ClockThứ Ba, 30/05/2017 14:12

Hiệu quả từ ứng dụng khoa học công nghệ

TTH - Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào nhiều lĩnh vực khác nhau bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, 5 năm qua, TP. Huế đã có những công trình, đề tài đem lại hiệu quả tích cực.

Hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc rau màu

Hiệu quả

Trước đây, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Huế khá vất vả trong mùa mưa bão, nhất là ở khâu hội ý, họp đột xuất hay thông báo tình hình cho các thành viên hoặc các phường. Sau khi đưa hệ thống nhắn tin và website thông tin về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào hoạt động, việc gửi thông tin liên lạc khá dễ dàng. Các thành viên ban chỉ huy đều được cài đặt số điện thoại để khi có thông tin về thiên tai sẽ được cập nhật liên tục qua tin nhắn. Trên trang web của hệ thống các thông tin cũng được cập nhật thường xuyên để thành viên ban chỉ huy theo dõi. Khi có bão lụt, lãnh đạo TP. Huế cũng như các phòng ban, địa phương liên quan đều được báo cáo, nắm thông tin kịp thời từ cơ sở để có những chỉ đạo, xử lý khắc phục kịp thời, như trường hợp mưa lớn gây xói lở ở Kim Long được phát hiện và điều động lực lượng khắc phục kịp thời.

Đề tài, dự án đưa bộ dụng cụ phục vụ việc dạy và học tiếng Anh cho học sinh lớp 5 theo chương trình mới được một số trường tiểu học trên địa bàn triển khai hiệu quả. Nhờ bộ dụng cụ này, việc học tiếng Anh đối với các em học sinh dễ dàng hơn. Thầy cô giáo dạy tiếng Anh cũng thuận lợi hơn trong việc bố trí tiết học theo hướng phát triển khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Giờ học tiếng Anh nhờ thế mà vui nhộn, sinh động hơn so với phương pháp dạy thông thường.

Đề tài ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng bản đồ điện tử quản lý đô thị phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án quy hoạch chi tiết khu vực Kinh thành Huế cũng phát huy hiệu quả khi từng bước giúp cơ quan quản lý về quy hoạch dễ dàng hơn trong tra cứu thông tin, lưu giữ dữ liệu. Mới đây nhất, việc điều tra, khảo sát, cắm mốc các hồ khu vực nội thành cũng được cập nhật thông qua bản đồ GIS, giúp tránh lấn chiếm và có cơ sở khi đối chiếu với thực tế sau này.

Một số lĩnh vực khác cũng đạt nhiều kết quả khả quan khi ứng dụng khoa học công nghệ, như mô hình trồng lan chất lượng cao, các mô hình về chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường mà nông dân một số phường như Thuỷ Biều, Thuỷ Xuân đã triển khai.

Hỗ trợ đào tạo, hợp tác

Giai đoạn 2012-2017, TP. Huế đã bố trí hơn 3,3 tỷ đồng cho sự nghiệp KHCN. Theo đó, có 13 nhiệm vụ KHCN cấp TP được phê duyệt với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó năm 2012 có 3 nhiệm vụ, năm 2013 có 3 nhiệm vụ, 2014 có 1 nhiệm vụ, 2015 có 4 nhiệm vụ và 2016 có 2 nhiệm vụ. Trong 2 năm 2015-2017, TP. Huế trích hơn 200 triệu đồng tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

5 năm qua, TP. Huế đã chú trọng bố trí kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đến nay, có 23 cán bộ được đào tạo trong và ngoài nước ở các trình độ thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Đồng thời, hoàn thiện các chính sách để hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp triển khai các đề tài mang tính ứng dụng cao, như hỗ trợ DN Thái Hưng triển khai đề tài ứng dụng công nghệ đúc đồng. Các chương trình  hợp tác với các trường đại học và các tổ chức KHCN trên địa bàn được triển khai thông qua một số dự án về KHCN, tập huấn, tham quan trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm. Qua Tổ chức Cầu châu Á Nhật Bản, một số cán bộ, nông dân của TP. Huế được đến Nhật Bản tham quan học hỏi mô hình sản xuất nông nghiệp sạch…

Mới đây, TP. Huế đã triển khai dự án“Xây dựng logo Festival nghề truyền thống Huế và đăng ký bản quyền Festival Nghề truyền thống” và dự án “Ứng dụng thiết kế mẫu mã hàng lưu niệm đặc trưng Huế phục vụ du lịch” với mục đích tạo thêm dấu ấn cho Huế. Riêng dự án về “Ứng dụng thiết kế mẫu mã hàng lưu niệm mang đặc trưng Huế phục vụ du lịch” được kỳ vọng sẽ giúp thị trường hàng lưu niệm Huế không còn đơn điệu như trước.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho rằng, việc ứng dụng KHCN đã đem lại những hiệu quả tốt cho các lĩnh vực sản xuất, đời sống. TP. Huế sẽ tăng cường nhân lực, tài chính để ngày càng có nhiều hơn những ứng dụng KHCN vào thực tiễn. Trước mắt, sẽ tập trung tổng kết đánh giá hiệu quả các mô hình để kịp thời động viên, khích lệ những cá nhân, tổ chức có những đề tài, dự án hay, hiệu quả, đồng thời rút kinh nghiệm đối với những vấn đề tồn tại để tổ chức thực hiện tốt hơn thời gian tới.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top