dục; chỉnh trang các cửa xả nước mưa ra hồ và bố trí các cửa thu nước mặt đường chảy trực tiếp ra hồ; lắp đặt ống thu gom nước thải nhà dân, đấu nối với đường ống thoát nước mưa; đồng thời, bổ sung các máy bơm trao đổi ôxy và trồng cây thủy sinh là dương xỉ và thủy trúc. Các hạng mục khởi công từ tháng 4/2021, dự kiến tháng 4/2024 sẽ hoàn thành.

Hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế gồm sông Ngự Hà làm chủ đạo, liên kết với hơn 40 hồ lớn nhỏ trong khu vực. Đây là những hồ tự nhiên hoặc nhân tạo, ngoài yếu tố phong thủy còn có chức năng điều hòa, tiêu thoát nước trong khu vực nội thành. Nhiều năm nay, các hồ trong khu vực Kinh thành Huế bị bồi lắng, ứ đọng rều rác, chưa được nạo vét khiến lớp tầng phủ dày tích tụ gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng tích trữ nước của hồ.

Ông Ngô Văn Sơn, một người dân sống cạnh hồ Cây Mưng (đường Nhật Lệ, phường Thuận Lộc, TP. Huế) cho biết, trước đây, hồ bồi lắng, tù đọng nguồn nước, lâu dần mất khả năng tích trữ nước, gây ô nhiễm. Dự án triển khai đã tiến hành nạo vét, chỉnh trang, kè bờ đã và đầu tư hệ thống dẫn tiêu thoát nước cho hồ. Đồng thời, xung quanh có các điểm xanh khiến bộ mặt các tuyến đường Ngô Đức Kế, Nhật Lệ được đổi thay khang trang.

Theo ghi nhận của PV, hiện nay hồ Cây Mưng đã tiến hành kè bờ xong các mặt, giải phóng mặt bằng, thanh thải hết bùn đất, xây xong điểm ngồi vọng cảnh. Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 299 đang tiến hành bơm hạ mực nước hồ để xây dựng cống thoát nước.

Trong khi đó, tại các hồ Vuông, Tiền Bảo nằm trên đường Tú Xương (phường Tây Lộc, TP. Huế) việc thi công vẫn đang dở dang, bùn đất chất đống, ngổn ngang hai bên đường Tú Xương và trên công trường không có công nhân nào tiến hành thi công.

Cụ thể, tại hồ Vuông chỉ mới kè đá xong một mặt, xây dựng chân kè và 2 điểm ngồi vọng cảnh. Một lượng bùn đất lớn vẫn chất đống 2 mặt hồ, mặt nước tù đọng gây ô nhiễm. Người dân ở đây cho biết, hồ này đã ngưng thi công trong thời gian dài và bùn đất tập kết vẫn chưa được thanh thải hết.

Ông Thái Minh Tú, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 299 cho biết, hiện nay các hồ này ngưng thi công là do nhà thầu gặp khó khăn về địa chất. Cụ thể, trong quá trình triển khai thi công, các túi nước ngầm khu vực hồ Vuông liên tục phun lên làm cho việc triển khai các hạng mục dưới nước gặp khó khăn. Trong khi đó, hợp đồng thi công trong 3 năm (từ tháng 4/2021) nên với tiến độ hiện tại chắc chắn phải gia hạn hợp đồng mới hoàn thành. 

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) – tiểu dự án Thừa Thiên, đến nay gói thầu số 24 nhà thầu đã tiến hành thi công hoàn trả mặt đường thảm nhựa 15/16 tuyến đường nội thành (còn tuyến Tạ Quang Bửu chưa đủ mặt bằng để thảm nhựa) với tổng chiều dài 14,33/15,77km và kè sông Đông Ba.

Ban QLDA tiếp tục kiến nghị UBND TP. Huế chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế sớm phối hợp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn còn lại. Đối với các hồ trong khu vực Kinh thành Huế (gồm các hồ Xã Tắc, Phong Trạch, Cây Mưng Tiền Bảo, Vuông) do Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 299 làm nhà thầu thi công hiện còn nhiều vướng mắc nên việc thi công vẫn còn dang dở.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban QLDA thông tin, dự án sẽ kết thúc vào tháng 4/2024, nhưng hiện nay có nhiều gói thầu đang vướng mắc việc giải phóng mặt bằng. Đơn vị tiếp tục đề nghị UBND TP. Huế chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai đáp ứng tiến độ. Yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện thi công, khắc phục những bất cập nhằm đưa các gói thầu hoàn thành đúng tiến độ.

Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang là 3 địa phương thực hiện Chương trình phát triển các đô thị loại II từ khoản vay 223,87 triệu USD của ADB. Tại Thừa Thiên Huế đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu 10 gói thầu (với 52 công trình), trong đó 2 gói thầu đã đưa vào sử dụng, 8 gói thầu đang triển khai thi công và đều triển khai trên địa bàn TP. Huế.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
4.5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương

Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều dự án (DA) quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương
Nòng cốt trong chuyển đổi số

Với phương châm “Chuyển đổi số (CĐS) phải bắt đầu từ trong chính tổ chức Đoàn, từ đó lan tỏa đến đoàn viên thanh niên và xã hội”, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động nhằm thúc đẩy CĐS một cách hiệu quả và thiết thực.

Nòng cốt trong chuyển đổi số
Return to top