ClockThứ Ba, 15/08/2017 06:01

Cá nóc nhiều bất thường gây thiệt hại

TTH - Thời gian gần đây, hiện tượng cá nóc xuất hiện nhiều ở ngoài khơi, vùng lộng làm hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân vùng biển Phú Vang gặp khó khăn.

Ngư dân Huỳnh Táng (thôn Tân An, Phú Thuận) phải thay mới lưới cụ do cá nóc cắn phá

 

Thiệt hại ngư lưới cụ

Ngư dân các xã Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải cho hay, một mẻ lưới, có 10 con cá thì có đến 6-7 con là cá nóc, đa số cắn đứt lưỡi câu, cước chì gây thiệt hại ngư lưới cụ.

Ngư dân Trần Văn E- tổ dân phố Hải Tiến, thị trấn Thuận An nói: Chỉ mới vài ngày trước, tàu chúng tôi gồm 9 bạn thuyền ra khơi câu cá hố thì bị “dính” bầy cá nóc nghệ, nóc thu to bằng cổ tay người. Cá hố câu được thì ít mà cá nóc dính câu thì nhiều. Cá nóc cắn đứt lưỡi câu, gây hư hỏng ngư lưới cụ. “Tui làm nghề mấy chục năm, chưa khi nào thấy cá nóc sinh sôi như ri, đặc biệt là một tháng trở lại đây thì nhiều vô kể. Thả câu chỗ nào thì cá nóc vây chỗ đó, chỉ trong tích tắc là cá cắn sạch cả trăm lưỡi câu”, ông E bày tỏ.

Nhiều ngư dân ở Phú Thuận cho hay: Cá nóc hoành hành, khiến sản lượng đánh bắt thủy sản của ngư dân bị sụt giảm. Trước đây ra khơi với bạn thuyền mỗi ngày cũng kiếm được 2-3 triệu đồng, bây giờ chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng do cá đánh bắt hiếm hơn trong khi cá nóc thì sinh sôi ngoài khơi...

Ông Hà Thanh Hoài, cán bộ phụ trách thủy sản thị trấn Thuận An cho biết, năm nay, ngư dân làm nghề câu đang gặp khó khăn do cá nóc xuất hiện nhiều, cắn phá cước. Toàn thị trấn có gần 250 phương tiện đánh bắt xa và  gần bờ, trong đó có khoảng 50% hành nghề câu nên thiệt hại khá lớn.

Tại Phú Thuận, đánh bắt trung bờ với nghề vây rút chì cũng “khốn đốn” vì cá nóc các loại. “Cá nóc vào lưới rồi, miệng nó sắc như dao, cắn phá liên tục, chỉ một đoạn mình kéo lên lưới đã rách bằng cái nón, lưới hư thì cá thất hoát hết, bà con đi biển đều lỗ”, ngư dân Hồ Văn Quyến (thôn Tân An, xã Phú Thuận) lo lắng.

Không chỉ đánh bắt xa, trung bờ, ngư dân đánh bắt gần bờ vùng cửa biển, đầm phá cũng gặp khó khăn vì cá nóc xuất hiện nhiều.

Chưa rõ nguyên nhân

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, cá nóc thường xuất hiện vào thời điểm từ tháng 5 đến tháng 8 (DL). Năm nay không biết vì môi trường, khí hậu thay đổi thế nào mà cá nóc xuất hiện nhiều.

Toàn xã có 56 tàu xa bờ và 126 thuyền bãi ngang với khoảng 800 lao động. Trong đó, riêng đánh bắt xa bờ bằng rường câu cá hố thường trực có khoảng 200 lao động. Số lao động này hiện nay đang gặp khó khăn vì cá nóc cắn phá câu gây hư hỏng nhiều ngư lưới cụ.

Loài cá nóc độc có thân dài từ 4cm đến 40cm, chắc, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy biển; vùng cửa sông, nước lợ. Độc tố trong cá nóc có thành phần chủ yếu là tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Độc tố tập trung nhiều ở gan, thận, tuỵ, cơ quan sinh dục… và độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản.

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định: “Đây là hiện tượng bất thường, 20 năm trong nghề thủy sản, tôi cũng chưa ghi nhận được năm nào cá nóc nhiều như thời điểm hiện tại. Về mặt môi trường thì chúng tôi không nắm được cụ thể nên trước mắt chi cục cũng khuyến cáo ngư dân không sử dụng cá nóc làm thực phẩm và đang theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, cá nóc có nhiều loại và theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì không được sử dụng làm thực phẩm vì đây là loài thủy sản có độc tố cao.

Ở một số địa phương, các cơ sở được cơ quan chức năng cấp phép chế biến cá nóc để xuất khẩu, riêng ở Thừa Thiên Huế thì chưa có nên chi cục khuyến cáo không đánh bắt cá nóc; nếu đánh bắt được thì phải tiêu hủy.

Do cá đi theo luồng, xuất hiện theo mùa và không tuân thủ quy luật nào nên việc khuyến cáo cho ngư dân vùng đánh bắt là không thể.

Việc cá nóc xuất hiện nhiều trong thời điểm hiện nay là hiện tượng tự nhiên. Nguyên nhân loài thủy sản này xuất hiện nhiều đến nay Sở NN&PTNT đang tìm hiểu.

HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Return to top