ClockThứ Bảy, 21/05/2016 05:48

Từ Đàm quê hương tôi

TTH.VN - Không còn là tựa đề của bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Giảng viết về ngôi cổ tự ở Huế: "Từ Đàm", bài ca này đã trở thành nỗi niềm của những người xa quê như tôi.

Mấy hôm nay khu phố nơi tôi ở, thỉnh thoảng được nghe những ca từ mượt mà ấy, lòng se sắt hơn nỗi nhớ quê nhà. Bài ca ấy tôi đã được nghe rất nhiều lần, nhưng mỗi lần một cảm xúc khác nhau. Lần đầu tiên nghe ca khúc này là lúc tôi còn bé, theo chân bà ngoại lên chùa Từ Đàm dự Lễ Phật đản. Lúc ấy tôi thấy một tín đồ phật tử, đứng trước cây bồ đề trong sân chùa, mắt rưng rưng khi cô ca sĩ cất cao tiếng hát: “Quê hương tôi miền Trung/ Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung/ Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng/ Ôi uy nghi bóng chùa Từ Đàm/ Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng/ Qua bao giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…”.


Trong khuôn viên chùa Từ Đàm tại lễ rước phật 2015

Ngày ấy còn bé, vẫn chưa hiểu nhiều về ca từ, chưa hiểu cảm xúc của người xa quê khi nghe ca khúc ấy. Nhưng giờ đây khi sống xa quê, được nghe, được ngấm thấy nhớ Huế nhiều, thấy yêu Từ Đàm hơn.

Chùa Từ Đàm là ngôi cổ tự gắn bó với nhiều thế hệ người Huế. Nơi đây thường được tổ chức những ngày lễ lớn của phật giáo. Trong khuôn viên rộng lớn của chùa, có chính điện thờ Phật Tổ, có tháp chùa Từ Đàm bảy tầng, có cây bồ đề được tách từ cây bồ đề nơi Phật đắc đạo trồng từ năm 1936, toả bóng mát một góc sân chùa. Nơi đây, cứ sáng, chiều, vẳng trong gió tiếng cầu kinh của các vị sư. Khi đặt chân đến nơi đây, trước không gian u tịch, mọi phiền muộn dường như tan biến.

Với người Huế, lễ chùa đã trở thành truyền thống của rất nhiều thế hệ. Ngày bé, tôi được ngoại quy y tại chùa làng, chỉ vào những dịp lễ thật đặc biệt, hai bà cháu mới hành hương về chùa Từ Đàm để lễ Phật.

Bao giờ cũng thế, chuyến hành hương về đất phật của bà cháu tôi ngày ấy khởi hành từ khi mặt trời chưa ló dạng. Hai bà cháu đi trong sương sớm, nhưng khi ra đường lớn Kim Long, bà và cháu đã hoà chung vào dòng người đi lễ Phật.

Ngày đó phương tiện giao thông không nhiều, các o, các dì trẻ tuổi đi xe đạp, mang áo dài lam, băng qua lối nhỏ dành cho xe hai bánh trên cầu sắt Bạch Hổ để lên chùa. Còn bà cháu tôi cùng nhiều phật tử lớn tuổi khác sẽ đi bộ, mệt đến đâu, nghỉ đến đó. Nhưng tôi nhớ, chẳng thấy ai nghỉ dọc đường, bởi lòng náo nức hướng về đại lễ sẽ được cử hành ở sân chùa Từ Đàm khi mặt trời vừa lên.


Thành kính, ngóng chờ đoàn rước phật ngang qua

Ngày ấy, bước chân nhỏ bé của tôi mỏi nhừ sau hành trình dài, leo lên dốc của đường Điện Biên Phủ, tự dặn lòng sẽ không đi theo bà trong những dịp lễ Phật. Nhưng nói vậy chứ có bao giờ làm được, leo lên đến đỉnh dốc, nhìn thấy dòng người phía dước dốc, miệng mỉm cười vì mình làm được điều phi thường. Mọi mệt mỏi dường như tan biến khi bà dắt đến cổng tam quan của chùa. Sân trước chính điện là lễ đài với tượng lớn Phật Tổ, phía trước là toà sen vàng, xung quanh kết rất nhiều hoa. Hoa sứ thơm ngát, hoa cúc vàng tươi, hoa sen hồng thắm. Lòng thành kính dâng lên phật đài lời cầu nguyện cho gia đình một năm an lạc.

Lớn lên thêm tí nữa, khi đã thành thiếu nữ, những ngày rằm tháng tư, hay rằm tháng bảy, chúng tôi đều mang áo dài lam, đạp xe đi lễ chùa. Trong lời khấn nguyện, không chỉ cầu bình an cho gia đình, còn cả những lời xin vượt qua kỳ thi đại học, có đủ sức mạnh để vượt qua những thất bại trên đường đời. Chùa Từ Đàm trở thành nỗi nhớ cho bất cứ ai một lần đặt chân đến nơi đây.

Chiều nay, bất chợi nghe trong gió vẳng xa tiếng hát  “Ai đi qua miền Trung, khoan khoan ơi người dừng chân, lắng nghe về đây hồn ai u hoài. Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm, ôi nơi đây bóng chiều dịu dàng…” lòng bâng khuâng nỗi nhớ mong. Mong được trở về, đặt chân lên bậc tam cấp trước cổng tam quan, được ngồi dưới bóng mát của cây bồ đề, được lắng nghe tiếng kinh kệ, được lắng đọng tâm hồn. Để dù  có ra sao vẫn thấy tâm hồn thanh thản đến diệu kỳ.

Bài: Thuỳ Dương - Ảnh: Võ Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top