ClockThứ Bảy, 06/08/2016 09:10

Xã hội hóa sân khấu: Việc không dễ như nói

Ngay bản thân những nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành sân khấu, có người còn chưa hiểu cặn kẽ xã hội hóa sân khấu là gì.

Chủ trương xã hội hóa các đoàn nghệ thuật là con đường tất yếu. Tuy nhiên so với các lĩnh vực khác như điện ảnh, xuất bản, việc xã hội hóa sân khấu còn diễn ra chậm chạp, lúng túng, thậm chí là bế tắc. Ngay bản thân những nghệ sĩ đang hoạt động trong ngành sân khấu, có người còn chưa hiểu cặn kẽ xã hội hóa sân khấu là gì.

Nhà hát múa rối Thăng Long, một địa chỉ quen thuộc đối với du khách muốn khám phá nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam. Đây cũng là điểm sáng của hoạt động xã hội hóa sân khấu phía Bắc nhiều năm qua.

Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Mỗi năm, nhà hát tổ chức hàng nghìn buổi biểu diễn phục vụ khán giả, doanh thu hàng chục tỷ đồng, bước đầu đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động. Thế nhưng, 98% khán giả của nhà hát múa rối Thăng Long lại là khách nước ngoài. Điều đó cho thấy loại hình này đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn khách quốc tế. Một khi nguồn khách này cạn kiệt vì một lý do nào đó, nhà  hát sẽ phải đối mặt với khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đăng Tiến, Nhà hát Múa rối Thăng Long cho biết, nhà hát đã cố gắng nỗ lực tổ chức các buổi diễn sáng chủ nhật, giảm giá vé, bù lỗ cũng diễn để mong các bậc cha mẹ ngày nghỉ cho con cái đi xem rối mà đến nay cũng phải bỏ buổi diễn. Còn rối cạn bù lỗ 100%, chất lượng các vở diễn tiến bộ vượt bậc, chiêu trò, mảng miếng đầy ắp, hấp dẫn ấy nhưng khán giả cũng chẳng mấy mặn mà.

Xã hội hóa hoạt động sân khấu là chuyển từ mô hình nhà nước bao cấp sang mô hình tự chủ tài chính, nhà hát phải tự đi tìm khán giả. Vì vậy, không ít đơn vị nghệ thuật rất lúng túng. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào ngân sách đã ăn sâu trong tiềm thức của các nghệ sĩ, không dễ gì một sớm một chiều có thể từ bỏ.

Việc không được cấp kinh phí của Nhà nước như một cú phanh gấp làm một số người không khỏi băn khoăn, lo lắng, đặc biệt là khi các nhà quản lý chưa đưa ra được một mô hình hay đề án cụ thể nào, mà bỏ ngỏ để tự các nhà hát “sáng tạo, năng động” tìm đường sống.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết: “Chúng ta chưa có đề án cho hoạt động xã hội hóa. Không có đề án sẽ không có được những giải pháp. Tôi cũng rất mong Hội nghệ sĩ sân khấu thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những kiến nghị và cơ quan quản lý nhà nước có những ý kiến mới để làm sao cho chúng ta những giải pháp, có được những chính sách khuyến kích xã hội hóa cho sân khấu của chúng ta. Chúng tôi cũng đã đến một số nước để học tập kinh nghiệm này, thì hiện nay ở một số thủ đô họ hỗ trợ cho văn học nghệ thuật phát triển bằng những quỹ”.

10 năm trước, tại Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc, các nhà quản lý, lý luận phê bình và các nghệ sĩ hồ hởi khẳng định: Sân khấu 5B Võ Văn Tần, “Sân khấu Idecaf”, “Sân khấu Nụ cười mới”… là những mô hình xã hội hóa có phương thức hoạt động hữu hiệu, năng động, sáng tạo, làm nên những vỡ diễn phù hợp với công chúng, thích nghi tốt với cơ chế thị trường.

10 năm sau, dù sân khấu Idecaf có “Trùm lừa”, “Chiếc vòng gia bảo”, “Miêu nữ hý miêu già”; Kịch Phú Nhuận có kịch ma rùng rợn, ly kỳ; sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh đầy tính giải trí theo đề tài đồng tính, trinh thám, biến thể… nhưng vẫn ngày càng vắng khách, không ít lần phải xin lỗi, trả lại tiền cho khán giả. 

Những “mô hình xã hội hóa” ấy đang đứng trước nguy cơ tan rã, không chỉ là chuyện không giúp nghệ sĩ sống được bằng nghề mà cũng không đóng góp gì cho việc xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như kỳ vọng.

Vậy, sân khấu phía Bắc sẽ đi theo mô hình xã hội hóa nào để không mắc sai lầm. NSND Trung Hiếu, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, xã hội hóa phải hiểu là nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì mỗi một nhà hát chúng ta đều có trang thiết bị, âm thanh, ánh sáng đều của nhà nước cho chúng ta, rạp-nhà hát cho chúng ta và nhiệm vụ của nghệ sĩ là làm sao mỗi người chung tay để tự nuôi sống nhau trong tài sản nhà nước cho mình.

“Tôi nghĩ rằng miền Bắc phải giải quyết chuyện đấy, là làm sao nuôi sống được nhau khi bỏ bao cấp bằng tiền lương, bằng cái này cái khác đi”, NSND Trung Hiếu nói.

Trong khi chúng ta vẫn còn loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền, cơ sở vật chất thiếu đầu tư, nghệ thuật biểu diễn chậm đổi mới thì sân khấu thế giới đã áp dụng kỹ thuật số hàng chục năm nay.

Cảnh lớp trên sân khấu được tính toán chính xác, đặc biệt trong những vở diễn kinh điển như “Hamlet”, “Sếch đi a” hay “E Đíp làm vua của Xô Phốc”… các nhà hát tạo nên một không gian ngọt ngào mà không mất đi không khí cổ điển hàng thế kỷ trước, giúp khán giả được đắm chìm trong khung cảnh kịch vừa nguyên sơ phồn thực vừa đẹp đẽ và lãng mạn. Đó là lý do nhà hát của họ luôn đông khách, có tiền đầu tư, xã hội hóa mà không ảnh hưởng đến định hướng, phong cách của mình.

Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành cho rằng xã hội hóa hoạt động sân khấu là một chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không đơn giản. Ông cho rằng: “Hoạt động xã hội hóa sân khấu nước ta, từ khi phát động so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục đặc biệt là so với các ngành văn hóa gần gũi như điện ảnh, xuất bản là chậm chạp, lúng túng thậm chí là bế tắc hơn cả. Đi sâu phân tích có thể thấy, xã hội hóa là giải quyết hàng loạt vấn đề nổi cộm, chứ không phải đơn thuần là đưa các đoàn nghệ thuật công lập ra ở riêng. Xã hội hóa nghệ thuật không thể nóng vội, đòi hỏi một tốc độ nhanh mà cần sự cân nhắc, tìm hiểu chu đáo với những bước đi thích hợp.

Có thể nói, thực hiện chủ trương xã hội hóa ra sao để vừa đáp ứng được yêu cầu tái đầu tư sức lao động cho nghệ sĩ, vừa đạt được mục tiêu nghệ thuật mà bao năm qua các đơn vị đã theo đuổi, quả thực không dễ dàng gì. Bởi xã hội hóa sân khấu xét đến cùng là công chúng hóa, nhân dân hóa, chất lượng hóa, chuyên nghiệp hóa.

Rõ ràng, để nghệ thuật sân khấu cạnh tranh, thu hút khán giả giữa bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và hàng loạt các loại hình giải trí hiện đại đang là nỗi trăn trở của các đơn vị làm nghệ thuật sân khấu. Liệu viễn cảnh thời bao cấp “chân ngoài dài hơn chân trong” có lại tái diễn?

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu
Cần sự bứt phá để sân khấu tìm được chỗ đứng vững vàng trong đời sống

Sau hai năm "ngủ đông" bởi đại dịch Covid-19, hoạt động sân khấu trở nên sôi nổi với các liên hoan, hội diễn được tổ chức liên tục. Nhiều đơn vị nghệ thuật đầu tư công phu dựng vở diễn mới, xây dựng kịch mục phong phú nhằm tìm lại khán giả. Dù bức tranh tổng thể có vẻ sôi động nhưng nếu quan sát kỹ, không khó thấy vẫn còn đó những khó khăn tồn đọng bấy lâu chưa được giải quyết, đòi hỏi cần có một sự bứt phá ngoạn mục để sân khấu tìm được chỗ đứng vững vàng trong đời sống hiện nay.

Cần sự bứt phá để sân khấu tìm được chỗ đứng vững vàng trong đời sống
Đón giao thừa trên sân khấu

Khi mọi người nghỉ ngơi đón tết thì các nghệ sĩ trẻ vẫn ngày đêm tập luyện, biểu diễn để mang không khí rộn ràng của mùa xuân đến với mọi người.

Đón giao thừa trên sân khấu
Nghệ sĩ Konoba thu hút khán giả đến sân khấu

Tối 27/6, rất đông khán giả đã có mặt tại sân khấu Bia Quốc Học để thưởng thức tiếng hát của nghệ sĩ Konoba - người được mệnh danh là nghệ sĩ triệu view từ nước Bỉ.

Nghệ sĩ Konoba thu hút khán giả đến sân khấu
Nhớ ánh đèn sân khấu

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tất cả các chương trình biểu diễn nghệ thuật đều phải tạm dừng, nghệ sĩ rất nhớ nghề sau mấy tháng xa ánh đèn sân khấu.

Nhớ ánh đèn sân khấu

TIN MỚI

Return to top