|
Gỡ cá sau chuyến đánh bắt bội thu |
Nắng đầu hè oi ả, cũng là lúc những con sóng bạc đầu không còn giận dữ, như thể thôi thúc ngư dân thỏa sức dong thuyền ngang dọc bủa lưới, giăng câu gần bờ. Bẵng một thời gian dài biển vắng những con mực, con tôm, nục, khuyết… nay chúng bỗng xuất hiện sát tận ven bờ. “Biển đầu mùa này lạ lắm”, ngư dân trẻ Võ Bắc ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) cười tươi.
Bây giờ ở vùng biển Ngũ Điền rất hiếm gặp những ngư dân trẻ như Võ Bắc, mới ngoài 20 tuổi lại quyết định nối nghiệp cha, ông bám nghề “theo đuôi tôm, cá”. Cứ mỗi chuyến biển, mỗi lần buông lưới, giăng câu, trong sâu thẳm của Bắc lại chất chứa nhiều nỗi niềm, cung bậc cảm xúc.
“Cái nghề này cũng lắm cơ cực, nhưng đâu đến nỗi nào. Nhiều người lớn lên, có nghề nghiệp ổn định, số đó có cả giáo viên, kỹ sư, bác sĩ… cũng đều từ những mớ tôm, mớ cá. Ấy thế mà một thời gian dài biển lại vắng bóng thuyền”, Bắc chia sẻ.
Trong ký ức của Bắc về một thời biển quê mình lắm tôm, nhiều cá chỉ được nghe từ các bậc cao niên, cha, ông kể lại. Đó là thời điểm độ chừng 20 năm về trước, khi tôm, cá, khuyết bơi vào tận bờ, ngư dân thỏa sức buông lưới, giăng câu, thuyền đầy ắp cá.
Ngư dân chỉ cần đứng trên bờ bủa “lưới rùng” có thể bắt được hàng tấn cá nục, me, duội, cơm. Những chuyến “kéo dạ” ven bờ, thuyền nào cũng chở đầy khuyết, tôm biển. Rồi những trộ lưới cá trích, cá nục, cơm cũng chất đầy khoang thuyền.
Trong ký ức của ngư dân cao niên, hồi đó bà con đầu tư khai thác gắn với bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi hải sản bài bản lắm. Đứng trên bờ biển nhìn ra phía xa chừng vài cây số sẽ thấy rất rõ những cây tre nhô lên mặt biển. Ở đó, phía dưới thân tre được gắn vào những bao tải đựng cát, kết với rơm khô, tàu lá chuối là cách nhử những con nục, con ngừ, thu, chủa… về làm tổ trú ngụ, sinh sôi.
Cứ mỗi chuyến biển, ngư dân không phải mất công, hao tốn nhiều nhiên liệu ngược xuôi trên biển mênh mông dò tìm luồng cá, mà chỉ cần tìm đến các tổ trú ngụ là thỏa sức buông lưới, giăng câu. Khi tôm, cá có dấu hiệu ít dần, các thuyền lại nghỉ ngơi tạo điều kiện cho các loài hải sản đến trú ngụ, tiếp tục sinh sôi.
|
Một trộ mực của Võ Bắc |
Rồi đến một thời, những con nục, con ngừ, con thu… không còn xuất hiện ở vùng biển ven bờ. Những chiếc thuyền nan phải nằm bờ dài dài, ngư dân “buồn không muốn nói”. Cũng bắt đầu từ đó, ngư dân Ngũ Điền lại đối diện với muôn vàn khó khăn với nghiệp biển trước nguồn lợi hải sản vùng biển gần bờ có dấu hiệu cạn kiệt.
Tại vùng Ngũ Điền thời nghề biển còn hưng thịnh có đến hàng ngàn chiếc thuyền nan, riêng tại Phong Hải có đến hàng trăm chiếc. Song, một thời tại các làng quê này chỉ còn vài chục chiếc thuyền lèo tèo, nhiều ngư dân bán thuyền, bỏ nghề biển chuyển sang nuôi tôm chân trắng trên cát và làm các nghề khác. Trong số đó, cũng có không ít người bao giờ cũng hướng về biển, nhớ nghề da diết như ông Võ Tượng, Võ Toản, Nguyễn Viên, Võ Xồng ở Hải Thế, các ông Trần Hòa, Long Tuyền... ở Hải Nhuận (Phong Hải)...
Trong nhiều nguyên do vùng biển gần bờ ngày càng vắng bóng cá, tôm có một lý lo chính mà như lời Võ Bắc chắc nịch: “Một thời gian dài ngư dân bỏ nghề làm tổ trú ngụ, khiến hải sản mất đi sinh cảnh, môi trường sống, buộc phải di cư đến các vùng biển khác, hoặc tìm đến các vùng biển khơi xa”.
Điều Bắc nói hoàn toàn có cơ sở khi vài năm gần đây, ngư dân kể từ lúc quay lại làm tổ trú ngụ cũng là lúc nguồn lợi hải sản bắt đầu có sự hồi sinh trở lại. Dù hải sản vùng lộng lúc này chưa dồi dào như trước, nhưng những ngư dân còn bám trụ với nghề biển để mưu sinh vẫn có cuộc sống ổn định.
Và điều “lạ thường” đã xảy đến khi những con sóng lặng đầu hè năm nay, những bầy cá nục, khuyết, tôm, mực… bơi vào tận vùng biển ven bờ. Các thuyền của ngư dân mấy ngày nay chở đầy khuyết, cá nục, trên bãi biển tấp nập người mua, người bán như tái hiện lại khung cảnh các vùng quê ven biển một thời cá, tôm dồi dào.
Dù làm nhiều nghề nhưng với Võ Bắc đã quyết định chọn nghề biển làm nghề mưu sinh chính. Chiếc thuyền nan có công suất chỉ chưa đầy 20CV của ngư dân trẻ này hầu như ngày nào cũng rong ruổi khắp các vùng biển ven bờ. Trên chiếc thuyền dù nhỏ ấy có lắm thứ nghề: “kéo dạ” bủa khuyết; “lưới hai, ba” bủa cá trích, bạc má, cá nục; lừ bủa mực; rồi nghề câu cá, câu mực... vùng biển lộng.
Mới đây, Bắc còn tổ chức dịch vụ câu cá thư giãn trên biển phục vụ du khách trong những ngày “con nước chướng”, hải sản không dồi dào. Bắc bảo: “Sinh ra và lớn lên ở vùng biển, không học hành đến nơi đến chốn thì phải nối nghiệp cha, ông để mưu sinh. Chỉ mong rằng hải sản vùng lộng bao giờ cũng dồi dào, chuyến biển nào cũng đầy lộc mang về”.
Mỗi chuyến biển có thể khai thác hàng tạ, hàng tấn cá, khuyết thì không thể nào bán hết, số còn lại buộc phải làm mắm hoặc phơi khô. “Trong khi biển hồi sinh thì các nghề chế biến mắm cá, nước mắm, sản phẩm cá, tôm phơi khô ở Phong Hải và một số địa phương ven biển Ngũ Điền đang ngày càng mai một. Hải sản bủa về thì nhiều nhưng giá cá tươi “bán đổ, bán tháo” tại bãi quá rẻ (vì ít người mua làm mắm) nên lời lãi chẳng là bao”, Bắc nan giải.
Rồi cả những con thu, chủa, thiều, tho… một thời vắng bóng, bặt tăm nay cũng bắt đầu xuất hiện trở lại vùng biển gần bờ Ngũ Điền. Với ngư dân vùng biển thì đây chính là “bầu sữa” cho bao phận người. Điều mà Võ Bắc và ngư dân trăn trở: “Hải sản hồi sinh thấy rõ rồi, nhưng liệu có tồn tại được bao lâu”. Điều này còn phụ thuộc vào “thái độ ứng xử” của ngư dân với môi trường biển, với nguồn lợi hải sản chỉ vừa mới hồi sinh.
Điều tiên quyết và không còn con đường nào khác ngoài phải duy trì, phát huy cách làm tổ trú ngụ, sinh sôi như lâu nay để đảm bảo sinh cảnh, môi trường sống ổn định cho các loài, quá trình khai thác phải gắn với bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ. Ngư dân không chỉ cần phải ý thức thu gom rác thải, vệ sinh trên biển, bãi biển mà còn phải ý thức không xả rác ra biển để tạo môi trường luôn trong sạch cho các loài hải sản trú ngụ, sinh sôi.
Theo kinh nghiệm của ngư dân cao niên thì khi các loài hải sản gần bờ bắt đầu có dấu hiệu ít dần, cạn kiệt phải tạm ngừng đánh bắt một thời gian nhất định. Các nghề khai thác phải đảm bảo kích cỡ mắt lưới theo quy định, tùy thuộc vào mùa cá gì thì đánh bắt theo loại nghề tương ứng, phù hợp đó... Với các làng quê ven biển Ngũ Điền có nhiều lợi thế chế biến mắm, nước mắm, nên chăng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần duy trì, tổ chức làng nghề chế biến hải sản một cách bài bản hơn để thúc đẩy nghề biển phát triển.