ClockThứ Hai, 29/08/2016 13:49

Giao hàng online: “Nghề” được nhiều sinh viên lựa chọn

TTH - Với sự phát triển của internet và người dùng mạng xã hội, xu hướng bán hàng online trở thành hình thức kinh doanh khá phổ biến, được nhiều bạn trẻ lựa chọn.

Không lo thiếu việc

Hiện nay, đa số các cửa hàng kinh doanh online thường thuê người giao hàng theo đơn hàng, hoặc mỗi cửa hàng “thủ” cho mình một vài mối giao hàng (shipper) “ruột”. Yêu cầu công việc giao hàng online không quá khó, chỉ cần người giao hàng có xe máy, thông thạo đường và hơn hết là phải chịu khó, biết làm hài lòng khách hàng.

Giao hàng online là công việc làm thêm được nhiều sinh viên lựa chọn

Là một shipper chuyên nghiệp, Uyên Phương (sinh viên luật) cho biết: “Hiện em đang theo hệ vừa học vừa làm, chủ yếu học vào buổi tối, nên buổi ngày em nhận chuyển hàng (ship) cho các shop online để kiếm thêm thu nhập. Mới đầu, để được đi ship, em phải đặt cọc tiền sản phẩm lại cho chủ cửa hàng mới được nhận hàng đi ship, giờ là mối quen rồi nên chỉ cần nhận hàng và đi giao cho khách. Những ngày mới vào nghề, chưa quen việc, không dám nhận nhiều đơn hàng một lúc, có khi em đi cả ngày mà chỉ chuyển được vài ba đơn hàng, trừ chi phí xăng xe, thu nhập chưa tới 50 ngàn đồng/ngày. Nhưng giờ em kinh nghiệm hơn, nhận càng nhiều đơn hàng, mình càng đỡ tốn thời gian, tiết kiệm chi phí. Cái chính là mình phải lên lộ trình ship thật hợp lý”.

Phương cũng chia sẻ thêm, tuy là người chuyển hàng nhưng cũng cần làm hài lòng khách hàng. Nhiều bạn nghĩ mình chỉ cần đi giao hàng, khách nhận hàng hay không thì mình cũng có tiền công. Nhưng thuyết phục khách hàng về sản phẩm mình giao cũng rất cần thiết, vì nếu mình giao được nhiều hàng thì chủ cửa hàng sẽ có những khoản hoa hồng thêm cho shipper và hơn hết sẽ tin tưởng, lựa chọn mình cho những đơn hàng khác. Là shipper, chỉ cần trung thực, có uy tín thì cũng không lo gì thiếu đơn hàng để giao, bởi các shop cũng thích có shipper quen biết, lành nghề để giao hàng. Tiền công mỗi lần giao hàng từ 10-20 ngàn đồng (trong thành phố) và 30- 40 ngàn đồng cho các vùng lân cận. Nhưng nếu chăm chỉ, chịu khó thì shipper cũng thu nhập trên 100 ngàn đồng/ngày.

 “Công việc tưởng rất đơn giản nhưng ai chịu khó mới theo được. Đã là shipper thì xa gần gì cũng phải nhận như vậy lần sau người ta mới gọi mình. Có những đơn hàng nhìn địa chỉ thì tưởng dễ nhưng khi đi tìm đúng là bở hơi tai. Nhất là các đơn hàng ở các vùng huyện, bạn nào không rành đường, bị lạc là chuyện thường. Tiền công có khi chỉ đủ đổ xăng”, Đinh Huy Thắng (sinh viên Khoa Du lịch) chia sẻ.

Thắng cũng khuyến cáo, dù công việc shipper khá đơn giản, lượng công việc nhiều nhưng những bạn mới làm cần hết sức thận trọng. Nhiều người thuê giao những mặt hàng vô giá trị hoặc giá trị thấp nhưng bắt ứng tiền cao, địa chỉ giao hàng là giả và sau khi shipper nhận hàng thì chủ hàng “không cánh mà bay”. Sipper sinh viên vốn đã khó khăn khi lỡ cọc tiền vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng để được công ship 20-30 ngàn đồng nhưng rồi không giao được, chủ shop cũng không biết nơi đâu mà tìm. Hàng thì phải thanh lý giá rẻ, có khi là bỏ đi. Do đó, cần tìm hiểu kỹ cửa hàng trước khi nhận hàng hoặc thường xuyên vào các nhóm dành cho shipper để tham khảo những kinh nghiệm của người làm lâu năm, hay những địa chỉ bị cảnh báo lừa đảo để cảnh giác là không thừa.

Gian truân

Cũng có kinh nghiệm làm shipper trên hai năm, nhưng Đinh Xuân Dương (sinh viên cao đẳng Công nghiệp Huế) gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười: “Hôm đó, mình đi ship cho khách. Khách hẹn sau 14h thì mang hàng đến nhà. 14h30 mình đến đúng địa chỉ ghi trên kiện hàng, tới nơi mình điện thoại mấy cuộc không ai nghe máy. Đứng giữa trời nắng, đợi thêm một lúc, mình định gọi cuộc nữa rồi về thì hú hồn đầu dây bên kia có người nhấc máy. Khi ra nhận hàng, khách bảo vì đang ngủ nên không muốn nghe máy?!. Nhưng “ớn” nhất vẫn là những khách hàng hẹn lui hẹn tới mãi chả giao được hàng, mà còn tốn tiền điện thoại”.

Hiện nay, để tạo uy tín đối với mặt hàng mình kinh doanh, các cửa hàng thường lựa chọn hình thức trả tiền sau khi nhận được sản phẩm. Vì thế, cũng có không ít khách hàng cố tình làm khó shipper để giảm giá sản phẩm. “Đang háo hức giao chuyến hàng đầu tiên, khi kiểm tra sản phẩm, khách hàng hết phàn nàn về màu sắc, đến chất lượng sản phẩm, sau đó đòi giảm giá sản phẩm, rồi bớt tiền ship. Mình giải thích là giá cả khách đã thương lượng với cửa hàng mình không có quyền giảm vì nếu giảm, mình không có tiền để bù thì khách mới chịu nhận hàng. Vì khách kỳ kèo nên mình bị khách hàng thứ hai than phiền vì chậm giao hàng. Đúng là kiếm được 20 ngàn đồng vất vả thật!”, Đinh Thu Sương (Sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm) bộc bạch.

Với những mặt hàng như thức ăn, đồ uống… không kể nắng mưa những shipper đã nhận hàng là phải giao hàng đúng thời gian cho khách. Hay nơm nớp lo âu bị khách hàng khó tính “hành”, nhưng shipper vẫn là công việc thu hút được nhiều người. “Nghề nào cũng có những vất vả riêng, nhưng nếu mình làm việc tận tình, tạo được uy tín với chủ hàng lẫn khách hàng thì công việc sẽ thuận lợi hơi”, Thu Sương tâm sự.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top