ClockChủ Nhật, 06/01/2019 10:47

Mẹ & Dì

TTH - Những chuyến xe đò liên tỉnh thời ấy hiếm hoi, họa hoằn dừng lại trên quốc lộ, dân trong xóm ngơ ngác túa ra xem có phải người quen của nhà mình. Này đậu, này đường, này bột sắn dây.

Vết sẹo an lành

Dì buông mớ áo quần đang ủi cho cô dâu xuống, thở dài:

-  Mẹ mày cũng sung sướng gì đâu hở cháu!

Tôi nhìn dì, chăm chú. Người đàn bà chưa đến năm mươi mà vẻ khắc khổ già nua đã in hằn lên mỗi nét. Da dì đen, đồi mồi trên tay và sạm nám trên mặt. Cả cơ thể mập mạp, thô kệch. Một mẫu điển hình của phụ nữ lao động tay chân vất vả cơ cực.

Mà dì tôi quả là cái số khổ. Nhà ngoại nghèo. Mẹ tôi lấy chồng xa, yên phận. Dì và mấy cậu bôn ba qua nhiều xứ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những buổi trưa hè ở Phú Giáo, tôi thơ thẩn nghịch đất cát, hong hóng chờ dì đi chợ về. Đi chợ ngày ấy toàn là đi bộ. Đường đất đỏ ngoằn ngèo. Dì tôi bán sương sáo ở chợ, khi về thường nhớ mua cho cháu gói kẹo dẻo hay cái kẹp tóc be bé. Đó là những năm tôi về nhà ngoại nghỉ hè. Có khi, nhà ngoại chia nhau dắt díu về xứ mẹ tôi đang làm dâu sinh sống. Khoảng thời gian ấy có lẽ là đẹp đẽ nhất tôi trải qua trong thời ấu thơ của mình.

Nhà ngoại ở Phú Giáo trồng điều. Năm thì thất mùa. Năm được mùa thì mất giá. Nhà ngoại đất sét trộn rơm. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác háo hức tò mò đứng xem con bò ăn xơ mít cả vỏ, nhai nuốt từng túm rơm to, vàng óng. Đêm đêm, âm thanh duy nhất nối cuộc sống với bên ngoài là qua cái máy cát sét chạy pin nho nhỏ. Tôi được ông ngoại hay cậu “thuê” nhổ đậu phộng, đong bằng cái lít bằng nhôm hay thiếc gì đó, to đùng. Một đứa con gái lên tám lên mười ì ạch bứt từng củ đậu phộng ra khỏi mớ rễ của nó, hăm hở chờ đầy lít để lập công, vòi tiền. Tôi ở chơi nhà ngoại chỉ vài ngày là chán, đòi về.

Những chuyến xe đò liên tỉnh thời ấy hiếm hoi, họa hoằn dừng lại trên quốc lộ, dân trong xóm ngơ ngác túa ra xem có phải người quen của nhà mình. Này đậu, này đường, này bột sắn dây. Có thức gì ngon, mẹ tôi lại bảo, để dành tết rồi ăn. Nên hồi ấy, tết ngon lành, tết no đủ, tết háo hức chờ mong nhiều lắm. Chỉ có vào dịp tết, mẹ tôi mới giở những cái túi ni lông được cột cẩn thận trên giàn xuống, bày biện nấu xôi, gói bánh. Thịt kho hột vịt đúng điệu Nam bộ. Mứt gừng mứt tắc kiểu miền Bắc. Thịt đông dưa món cho cha tôi.

Mẹ tôi gốc Bắc, lấy chồng miệt Nam bộ. Mẹ dường như cố lắm mà không yêu nổi mảnh đất, con người trù phú, hồn nhiên nơi ấy. Hay bởi những thói quen từ hồi còn bé đã hằn sâu trong mẹ mất rồi? Mẹ tôi tuy siết đòn bánh tét thành thục nhưng tết đến vẫn thích gói bánh chưng, học được của ông ngoại ngày còn bé. Mẹ làm dăm bông thịt nguội. Mẹ nấu canh súp, củ sen. Mẹ hầm chân giò thuốc bắc. Mẹ là người phụ nữ lạ lẫm và khác biệt ở trong xóm. Da trắng tóc dài. Mẹ tôi không la cà đàn đúm, không đi ruộng, không bắt cá hôi mỗi mùa mưa tới, không ăn hàng ở chợ, không ganh ghét nói xấu đàn bà khác đi ngang qua mặt...

Thiên hạ bảo rằng, bởi vì mẹ tôi đẹp. Vẻ đẹp thành thị của con gái Bắc.

Nhưng mẹ vẫn không đủ sức níu chân cha tôi. Người đàn ông hút hồn mẹ từ lần đầu gặp gỡ bởi vẻ lãng tử ấy tiếp tục sống theo cách hoa bướm văn nghệ của mình. Phóng khoáng quá, đôi khi cũng là cái tội. Mẹ nhiều lần tức tưởi, ghen hờn. Mẹ dắt con cái đi “bắt tại trận”. Mẹ khổ sở cả đời bởi chẳng thể nào thay đổi được bản tính bay bổng, dễ xao lòng của cha.

Cha tôi khó chiều. Ăn uống hay chê bai thiếu vị này nọ dù những món mẹ nấu, mẹ dọn đủ làm đàn ông và cả đàn bà quanh xóm lác mắt. Những năm đói kém ấy, mẹ tôi vẫn nghĩ ra món cho lũ con háu ăn thèm ngọt thỏa mãn. Khi thắng nước màu, mẹ đợi đường vừa sôi tới rồi múc cho mỗi đứa một muỗng, ngọt lừ. Cơm thừa, mẹ phơi khô, rồi những hôm mưa gió, mẹ mang ra ngào đường, viên thành từng nắm như cốm vậy.

Ai cũng bảo số mẹ tôi sướng. Mẹ cười hãnh diện khi được khen giỏi vun vén, được chồng cưng. Trong nhà ngoại mỗi khi có dịp là râm ran, mẹ “hưởng hết” mọi phần phước của các anh chị em trong nhà. Nên cơ cực đổ lên đầu dì tôi. Người đẹp nên được mang hài. Còn dì…

***

Mẹ thường chùng giọng khi bảo, dì mày số sao mà long đong quá. Vất vả khôn cùng. Nặng lòng chi cái thằng đi biệt xứ. Lấy chồng thì… Thức dậy từ bốn năm giờ sáng đãi đậu, thổi xôi, nấu sữa. Loay hoay buôn bán. Chồng thì cục mịch quê mùa, cả năm không biết được mấy lần ăn bận tươm tất. Cứ rượu vào là đánh vợ chửi con. Lại thêm hai thằng con trai vô tâm vô tính chẳng hề biết giúp đỡ mẹ. Mình dì quần quật hết kiếm tiền chạy gạo rồi còn phải đâm đầu vô hàng đống việc nhà…

Tôi vẫn nhớ những ngày trọ học ở thành phố. Buổi sáng, chạy qua xe bán hàng của dì, thường được dì ngoắc lại dúi cho khúc bánh mì chả nóng hổi, giòn rụm. Ăn riết cũng ngại. Thế nhưng, bữa nào tôi né dì bằng cách vòng qua đường khác, thì chiều hôm ấy thế nào dì cũng qua tận phòng trọ, để xem đứa cháu gái bị sao mà không thấy đi học ngang qua. Ngày mưa cũng như ngày nắng, tôi đều thấy dì lúi húi bên xe bánh, thậm chí có trưa tan học, vẫn còn thấy dì chưa dọn hàng. Hôm ấy bánh ế, nhà dì ăn bánh trừ cơm…

Hai đứa con dì chắc là ngán ngẩm, nên dì thường mang bánh qua phòng trọ, nài nỉ tôi ăn dùm. Tôi khoái chí cắt từng ổ bánh đem phơi, để rồi hấp lên, chấm nước tương. Lâu lâu, không thấy dì mang bánh qua “gạ gẫm”, tôi lại thắc mắc, sao dạo này không thấy dì… bán ế nhỉ? Cầu được ước thấy, thế nào chiều đó dì cũng lại sang phòng trọ, cầm theo mấy chiếc bánh mì… Tôi sẽ mãi hí hửng ăn bánh ế, nếu như không có một lần, nghe thằng em họ con dì buột miệng bảo, có hôm khách mua hàng “hốt cú chót”, nhưng mẹ kêu chừa lại mấy cái, cho chị Mi. Tôi chưng hửng hiểu ra, dì thương đứa cháu thui thủi một mình ăn bánh mì hấp trừ cơm đây mà…

Dượng là dân lao động. Cả đời loanh quanh thợ hồ, thợ xây, thợ đụng. Đụng đâu làm đó. Dượng chắc chưa bao giờ cầm cuốn sổ nhạc với vài ba nét chữ xen nhau của dì để mà ê a ca hát. Tôi càng đồ rằng, dượng tôi không biết, dì có một cái hộp nho nhỏ bằng sơn mài đã trầy xước tùm lum, bên trong chứa vài ba thứ vớ vẩn “chẳng biết để làm chi” mà giữ mãi. Này là cái kẹp tóc xưa lơ xưa lắc bằng nhựa. Thỏi son môi mà chắc chẳng ai có đủ can đảm bôi lên, vì hết đát chắc cũng đôi chục năm rồi. Mấy tờ giấy úa vàng, chữ bay đâu hết sạch, nhưng tôi đồ rằng, dì tôi vẫn có thể vanh vách đọc những lá thư kia mà không cần nhìn…

***

Mẹ ngó mông lung ra cửa. Xứ tôi không có mùa nước nổi nước ròng, nhưng tiếng chim kêu chiều thì ở đâu cũng não ruột như nhau. Hoàng hôn chầm chậm rơi trên đất miệt vườn. Giọng ai đó hát nghêu ngao ngoài lộ đất. Nghe sao da diết quá.

- Dì mày, cả đời không hư, giờ già rồi còn…

Đó là những lời đầu tiên của mẹ tôi về câu chuyện “xao lòng” của dì dạo này. Câu chuyện “nội bộ” chỉ mới có hai chị em gái biết với nhau. Và tôi, đứa con gái thi thoảng tạt về thăm mẹ, đôi lần ghé qua nhà dì, để biết hạnh phúc đơn giản ngày xưa mà dì có đã chẳng còn đong đầy nữa. Nó hanh hao đi, bởi cuộc sống luôn đổi thay, tiến về phía trước, mà “dượng mày cứ lù đù suốt kiếp”. Chính xác hơn, cái tin người cũ của dì, phong thanh rằng, hơn mấy mươi năm bặt tin sau trận vượt biên năm ấy, đã trở về.

Dì soi gương, lấy ra chiếc áo lẻ có những cái bông to tướng, ướm lên người. Mấy ngón tay mập và thô những gân của dì khẽ khàng chạm lên mặt. Tựa hồ như, nếu dì làm mạnh tay như thói quen cái gì cũng ăn to nói lớn của dì, thì những vết sạm, vết thâm, vết chân chim quanh mắt dì sẽ nhiều hơn thêm vậy.

- Dì già quá rồi, hở bé Mi?

Tôi chợt tần ngần nghĩ đến mẹ. Đôi lúc có dịp mẹ và dì đi chung, người ngoài sẽ khó lòng mà tin được, đây là hai chị em ruột thịt. Dì đẫy đà, đen đúa, rổn rảng. Mẹ trắng trẻo, đài các, nhẹ nhàng. Chắc là do mẹ tôi số sướng. Vận dì đen, cả đời cơ cực? Những lúc dì cháu tỉ tê, dì lại bảo, đừng sống như mẹ mày, khổ lắm Mi ạ. Có chồng như vậy, chi bằng…

Chưa bao giờ tôi đủ can đảm và hứng thú để hỏi rõ, dì nghĩ gì sau hai tiếng “chi bằng” chưa một lần thổ lộ hết ý đó? Chi bằng ở vậy cho xong? Chi bằng lấy chồng nghèo bình dân? Chi bằng đồng sàng dị mộng, ôm một mối tình xưa vò võ suốt đời?

Tôi không biết nữa. Tôi không giống mẹ. Tôi cũng chẳng giống dì. Tôi mang trong mình dòng máu nam bắc. Tôi lớn lên giữa ruộng đồng cây cối, được mẹ cho đi học, đi làm. Tôi có nghề nghiệp, cơ hội và ước mơ của mình. Tôi cũng có mối tình đầu thơ thẩn giống dì, nhưng chắc chắn, tôi sẽ không để bóng ma vật vờ của quá khứ che lấp đi hạnh phúc thực của đời mình. Tôi càng không muốn trải những năm tháng vò võ khốn khổ như mẹ, tự ru ngủ bằng những lời bâng quơ của thiên hạ, rằng mình giỏi, mình đẹp, mình sung sướng, mình đáng ghen tỵ…

Không bao giờ.

Dù chồng sắp cưới của tôi đã xa gần mở lời rằng, hay là cưới xong em ở nhà làm dâu, sinh cho anh mấy đứa trẻ đẹp đẽ. Đi làm chi cho cực, lương tháng có đáng là bao… Tôi nghe xa xăm trong giọng nói của anh đã có chút hơi hướm áp đặt. Chợt hình dung ra đoạn đường phía sau đầy thắc thỏm mà lo, mà sợ, mà phân vân chẳng biết tính sao cho vẹn. Tình yêu phải có ngưỡng mộ tôn thờ và cả chịu đựng nữa, thật sao?

Ngày mai, tôi theo chồng rồi. Đừng vì sĩ diện mà chịu đựng cả đời như mẹ, nha con. Cố gắng mà nắm giữ hạnh phúc của mình, chớ nên viển vông những điều không thật, nghe con. Lời dặn của mẹ, của dì văng vẳng bên tai…

HOÀNG MY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quà tết dành cha mẹ

Từ nay em nghĩ “thoáng” rồi. Tết lo ít thôi, để còn du xuân, thong dong đây đó. Năm nay cả nhà đi du lịch một chuyến dịp tết.

Quà tết dành cha mẹ
Niềm tự hào của mẹ

Thấm thoát đã gần ba năm tôi xa nhà, xa quê hương, vào nhận công tác tại Huế. Mới ngày nào đó tôi nhận quyết định đi đơn vị mớ...

Niềm tự hào của mẹ
37 năm & vẹn nguyên một cảm xúc

Mưa bão là “đặc sản” của xứ Thừa Thiên này. Nó không hề xa lạ bởi năm nào không hẹn nhưng cũng đều đặn đến.

37 năm  vẹn nguyên một cảm xúc
Return to top