ClockThứ Tư, 26/04/2017 05:56

Họ sinh năm 1975

TTH - Có độ tuổi bằng với chiều dài thống nhất đất nước, từ những công việc thường ngày, thế hệ sinh năm 1975 đang góp sức vào quá trình phát triển của dải đất hình chữ S. Tôi đã gặp nhiều người trong số họ.

PGS. TS. Đinh Như Thảo gặp lại GS. Shin-ichi Katayama - người hướng dẫn Luận án Tiến sĩ nhân dịp dự hội nghị về Vật lý ở Đại học Osaka, Nhật Bản năm 2011

Mang trong tim niềm tự hào

Chào đời ngày 17/2/1975, PGS. TS. Đinh Như Thảo, Giảng viên Khoa Vật lý, Trường đại học Sư phạm Huế tự hào khi được sinh ra vào năm gắn với chiến thắng lịch sử 1975. Sau khi tốt nghiệp Khoa Vật lý Trường đại học Tổng hợp, Đại học Huế, chàng trai Đinh Như Thảo học Thạc sĩ tại Viện Vật lý thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến năm 2001, Thảo nhận học bổng Monbusho của Chính phủ Nhật làm nghiên cứu sinh 3 năm. "Nghiên cứu động lực học siêu nhanh của hạt tải và các dao động kết hợp trong đi ốt bán dẫn dưới tác dụng của điện trường ngoài bằng phương pháp mô phỏng Monte Carlo" là tên luận án anh bảo vệ thành công tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST).

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Cường (Phụ trách Khoa Giải phẫu bệnh – Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) ra đời sau 2 tuần ngày giải phóng quê hương – 14/5/1975, tự hào chia sẻ: “Thế hệ sinh năm 1975 như chúng tôi vừa được sống trong giai đoạn hòa bình vừa được tiếp nhận điều kiện học tập tốt hơn. Chính điều đó khiến tôi ý thức bản thân phải cố gắng học tập để không phụ lòng thế hệ cha anh đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc”. 12 năm phổ thông là học sinh giỏi, 3 năm là học sinh chuyên Anh Trường THPT Quốc Học Huế, thi đậu vào Trường đại học Y dược Huế rồi học chuyên khoa cấp 1 và sau đó làm luận án Tiến sĩ tại Trường đại học Y Hà Nội, đến giờ anh đã là một bác sĩ đáng mến, phục vụ công tác chẩn đoán cho bệnh nhân, nhất là các bệnh khối u, ung thư.

Còn chị Nguyễn Thị Nhi làm việc ở Công ty may xuất khẩu Huế (Hudatex) (sinh ngày 12/11/1975) thì xúc động: “Qua lời kể của cha anh đi trước, tôi thấy rất may mắn khi mình được sống trong thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối”. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, càng khiến chị có nghị lực phấn đấu vươn lên. Đi làm sớm để phụ giúp ba mẹ nuôi em, sau này vào làm công nhân may, chị luôn giữ niềm tin yêu, lạc quan với cuộc đời.

Cống hiến tài năng, trí lực

Bên cạnh niềm tự hào, thế hệ sinh năm 1975 còn tự nhắc nhở mình về ý thức trách nhiệm.Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyên Cường luôn tâm niệm phải ra sức cứu người, tận tâm, tận lực với bệnh nhân. Khi nhắc đến công việc, trong ánh mắt anh hiện lên niềm mê say yêu nghề. Anh kể về những “mong ước” xây dựng một trung tâm sinh học phân tử chẩn đoán ung thư, phục vụ điều trị ung thư và ghép tạng cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh viện khu vực và bệnh viện vệ tinh, là một trong năm trung tâm lớn mà Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế quyết tâm thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Anh và các đồng nghiệp cũng đã có gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học về chuyên ngành giải phẫu bệnh.

Giảng viên Đinh Như Thảo sau bao năm đứng lớp, truyền thụ kiến thức cho lớp lớp sinh viên háo hức được dựng xây đất nước vẫn không ngừng học tập, tiếp thu kiến thức mới. Đến nay, anh đã chủ trì và tham gia thực hiện một số đề tài cấp cơ sở, cấp bộ và cấp Quốc gia và đã đăng trên 30 báo cáo ở các tạp chí trong nước và quốc tế (SCI). Anh còn thường xuyên giới thiệu và hỗ trợ viết thư giới thiệu để tìm kiếm học bổng cho sinh viên có cơ hội du học ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Anh chia sẻ: “Tôi mong muốn có thể góp phần nhỏ bé nào đó cho khoa học, cho quê hương, cho việc đào tạo nhiều lớp thế hệ trẻ tài năng góp phần kiến thiết đất nước”.

Thế hệ sinh năm 1975,  ngoài giờ làm việc, trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn là những người cha, người mẹ hết mực vì gia đình. Chị Nguyễn Thị Nhi tảo tần quán xuyến, chăm sóc con cái. Còn giảng viên Đinh Như Thảo luôn dành thời gian ở bên cha mẹ, vui đùa cùng con, lắng nghe tâm tư của con. Anh còn tập tành làm thơ, viết văn, coi đó là niềm vui nhỏ trong bộn bề cuộc sống. Bác sĩ Phạm Nguyên Cường bên cạnh những ngày làm việc vất vả, anh còn “khoe” hôm nào cũng cố gắng dậy sớm giúp vợ lau nhà, rửa bát, đưa đón con đi học. Anh còn lãng mạn thường chở vợ đi ăn ở quán cũ ngày hai người mới yêu nhau thường hay đến.

Sinh năm 1975, bây giờ đã 42 tuổi, dù ở vị trí nào, là bác sĩ, giảng viên hay một chị công nhân cần mẫn, họ vẫn luôn không ngừng phấn đấu, hết sức, hết mình cống hiến tài năng, trí lực cho công cuộc phát triển đất nước.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm

Cuối năm thường là thời điểm mà thị trường lao động có nhiều biến đổi, khá nhiều người lựa chọn thời điểm này để thay đổi công việc. Tuy nhiên, “nhảy” việc vừa là cơ hội vừa tiềm tàng nhiều nguy cơ nếu bạn chưa biết cách chọn phù hợp.

5 lưu ý khi có dự định thay đổi công việc vào cuối năm
Trách nhiệm trong từng công việc

“Luôn cẩn thận, tỉ mỉ, khoa học, sáng tạo, đảm bảo chính xác tuyệt đối trong từng nội dung công việc được giao”, đó là những đánh giá của chỉ huy và đồng đội khi nói về Thiếu tá Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Nguyễn Văn Dũng – nhân viên Thống kê – Hồ sơ, Ban Cán bộ, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Trách nhiệm trong từng công việc
Khi ta chọn lựa

Tôi có một người bạn, mỗi lúc gặp nhau cô ấy đều kêu ca về công việc hiện tại.

Khi ta chọn lựa
Trí tuệ nhân tạo liệu có thay thế công việc của con người?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là chủ đề công nghệ được chú ý nhất gần đây nhờ sự bùng nổ của ChatGPT. Chatbot được hỗ trợ bởi AI, phát triển bởi OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, đã gây ấn tượng với người dùng bởi “sự thông minh”, nổi bật với khả năng trả lời câu hỏi, viết luận và thậm chí tranh luận các vấn đề pháp lý.

Trí tuệ nhân tạo liệu có thay thế công việc của con người
Return to top