ClockThứ Ba, 16/01/2024 06:56

“Học sử để sống với người đã chết”

TTH - “Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Học lịch sử bằng trải nghiệmĐổi mới phương pháp dạy môn lịch sử bắt đầu từ đâu?

 Học sinh Trường THCS Tôn Thất Tùng tham quan, trải nghiệm tại Đại Nội. Ảnh: KIM NGÂN

Mấy hôm nay, chủ đề đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử, bắt đầu từ một hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức hồi đầu tháng 12, vẫn đang được dư luận quan tâm.

Thật ra thì sự bết bát của thực trạng dạy và học lịch sử trong nhà trường, thể hiện qua điểm thi, được báo động đỏ từ năm 2019, khi trong kỳ thi THPT quốc gia, 70% số bài thi lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3, thấp nhất trong 9 môn thi.

3 năm trở lại đây, tuy điểm trung bình môn lịch sử có khả quan hơn chút đỉnh, nhưng vẫn thấp hơn các môn còn lại với 6,34 (năm 2022), 4,79 (năm 2021) và 5,19 (năm 2020).

Ở Huế, theo như cách nói của ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT thì thậm chí, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế thấp hơn phổ điểm trung bình của toàn quốc. Và chất lượng dạy học môn lịch sử của tỉnh nhà vẫn còn một số hạn chế, trong khi nghịch lý là hàng năm có nhiều học sinh đạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia môn lịch sử.

Có rất nhiều lý do để lý giải thực trạng này, trong đó cơ bản nhất là học sinh không quan tâm do việc biên soạn sách lịch sử, dạy lịch sử trong nhà trường chưa được hấp dẫn và chú trọng.

Đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử là một mệnh lệnh cấp thiết. TS. Nguyễn Đức Cương (Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế) đã có ý kiến rất hay khi cho rằng, cái gốc của sự đổi mới đó chính là đổi mới đào tạo, bồi dưỡng người thầy. Bản thân lịch sử rất hấp dẫn, nhưng dạy học lịch sử không hấp dẫn, không thu hút được sự chú ý, say mê của học sinh xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dạy của người thầy.

Do vậy, cần phải đầu tư đổi mới người thầy, trong đó chú trọng việc đổi mới mục tiêu, nội dung và chương trình đào tạo giáo viên cũng như hình thức, phương pháp dạy học.

Đổi mới người thầy, trước hết phải đổi mới từ quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa theo hướng không lệ thuộc và đó, như lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại cuộc gặp gỡ với giáo viên cả nước vào ngày 15/8/2023.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong chương trình đổi mới giáo dục, sách giáo khoa chỉ còn là một công cụ, là học liệu, cũng có thể là công cụ, học liệu đặc biệt nhưng chúng ta cần sử dụng sách giáo khoa một cách chủ động, không lệ thuộc.

Sách giáo khoa – học liệu là một khái niệm rất mới mẻ không chỉ với học sinh, phụ huynh mà cả với thầy, cô giáo. Bởi lâu nay, theo khuôn phép của “giáo dục đồng phục”, sách giáo khoa là “chỗ dựa” để giáo viên, học sinh phải theo đó mà dạy, học, kiểm tra, học gì phải thi đó… khiến giáo viên và học sinh không còn khả năng sáng tạo hay tư duy độc lập.

Đây mới là sự đổi mới cần thiết cho việc dạy và học sử trong bối cảnh hiện nay.

Sự đổi mới như thế này, rất gần với tinh thần học sử, học địa nói riêng và học các môn xã hội nói chung mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đã viết từ mấy chục năm trước trên tờ báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút: “Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”.

Đáng chú ý là “học sử để sống với người đã chết” cũng là một cách học lý thú, hiệu quả đã và đang được ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng từ nhiều năm nay qua việc nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã kết nối với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và một số bảo tàng để đưa học sinh đến trải nghiệm, học bằng thực tế thay vì câu chữ và những con số trên lớp.

Đây là một hướng đi mới và hay, bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan khi những học sinh đã bắt đầu có sự yêu thích và nhìn nhận khác đi về môn lịch sử, vốn tưởng là khô khan và nhàm chán. Cách làm này cần được ngành giáo dục đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung… nhân rộng để không chỉ là một chương trình ngoại khóa như lâu nay đang làm.

Dạy và học lịch sử chưa hiệu quả là thực trạng chung của giáo dục cả nước. Nhưng đổi mới phương pháp dạy học môn lịch sử, mặt nào đó lại là là chuyện riêng, là sự quyết tâm hành động của từng địa phương. Và Thừa Thiên Huế đang có lợi thế trong việc này, bắt đầu từ việc tận dụng lợi thế chẳng nơi nào có được về mật độ dày đặc của các di tích lịch sử trên địa bàn.

Hoàng Văn Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong dịp hè

Năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng giảng dạy sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 5, 9 và 12. Để chuẩn bị cho công tác dạy học với SGK mới, việc tập huấn cho giáo viên nắm vững nội dung, cấu trúc chương trình và phương pháp dạy học rất quan trọng.

Bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong dịp hè
Return to top