ClockThứ Năm, 27/05/2010 08:39

Chiều mưa giông tới

TTH - Huế bước vào mùa phượng với những cơn mưa bất chừng. Mưa ở Huế không hẳn là mưa bóng mây như ở Sài Gòn, cũng không thình lình như ở Hà Nội mà phải ậm ừ nhừ nhuyễn một buổi chiểu mới sổ xuống lưng chừng vài chục phút. Người Huế gọi là mưa giông. Những cơn giông thường kéo xuống đầu hè khiến đất trời dịu dàng hơn.

Thành phố nhỏ chút xíu bên dòng sông Hương này được gọi là thành phố vườn, bởi những tàng cây cổ thụ xanh um ôm lấy những khu vườn tĩnh mịch. Đường Huế lại uốn lượn bởi những hàng cây đổ bóng bên những bờ sông khiến mặt nước càng long lanh dịu hiền như nét cười Tôn Nữ. Chỉ chừng ấy thôi mà đất trời bỗng trở nên lung linh huyền ảo, trở nên dùng dằng níu chân bao kẻ lãng du.

 Ấy thế mà phải đợi đến cuối mùa xuân, đầu mùa hạ, khi những cơn mưa đầu mùa kéo nhau về tắm gội những đường quen, người ta mới nhận ra một thành phố xinh tươi hơn thường nhật. Cũng con dường đó nhưng sau cái mưa giông đầu mùa, cây lá bỗng trở nên mượt mà tinh tươm đến lạ lẫm. Cây là cây của ngày xưa. Đường là đường cũ bước vừa hôm qua. Vậy mà chỉ qua một cơn giông đầu mùa tắm gội, tất cả như bỗng trở nên mới rợi, như thể vừa bước xuống từ ảo ảnh thuở giang đầu….

Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới... Ở Huế mà nghe nhạc Trịnh là quá đúng điệu, như thể ăn cơm Hến phải có ớt thật cay xé lưỡi vậy. Trong cái bãng lãng khói sương của một ngày đầu hạ, ngồi góc quán quen ở phía chân cầu, ngó ra dòng sông bờ nào cũng ngạt ngào sương. Những áng sương là đà trên sông nước khiến chiếc thuỷền lá tre bỗng mờ xa hư ảo. Và cả tiếng quẫy thật dịu dàng dưới con nước kia cũng hoá thành thơ cho dòng sông vào sâu thẳm. Những bờ sông mượt gió khiến cái nhìn ngút mắt cứ khắc khoải cho một nét tư hoài…

Mưa giông ở Huế khiến cho những buổi chiều như chậm hơn bởi cái chùng chình của người đi kẻ ở. Người già ở Huế thường kỵ những cơn giông đầu mùa này. Có đi đâu thì đi, làm chi thì làm nhưng hễ thấy mưa giông là lo vô núp kẻo hơi đất nghe con. Đặc biệt với những người vừa mới ốm dậy hoặc phụ nữ đang mang thai và trẻ nít. Gặp cơn giông đầu mùa mà cứ giang cái đầu đi ngơ ngơ thì chết mất thôi. Hơi đất xông lên thể nào cũng đau cho coi. Không biết thực hư thế nào nhưng bao giờ những lời dặn tha thiết đó cũng làm trái tim nhói lên mỗi lần ở xa gặp cơn mưa đầu mùa mà không được nghe lời nhắc dịu hiền của Mạ. 

Sau này lớn lên, mỗi chiều rảnh rang ngồi đâu đó trên những nẻo phố quen. Tiếng ghi-ta thật đằm. Ánh mắt hồ như hun hút. Thôi về. Về kẻo chút nữa mưa giông không kịp! Ừ thôi em về chiều mưa giông tới…Rứa thì ai bỏ đi cho nổi? Về làm răng được mà về! Bây giờ anh vui…Vui ở buồn đi. Vui ở mà buồn cũng ở. Nên mưa cứ xối xả tuôn vào tận thẳm sâu trái tim của mỗi người đến độ trăm năm ngàn năm sau chưa chừng khô ráo nổi. Mà cuối cùng cũng chỉ một cơn mưa giông đầu đời chứ có gì ghê gớm lắm đâu...

Đông Hà

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế

Sáng 30/4 đã diễn ra lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) Thơ ca Đất Việt xứ Huế, trở thành thành viên thứ 14 của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy thơ ca Đất Việt thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc.

Thành lập Câu lạc bộ thơ ca Đất Việt xứ Huế
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Return to top