ClockThứ Hai, 01/05/2017 12:39

Từ chuyến công du châu Á của Phó Tổng thống Mỹ

TTH - Trong chuyến đi kéo dài gần 10 ngày đến 4 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực và lập trường vững chắc về các vấn đề thương mại, phù hợp với các ưu tiên của Tổng thống Donald Trump. Đồng thời, thông tin về việc Tổng thống Trump sẽ tham dự một loạt hội nghị thượng đỉnh tại châu Á vào tháng 11/2017, trong đó có Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) tiếp Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Dinh Tổng thống ở Jakarta vào ngày 20/4/2017. Ảnh: Reuters

Củng cố quan hệ với ASEAN

Trong bối cảnh căng thẳng trước mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mối quan tâm về an ninh khu vực chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia. Tuy nhiên, có thể nói Phó Tổng thống Pence đã mang lại tác động lớn nhất ở Indonesia khi tuyên bố Tổng thống Trump sẽ tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh khu vực quan trọng ở Việt Nam và Philippines trong tháng 11 tới.

Theo nhận định của tờ Nikkei, đây được coi là một diễn biến bất ngờ khi Tổng thống Trump thường chủ yếu tập trung vào Triều Tiên và Trung Quốc khi nói về các vấn đề châu Á và gần như không có sự quan tâm nào hoặc rất ít đối với khu vực ASEAN trong các phát ngôn của ông. Phó Tổng thống Pence cho rằng, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump đến Đông Nam Á phản ánh giá trị của liên minh chiến lược Mỹ-ASEAN và tầm quan trọng của châu Á nói chung.

Phát biểu tại Jakarta vào cuối tuần qua, Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, Washington “đang có các bước đi nhằm củng cố quan hệ đối tác với ASEAN và làm sâu sắc tình bạn của chúng ta”, nhấn mạnh tới sự tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh trong việc chiến đấu với khủng bố và trong vấn đề biển Đông.

Thách thức đối với các nhà lãnh đạo ASEAN hiện nay là xác định xem các chính sách của Mỹ đối với khu vực này dưới thời Tổng thống Trump liệu sẽ thay đổi theo chiều hướng nào. Đáng chú ý, mặc dù không đề cập đến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng ông Pence lên tiếng khen ngợi mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ và ASEAN trong những năm vừa qua.

Về mối quan hệ Mỹ-ASEAN, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump dường như sẵn sàng đi theo con đường tương tự như người tiền nhiệm - bất chấp việc bác bỏ đa số di sản của ông Obama trong các phần chính của chính sách đối nội và đối ngoại.

Ba vấn đề chính

Theo Atimes, có ba khía cạnh quan trọng sẽ được theo dõi chặt chẽ trong chuyến công du sắp tới của Tổng thống Trump ở châu Á vào cuối năm nay. Đầu tiên là sự tương tác với các nhà lãnh đạo ASEAN khi họ gặp nhau tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam và ngay sau đó, tại các Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Philippines.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đến từ các nguồn gốc khác nhau, bao gồm xuất thân hoàng tộc, chính trị gia dân sự, lãnh đạo đảng cộng sản và tướng quân đội. Mối quan hệ cá nhân được kỳ vọng sẽ xác định liệu Tổng thống Trump có tổ chức các cuộc họp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hoa Kỳ trong tương lai hay không. Trước đó, cựu Tổng thống Obama từng sử dụng mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo khu vực này để thuyết phục họ tham dự cuộc họp đặc biệt tại California vào tháng 2/2016 mà không cần qua các kênh ngoại giao nhiều thủ tục.

Thứ hai, sự chú ý sẽ tập trung vào tương lai mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và ASEAN. Quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Trump được coi như một đòn mạnh đánh vào ASEAN. Như một nỗ lực để phần nào xoa dịu vấn đề này, trong bài phát biểu trước Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, Phó Tổng thống Pence cho biết, có gần 42.000 công ty Mỹ xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ vào ASEAN, với tổng trị giá lên đến 100 tỷ USD mỗi năm. Ông cũng nhấn mạnh rằng, tổng số tiền đầu tư của Mỹ vào ASEAN trong năm ngoái đạt đến 274 tỷ USD, lớn hơn mức đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản kết hợp lại.

Cuối cùng, nỗ lực của Chính phủ Trump nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN có thể hướng vào tăng cường hợp tác về an ninh khu vực - lĩnh vực mà ông Pence cho biết Washington muốn "tăng gấp đôi", bao gồm chống khủng bố, tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác an ninh mạng...

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí sẽ có cuộc gặp 11 bên với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington D.C. vào ngày 4/5 tới.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp & lược dịch từ Nikkei, CNBC & Atimes)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực

Vào mùa xuân hàng năm, hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) được tổ chức tại tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc. Năm nay, chủ đề của diễn đàn là “châu Á và thế giới: Những thách thức chung, trách nhiệm chung”. Các chuyên gia nhận định đây là một chủ đề rất phù hợp với thời cuộc.

Châu Á và chìa khóa trí tuệ để hướng đến thịnh vượng cho toàn khu vực
Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á

Trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ vừa lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh của Trung Quốc để trở thành thủ đô tỷ phú của khu vực châu Á, theo danh sách người giàu toàn cầu do Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) công bố.

Mumbai trở thành thủ đô tỷ phú của châu Á
Giao dịch cổ phần tư nhân ở châu Á trong quý I/2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015

Dữ liệu cho thấy các hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) được hỗ trợ bằng vốn cổ phần tư nhân (PE) ở châu Á dự kiến sẽ có giai đoạn đầu năm tồi tệ nhất trong gần một thập kỷ, do hoạt động giao dịch ở Trung Quốc tạm lắng và những bất ổn kinh tế, địa chính trị lan rộng hơn đã tác động đến tâm lý thị trường.

Giao dịch cổ phần tư nhân ở châu Á trong quý I 2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015
Return to top