ClockThứ Sáu, 19/07/2019 09:17

70% của môn sử

TTH - ​Tôi đã tự hỏi mình, rằng tôi đã từng thích học môn lịch sử trong suốt những năm phổ thông xa ngái không?

Thí sinh thở phào với môn thi cuối cùngĐề sử không khó nhưng điểm rớt thảm

Có lẽ vì không nhất thiết phải trả lời, nên điều mà tôi nhớ, chỉ là những buổi ôn bài cũ theo cách mà chúng tôi thời đó gọi là “học gạo” cho kịp thuộc để có thể trả bài cho thầy cô, nếu có tiết học. Nhớ nhất là những tháng ngày đi học thêm để thi vào khối C một trường đại học. Mặc dù bài được thầy giáo giảng kỹ, hệ thống lại vào những điểm chính nhưng quả thật, đó vẫn là những ngày ôn thi nhọc nhằn của những người vừa 18 tuổi. Những địa danh, những trận đánh, những ngày tháng. Sự kiện này nối tiếp sự kiện kia và điều mà chúng tôi phải làm, là học thuộc tất cả để tránh không bị lầm lẫn trong một kỳ thi tuyển sinh. 5,5 điểm của môn sử trong kỳ thi năm ấy với tôi đã là một thành tích, dù nó là số điểm thấp nhất so với hai môn còn lại. Cũng xin nói thật, cảm giác mà tôi có lúc ấy là bắt đầu từ đó, tôi sẽ không bao giờ phải/bị học gạo môn sử nữa.

​Đem con số 70,01% trong tổng số gần 570.000 thí sinh dự thi môn lịch sử ở kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có điểm dưới trung bình nói với cô con gái – người sẽ có mặt ở kỳ thi này vào năm sau – điều mà tôi nhận được nghe nhẹ hều “Hên xui mà mẹ. Không nằm trong gần 400 đứa bị điểm liệt là OK rồi”. Hỏi con gái lại một lần nữa, rằng con có thích học môn lịch sử không, câu trả lời chừng như đã không cần phải suy nghĩ “Không mẹ. Vì nó vừa chán, vừa dài, vừa buồn ngủ”.

Con gái tôi chỉ là một cá thể, nhưng 399.016 thí sinh có điểm dưới trung bình ở kỳ thi vừa qua là một thực thể. Dù có nhích hơn tỷ lệ của năm 2018 là 14,23% thì đây vẫn là những con số quan ngại trong sự tiếp tục.

​Không nhìn thấy nhiều cơ hội nếu chọn môn lịch sử để theo đuổi, nên xu hướng chọn môn thi này để xét tốt nghiệp đã gần như trở thành lý do phổ biến đối với các học sinh phổ thông trung học trong kỳ thi tốt nghiệp. Điều này cũng đồng thời cho thấy những ngữ nghĩa khác: môn lịch sử thiếu “chỗ đứng” và đa phần học sinh lẫn phụ huynh đều xem nhẹ, ít được chọn để đầu tư cho tương lai… là cách nhìn vấn đề đang xảy ra, nhất là từ thực tế của những người đang đứng chân trên bục giảng. Sai về phương pháp và thay vì phải chuyển sang tiếp cận về mặt năng lực, việc giảng dạy vẫn đang theo hướng tiếp cận nội dung là ý kiến của một giáo viên có 33 năm dạy sử trên diễn đàn của Vietnamnet. Thế nên, khó có thể trách các em học sinh, thậm chí là các thế hệ học sinh nếu suốt hàng chục năm ròng rã, môn học này chỉ đơn thuần là cách học ghi nhớ; học để thuộc bài mà thao tác nghe, chép đã trở thành phổ biến. Khó trách, nhưng là điều đáng lo khi những người trẻ không nhớ, không biết và không quan tâm đến lịch sử đất nước mình. Khía cạnh khác, là sự phụ thuộc sẽ dài lâu và tính “mì ăn liền” về kiến thức trước tâm lý “không biết thì tra Google”. Tôi nghĩ, có khi đến một lúc nào đó, con số sẽ không còn là 70% hay 83,24% ở kỳ thi hai năm vừa qua…

​Là một phụ huynh, tôi thấy mình không thành công và đúng là không biết cách để giúp con mình học môn lịch sử một cách nhẹ nhàng mà thấm sâu hơn. Nhưng có lẽ, việc thay đổi phương pháp và cách tiếp cận môn học này cần phải được đặt ra, cấp thiết hơn cho các thế hệ tiếp nối. Nhưng trước khi là sự thay đổi trên bục giảng, việc cần thiết nhất là làm thế nào để lượng hóa học sinh một cách tốt nhất trên sự đánh giá thực chất, để từ đó có những đề thi phù hợp với năng lực thực tế chứ không phải là thiên về khả năng đánh giá, phân tích, khái quát và xâu chuỗi vấn đề… như một số giáo viên môn lịch sử đã bình luận về đề thi năm nay. Có thể, đề thi là cả một kỳ vọng. Song kết quả mới là sự phản ánh chân xác nhất thực tế.

YÊN MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1
Return to top