ClockThứ Bảy, 25/02/2017 10:43

Trách nhiệm & sẻ chia

TTH - Đã hẹn trước để làm việc nhưng tôi vẫn phải chờ đợi vì ông đang giải quyết một ca cấp cứu nặng, sau đó lại tư vấn cho hai người bệnh nữa. Tiếp tôi, vẻ mặt ông mệt mỏi. “Tối qua tôi trực, xử lý bệnh suốt đêm. Sáng nay, bệnh nhân vào cấp cứu đông, nhiều công việc cần phải làm trước khi ra trực nên hơi mệt”, Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Quốc Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế nói.

Thông thường, các khoa khác, trưởng khoa không phải trực đêm, nhưng Khoa Cấp cứu sao anh phải trực? Tôi hỏi.

Ở bệnh viện chúng tôi, mọi người đều tham gia trực, kể cả giám đốc. Khoa tôi đang thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ. Cả khoa chỉ có 9 bác sĩ, phải cử 1 bác sĩ thường trực tại Khoa Cấp cứu BVTW Huế cơ sở 2 tại Phong Điền, 8 bác sĩ còn lại ngoài trực tại BVTW Huế còn thay phiên nhau đảm nhận 6 ngày trực mỗi tháng tại cơ sở 2, trong lúc mỗi ngày phải cấp cứu cho 130-180 bệnh nhân. Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo của giám đốc, ngày 29 Tết, máy X-Quang bị hỏng đã được sửa chữa kịp thời để phục vụ bệnh nhân trong dịp tết, chúng tôi mới được nhận thêm một bác sĩ về làm việc tại khoa. Tết Nguyên đán vừa qua, bệnh nhân tăng 20%, chủ yếu bệnh nặng hoặc do tai nạn giao thông. Các kíp trực rất nỗ lực thực hiện cấp cứu, cứu chữa bệnh, không để xảy ra sai sót. Lại phải điều “quân” chi viện BVTW Huế cơ sở 2. Chưa bao giờ bác sĩ của khoa được nghỉ vào các ngày lễ, tết. Mặc dù vất vả, làm việc với áp lực cao, đời sống còn khó khăn, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên khoa cấp cứu vẫn yêu nghề và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Lần nào đến đây tôi cũng thấy bác sĩ và cán bộ Khoa Cấp cứu làm việc không kể giờ giấc. Bác sĩ Thắng bảo: “Khi có bệnh nhân, bác sĩ và nhân viên kíp trực tập trung vào khám, phân loại, cấp cứu, cứu sống bệnh nhân, chứ không có ý nghĩ khác. Chúng tôi bị người nhà bệnh nhân trách là như “cơm bữa”. Mong họ hiểu cho, bên cạnh tập trung nhân lực cứu sống bệnh nhân nặng, kíp trực đều phân công người theo dõi diễn biến của bệnh nhân khác. Nhiều khi do áp lực công việc nên việc giải thích tình trạng bệnh nhân nhẹ còn chưa đầy đủ, khoa đang cố gắng khắc phục. Thực tế gần đây, chúng tôi không có đơn thư khiếu kiện về thái độ làm việc của bác sĩ, nhân viên trong khoa. Vất vả, cố gắng chu đáo với công việc nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm. Bác sĩ của BVTW Huế không  kém gì bác sĩ các nước phát triển trong khu vực. Đợt đi Thái Lan năm ngoái, chúng tôi tham quan, trao đổi và học được nhiều điều bổ ích trong công tác quản lý cấp cứu. Được sự quan tâm và động viên và chỉ đạo của Ban Giám đốc, chúng tôi đã xây dựng quy trình cấp cứu, cập nhật các phác đồ cấp cứu, kế hoạch đáp ứng với thảm họa và tai nạn hàng loạt, phân chia khu vực cấp cứu theo mức độ nặng của bệnh và đang tiến hành làm tủ sấy ấm dịch truyền cho bệnh nhân”. Nói rồi, ông mở máy di động cho tôi xem hình ảnh chiếc tủ ông đã chụp tại bệnh viện của bạn. Một chiếc tủ nhỏ, xinh xắn, bên trong có bốn ngọn đèn đủ sưởi ấm dịch. Ông xin phép Ban giám đốc BV làm tủ theo mẫu chiếc tủ trên.

“Chẳng tốn bao nhiêu tiền, thời tiết lạnh này cơ thể bệnh nhân đang rét mà truyền dịch lạnh vào thì nguy hiểm”, ông cho hay. Tôi biết, Khoa Cấp cứu còn làm khá nhiều việc đem lại lợi ích cho người bệnh. Chẳng hạn, tất cả máy móc, dụng cụ y tế, thuốc của khoa phải được chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ trong mọi tình huống 24/24 giờ. Khoa bắt buộc các bác sĩ, nhân viên y tế trước khi tiêm kháng sinh phải giữ đường truyền, để khi có tác dụng phụ xảy ra thì kịp thời xử lý, nhờ vậy đã cứu sống nhiều trường hợp sốc phản vệ, phải ghi nhớ nằm lòng: “bảo đảm hô hấp, huyết động và điều trị kịp thời để cứu sống bệnh nhân với tỷ lệ cao”. Gần đây, khoa  thực hiện xây dựng hai qui trình báo động đỏ nội viện và ngoại viện. Báo động đỏ nội viện là quy trình phối hợp của khoa cấp cứu, khoa hồi sức cấp cứu và các khoa lâm sàng khi có bệnh nhân bất ngờ trở nặng trong khu vực bệnh viện. Báo động đỏ ngoại viện là quy trình phối hợp hỗ trợ giữa xe cấp cứu 115 hay xe cấp cứu của các bệnh viện tuyến trước phối hợp với khoa cấp cứu và các chuyên khoa sâu của bệnh viện để tranh thủ thời gian vàng cứu sống kịp thời người bệnh trước bệnh viện.

Quả là “Một người lo bằng kho người làm”. Tôi đùa. Đâu có, những việc làm đó là trí tuệ và sức lao động của toàn tập thể khoa cùng thực hiện, chứ một mình trưởng khoa làm sao thực hiện thành công, bác sĩ Thắng khẳng định. Công việc nhiều áp lực, trách nhiệm cao, ngoài mong muốn được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng chia sẻ, tôi chỉ có ước nguyện là được tăng thêm nhân lực và BV có thêm chế độ cho cán bộ, nhân viên của khoa cấp cứu để tương xứng với việc họ đã làm. Dù sao họ cũng đã rất nỗ lực với công việc cứu sống bệnh nhân.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Trách nhiệm vì cộng đồng

Tuổi trẻ công an toàn tỉnh đã có những hành động, việc làm ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Trách nhiệm vì cộng đồng
Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết
Return to top