ClockThứ Tư, 15/08/2018 09:14

Đó là một phần của văn hóa dân tộc...

TTH - Đoàn đưa dâu đến nhà trai, sau khi trà nước để tỉnh táo sau cả cung đường dài, vị chủ hôn mời đại diện nhà gái cùng lên lầu, nơi có bàn thờ để cáo yết gia tiên.

Thắp 3 cây hương lên bàn thờ xong, vị chủ hôn hướng qua nhà gái, mời vào lạy. Đến đây thì ông bác của cô dâu chừng không nén được nữa, dấm dẳng thưa: Ở chỗ chúng tôi không có tục lệ ấy, xin tha cho...

Xoay sang tôi, ông bác hậm hực: Cái lão ấy sao làm chủ hôn mà không biết gì cả vậy nhỉ? Sợ hư sự, tôi bấm ông, mong bớt giận. Ý chừng hiểu ra, nên ông thôi không nói nữa. Song vẻ mặt thì không mấy vui .

Xong tiệc cưới, lên xe về, ông bác bấy giờ mới thoải mái xả giận. Hóa ra ông đã không cảm thấy hài lòng ngay từ cái lễ trình giờ xin dâu của nhà trai. Ông là người lớn tuổi, đại diện nhà gái để tiếp lễ. Bên nhà trai, vị chủ hôn còn cao niên hơn cả ông, lại cũng là người cùng quê hương cả, vậy mà nghi thức cứ lung tung xèng chả lớp lang chuẩn mực gì cả. Thông thường trình giờ thì nhà trai mang luôn cả cặp đèn sáp vào, vừa làm lễ trình vừa là để sau đó nhà gái chủ động chuẩn bị sẵn để khi nhà trai vào nạp lễ là có thể đốt đèn hành lễ ngay. Cái việc đơn giản theo thông lệ như vậy không làm, đến khi nạp lễ vào, cặp đèn cứ dựng lên ngã xuống cả chục dạo, mất thời gian mà cũng hết cả trang nghiêm. Rồi đến chuyện thưa gửi, trong suốt buổi lễ vị chủ hôn cứ lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Cho tới lúc đưa dâu về tới nhà trai và làm lễ cáo gia tiên mà trên có nói thì với ông bác là giọt nước tràn ly. Ông bảo:

- Xưa nay dân mình làm chi có tục lệ đó. Người ta gả con đi đã đứt từng khúc ruột, mình lại còn yêu cầu họ lạy gia tiên mình để cho con họ... được về làm dâu?!! Răng mà có cái lý ngược ngạo rứa?

Thấy ông có vẻ càng lúc càng hăng, tôi xoa dịu, có thể họ không biết, thôi đại xá. Nghe thế, ông trừng mắt nhìn tôi:

- Không biết? Không biết thì phải học, phải hỏi chứ. Còn không thì đừng nhận "vai". Phong tục cưới xin của tổ tiên truyền lại, đó là một phần của văn hóa dân tộc, lễ nào có ý nghĩa của lễ đó, thời nay đã giản lược đi nhiều, nhưng cái gì đọng lại thì cần phải chuẩn mực, bởi lễ mà không đúng thì sẽ loạn. Mình đã nhận vai thì phải tròn vai. Con cái người ta, cưới xin đời một lần, không đùa được. Cái gì còn chưa hiểu, chưa thông thì lo học, lo hỏi trước. Hơn nữa, mình là người lớn, phải biết, phải rành chuyện mới dạy cho con cháu được chứ. Ai cũng cứ ào ào như rứa, mạch nguồn văn hóa dân tộc không chừng mà đứt đoạn...

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top