|
Bộ phận chăm sóc khách hàng hướng dẫn BN đến khám tại khu nhà ODA, BVTW Huế |
Huy động nhân lực, điều phối kịp thời
Sáng 16/2 (mùng 7 tết), khu vực khám bệnh tòa nhà ODA Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, người tỏa kín ở các ô làm thủ tục. Đội ngũ chăm sóc khách hàng hỏi han, nhập thông tin liên tục. Bà Nguyễn Thị T. đưa chồng là ông Lê V.L. ở Quảng Trị đến làm thủ tục lúc 10h trưa kể: “Tới BV lớn có đầy đủ trang thiết bị sướng hơn nên nhà tui bắt xe khách, chừ mới vô tới. Chồng tui xin chụp phim vì mấy ngày trước tết tham công tiếc việc, gắng sức dẫn tới đau lưng. Chừ tranh thủ xét nghiệm máu thêm để coi răng chơ mấy ngày xuân ăn uống, nhậu nhẹt thả ga quá”!
Ở khu vực chờ khám, nhiều người đến từ Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam… Một gia đình đến từ Bình Phước tranh thủ khám sàng lọc nhân đi du lịch chia sẻ: “Trên đường du xuân, cả nhà có kế hoạch đến khám dạ dày và siêu âm, xét nghiệm tại Huế. Ở đây có bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại nên gia đình khá yên tâm. Tính đi hôm nay để tránh quá tải, ai ngờ đông người ghê. Cũng may được phân tuyến và hướng dẫn kịp thời, không phải chờ đợi lâu. Mong mọi chỉ số ổn định, có sức khỏe mới yên tâm làm việc”.
Mùng 6 tết, bộ phận chăm sóc khách hàng ở BVTW Huế hỗ trợ, hướng dẫn cho gần 2.300 bệnh nhân (BN), dự kiến lượng bệnh còn tăng trong ngày Mùng 7. Nhằm hạn chế tình trạng chen lấn, giảm thời gian chờ đợi, phòng Công tác xã hội – Chăm sóc khách hàng (CTXH-CSKH) triển khai phân luồng đối tượng khám bệnh: có BHYT/ không BHYT. Tiếp đón, làm thủ tục cho BN thuộc đối tượng ưu tiên ở khu vực riêng. BN được phân đều vào các phòng khám, tránh tình trạng chờ đợi lâu.
ThS Trần Lê Bảo Trâm, Trưởng phòng CTXH-CSKH, BVTW Huế thông tin: “Tại khu khám bệnh ODA, nơi có lượng BN đông nhất toàn viện, chúng tôi bố trí 5 nhân viên hướng dẫn, 5 nhân viên làm thủ tục nhập thông tin phiếu khám. Ở khu vực này và các Trung tâm Ung bướu, Nhi, Sản, Tim mạch… đều bổ sung thêm 1-2 nhân viên hướng dẫn so với ngày thường. Trường hợp lượng bệnh tăng đột biến, sẽ xin tăng cường nhân lực từ các phòng ban”.
|
Khoa Khám bệnh bố trí hai phòng khám xuyên trưa phục vụ BN ngoại tỉnh |
Tại 14 phòng của Khoa Khám bệnh, các máy tính đều có phần mềm kết nối theo dõi thông tin BN để theo dõi, điều phối kịp thời; bên ngoài mỗi phòng lắp đặt màn hình công khai họ tên, số thứ tự khám, diện ưu tiên. Nhân lực sẵn sàng đáp ứng khám và chữa bệnh cho người dân trong dịp đầu năm, khoa còn có hai phòng khám làm xuyên trưa để giải quyết nhanh nhất cho người bệnh ở xa.
Không chỉ BVTW Huế, lượng người khám và điều trị sau tết ở các BV khác cũng tăng 20-30%. BV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế trong 3 ngày mùng 5, 6, 7 Tết tiếp nhận 1.500 người bệnh. BV huyện Phú Vang tiếp nhận 711 lượt khám trong ngày mùng 6 Tết chủ yếu bệnh mạn tính, thai, bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa. Giảm thời gian chờ đợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các đơn vị y tế này đều ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nhân lực hỗ trợ khoa khám bệnh, bố trí cơ sở vật vật chất đầy đủ, đảm bảo thuốc và vật tư trang thiết bị.
Nên kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường
Thời tiết ngày tết nắng mưa xen kẽ, bên cạnh đó, nhu cầu dịch chuyển, du lịch khiến việc tiếp xúc nguồn bệnh nhiều hơn. Tình trạng ăn uống thoải mái, hưởng thụ khiến một số người mang bệnh nền có dấu hiệu sức khỏe bất ổn. Ở trẻ nhỏ, sức đề kháng kém, nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp cao hơn. Trong khi ở người lớn, ăn uống thiếu điều độ kèm rượu bia ngày tết dễ dẫn đến tăng huyết áp, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, tim mạch… Đây cũng là lý do khiến nhiều người tìm đến bệnh viện ngày đầu năm.
Tại BV Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế, sau tết, các bệnh mạn tính không lây, như tăng huyết áp, đái tháo đường chiếm khoảng 50%; số còn lại khám các bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, nhi. Trong khi đó, BVTW Huế lượng đến khám trong ngày 15/2 hơn 560 người tập trung ở các bệnh khám chuyên khoa theo hẹn, bệnh tiêu hóa, kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám tầm soát cả gia đình…
|
Các chuyên gia khuyến cáo nên đến các cơ sở y tế khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường |
Ông Nguyễn V.H. ngoài 60 tuổi ở huyện Phú Lộc được con trai đưa lên khám tổng quát, xét nghiệm, siêu âm vì đau bụng. Kết quả cho thấy ngoài huyết áp tăng, ông H. còn có vấn đề về gan, dạ dày do bia rượu. Con trai ông H. than thở: “Trời trở trước tết ông đã đau. Cả nhà bảo nhau ráng ra tết rồi thăm khám. Ai ngờ trong tết khách khứa chòm xóm nên ôn có nhậu, lại ăn uống thất thường. Chừ mang bệnh phải uống thuốc điều trị và hẹn tái khám”.
Ông H. là một trong nhiều BN đến khám ngay sau tết vì không chịu nổi cơn đau. Theo ThS.BSCK II Hoàng Văn Quý, Trưởng Khoa khám bệnh BVTW Huế, tiết trời mùa xuân như hiện nay là tác nhân dẫn đến các bệnh cảm, viêm phổi. Các mặt bệnh ngày đầu năm chủ yếu về đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp. “Thiết lập lại chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích. Nên luyện tập thể dục thể thao trở lại nhằm tiêu thụ năng lượng trong dịp tết, đồng thời giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, cải thiện hệ tiêu hóa. Thực trạng bệnh tim mạch, đột quỵ đang trẻ hóa, do đó, cần khám sức khỏe định kỳ nhằm dự phòng, kiểm soát tác nhân lây bệnh”, BS Quý đưa ra lời khuyên.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi cơ thể có dấu hiệu lạ, hãy đến các cơ sở y tế kiểm tra, không nên kiêng cữ việc khám bệnh những ngày đầu năm mới. Thông qua việc thăm khám, sàng lọc, các bác sĩ phát hiện mức độ của bệnh và có sự can thiệp kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc về sau.