ClockChủ Nhật, 24/04/2016 19:44

Thủy điện nợ 735 ha rừng thay thế

TTH - Để triển khai thực hiện các dự án thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Điền, đã có 910 ha rừng trên địa bàn tỉnh bị chặt bỏ và ngập trong lòng hồ. Tuy nhiên, sau nhiều năm các dự án thủy điện này đi vào hoạt động, công tác trồng rừng thay thế theo quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn chậm.

Nợ rừng thay thế

Tại điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng nêu rõ, khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang không phải mục đích của lâm nghiệp, ngoài phương án đền bù giải phóng mặt bằng và báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư các dự án thủy điện phải đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác.  Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại, 3 công trình thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Điền vẫn còn nợ hàng trăm ha rừng trồng thay thế.

Để xây dựng thủy điện Hương Điền (ảnh), đã có 320ha rừng bị phá, nhưng chủ đầu tư dự án mới chỉ trồng 35ha rừng thay thế

Công trình thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ được khởi công năm 2005 và đi vào hoạt động cuối năm 2010 với công suất 81MW, sản lượng điện đạt trên 300 triệu kw/h/năm. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 23 của Chính phủ, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Đầu tư HD, phải thực hiện trồng gần 320 ha rừng thay thế cho số diện tích bị chặt phá khi triển khai thi công thủy điện. Tuy nhiên, sau 6 năm đi vào hoạt động, đến nay, đơn vị này mới chỉ trồng được 35 ha rừng thay thế (theo báo cáo của công ty là 59 ha).

Tương tự, công trình thủy điện A Lưới với công suất 170MW, nằm ở thượng nguồn sông A Sáp do Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư. Từ năm 2007, chủ đầu tư công trình này đã tiến hành thu hồi 140 ha rừng của người dân trên địa bàn. Tuy vậy, đã hơn 4 năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư mới chỉ trồng 70 ha rừng thay thế.

Công trình thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương được khởi công đầu năm 2005 và đi vào vận hành vào tháng 5/2009 với công suất 44MW, sản lượng điện đạt trên 181 triệu kw/h/năm. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền phải thực hiện trồng 450ha rừng thay thế cho diện tích rừng bị phá để làm thủy điện. Thế nhưng, đến nay, sau gần 7 năm kể từ khi công trình đi vào phát điện, chủ đầu tư mới chỉ thực hiện trồng được 70ha rừng thay thế.

Sớm thực hiện đúng cam kết

Ông Nguyễn Quảng Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền cho biết: “Vừa qua, đã có cuộc họp giữa chủ đầu tư các thủy điện với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Công ty sẽ có báo cáo bằng văn bản phương án trồng rừng thay thế của mình gửi cho bên quỹ. Dự kiến, cuối năm nay, đơn vị sẽ trồng hết diện tích rừng thay thế còn thiếu”.

Nhiều cây rừng đã buộc phải đốn hạ để phục vụ thi công Thủy điện A Lưới.  Ảnh: Huy Khánh

Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, để thực hiện ba dự án thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới, có tổng diện tích 910 ha rừng bị thu hồi. Đến nay, các chủ đầu tư các công trình này mới chỉ trồng được 175 ha, tức còn nợ 735 ha rừng thay thế. 

Ông Dũng cho biết thêm, sau khi chủ đầu tư các dự án thủy điện trên cam kết, trồng rừng thay thế theo quy định tỉnh đã tiến hành giám sát, đôn đốc và nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư dự án nghiêm túc thực hiện các quy định. Tuy nhiên, những đơn vị này cho biết gặp khó khăn trong kinh phí và chỉ trồng được một số ít diện tích rừng thay thế theo quy định. Đầu năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức 73 triệu đồng/ha để chủ đầu tư các dự án thủy điện nếu không có khả năng thực hiện trồng rừng, có thể nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh để quỹ này triển khai trồng rừng trong năm nay. Vừa qua, giữa cuộc họp với Sở NN&PTNT, các đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện này cho biết, xin thực hiện đúng lộ trình và cam kết trồng rừng thay thế diện tích còn lại trong thời gian sớm nhất.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng

Năm 2023, ngành lâm nghiệp đánh dấu cột mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Đây là bước khởi đầu về tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng.

Tín hiệu vui từ việc bán tín chỉ carbon rừng
COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), Chủ tịch COP28 và các đối tác đã trình bày một loạt sáng kiến mới và đầy tham vọng với khoản tài chính cam kết ban đầu trị giá 1,7 tỷ USD để cùng lúc đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và đa dạng sinh học.

COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

TIN MỚI

Return to top