|
Nhiều sinh viên luôn có khoảng thời gian đẹp khi vui vẻ bên bạn bè |
Tìm thấy sự cân bằng
Phan Thị Hồng Nhung, hiện là sinh viên năm cuối Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế. Chỉ còn ít tháng nữa là cô sinh viên này tốt nghiệp ra trường. Nhung khá áp lực vì đến hiện tại, vẫn chưa xác định được công việc sẽ làm sau này. Dù biết đang còn là sinh viên, song Nhung lại luôn suy nghĩ rất nhiều về quãng thời gian ra trường sắp đến.
Phan Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Em đã nhiều lần hạ quyết tâm là không suy nghĩ nhiều, nhưng không thể. Càng về cuối năm học, em lại tự tạo áp lực nhiều hơn. Bạn chung phòng biết vậy nên đã động viên rất nhiều. Mỗi lần thế, bạn lại rủ thêm một số thành viên trong nhóm bạn thân đến, cùng nhau ra cầu đi bộ gỗ Lim trên sông Hương để vui chơi, hay cùng nhau về biển để hít gió trời. Sau mỗi lần đi với bạn, tinh thần em phấn chấn hơn hẳn”.
Vốn mê “phượt”, nên cuối tuần, hay dịp lễ, nếu không về quê là Trần Nam Thắng, sinh viên năm 3 Trường đại học Luật, Đại học Huế chọn cách giải tỏa áp lực bằng những chuyến rong ruổi cùng nhóm bạn thân. Khi thì lên A Lưới, lúc thì lên Nam Đông, hay những chuyến đi dọc theo tuyến Quốc lộ 49B về biển Hàm Rồng, Lộc Bình, huyện Phú Lộc…
|
Nhiều sinh viên chọn đi du lịch cùng nhau để tìm sự cân bằng (Ảnh AL) |
Nhóm bạn của Thắng gồm 4 thành viên. Mỗi người mỗi quê khác nhau: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đăk Lăk. Song cả 4 đều có điểm chung là thích khám phá những điều mới mẻ. Sinh viên nên nhóm bạn của Thắng có cách để thỏa đam mê khám phá đó cũng rất “sinh viên”. Để có một chuyến đi, cả nhóm dậy từ sớm để bắt đầu xuất phát, khoảng 1 – 2 tiếng đi xe máy là đến địa điểm. Khám phá vui chơi khoảng vài tiếng đồng hồ là cả nhóm quay trở lại thành phố. Thật lâu, các thành viên dành được một khoảng kinh phí để lưu trú qua đêm, mới đi chơi xa hơn, như ở A Lưới.
“Chơi cùng nhau, có thời gian để hiểu nhau, nên các thành viên sẵn sàng chia sẻ tất cả. Ai cũng có những áp lực riêng, người thì sống dưới “cái bóng” quá lớn của anh chị em trong nhà; người thì kinh tế gia đình khó khăn; người kém may mắn chỉ còn có mẹ… Những áp lực, các thành viên đôi lúc khó chia sẻ với gia đình, người thân, nên cả nhóm bạn thống nhất luôn kể cho nhau nghe về cuộc sống gia đình, áp lực đang trải qua. Chúng em thường chọn cách đi với nhau, dành nhiều thời gian để trò chuyện, cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn và cùng đặt các mục tiêu cho tương lai”, Trần Nam Thắng chia sẻ.
Chăm lo sức khỏe tinh thân
Dịp lễ 30/4 và 1/5 này, Câu lạc bộ (CLB) Hạt Nhân, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế tổ chức chương trình ngoại khóa cho hơn 100 thành viên tại biển Phú Diên, Phú Vang. Các thành viên được cùng nhau tham gia các trò chơi đồng đội, lửa trại, giao lưu văn nghệ… đặc biệt là hoạt động chia sẻ những câu chuyện khó nói, hay những áp lực trong cuộc sống. Chương trình còn nhằm mục đích rèn luyện ý chí, xây dựng bản lĩnh cho tất cả các thành viên.
|
Tìm thấy nụ cười thông các hoạt động ngoại khóa |
Nguyễn Văn Chí Hiếu, Chủ nhiệm CLB Hạt Nhân cho biết, trong CLB vừa có một thành viên không may mất chiếc xe máy. Đây là tài sản lớn của bạn và ba mẹ dành dụm khó khăn mới mua được. Hiện tại bạn rất áp lực, chưa dám báo với ba mẹ và người thân. Ban đầu thành viên này rất buồn. Tại chương trình, đã mạnh dạn kể ra sự việc khó nói vừa qua. Thành viên này được các bạn chia sẻ, động viên về tinh thần và đóng góp hỗ trợ một phần kinh phí. Sau khi kết thúc phần chia sẻ câu chuyện, thành viên này đã vui vẻ hơn hẳn.
Hay một thành viên khác tìm thấy được sự cân bằng phần nào khi nói ra được câu chuyện đã dấu kín hơn 1 tháng qua. Chuyện là bạn này đã bị đối tượng lừa đảo trên mạng lừa tổng cộng gần 1,8 triệu đồng sau khi đăng ký suất dạy thêm. Đó là khoản tiền sinh hoạt trong tháng. Hiện tại sinh viên này chưa dám kể với ba mẹ. Được các thành viên động viên, an ủi, sinh viên này đã tươi cười trở lại.
Theo một nghiên cứu của Đại học Huế trong năm 2023, tỷ lệ sinh viên có các dấu hiệu của căng thẳng, lo âu và trầm cảm tương ứng là 51,84%; 81,55% và 57,09%. Tỷ lệ sinh viên có dấu hiệu từ nặng đến rất nặng đối với rối loạn căng thẳng là 7,96%; rối loạn lo âu là 35,92% và trầm cảm là 8,55%. Đây là những con số đáng lo ngại hiện nay.
Theo Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế, áp lực học tập quá lớn có thể khiến sinh viên cảm thấy căng thẳng, lo âu, chán nản. Gia đình và xã hội thường đặt ra những kỳ vọng cao, khiến sinh viên cảm thấy áp lực, stress... Trong khi đó, sinh viên thường chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này khiến các em gặp khó khăn trong việc đối phó với những áp lực trong cuộc sống.
PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, sức khỏe tinh thần trong môi trường đại học là vô cùng quan trọng. Bên cạnh tạo môi trường học tập thỏa mái, kích thích sự hứng thú của sinh viên, Đại học Huế đang gấp rút mở trung tâm tư vấn sức khỏe tâm lý cho sinh viên. Đặc biệt, giải pháp quan trọng hiện nay được Đại học Huế triển khai là tăng tính hiệu quả của các CLB, đội nhóm, để sinh viên cùng tham gia sinh hoạt, chia sẻ áp lực cho nhau, tìm thấy sự cân bằng trong học tập và sinh hoạt.