ClockThứ Năm, 14/03/2019 14:22

Môi trường sống của “cò”

TTH - Không hiểu xuất phát từ đâu, trong “tiếng lóng” của người Việt có từ “cò”. Phổ biến nhất, ai cũng biết, đó là cò đất, cò vé, cò xe… Đó là “cò cũ”. Sau này, xuất hiện nhiều loại cò mới, thậm chí là cò bệnh viện, trường học, làm các thủ tục giấy tờ; cò chức vị…

Đẩy lùi tệ nạn xã hộiXã hội hóa dịch vụ công: Không chỉ là giáo dục, y tế!

Thật ra, bản chất của cò chẳng qua là một khâu trung gian, kết nối các nhu cầu. Dễ thấy nhất là trong thương mại. Thương mại của Việt Nam ta không phải chỉ có một khâu trung gian mà rất nhiều khâu trung gian. Chúng ta thường hay nghe từ thương lái. Người nông dân nuôi được con gà, con lợn, qua thương lái để đến chợ, đến lò mổ. Rồi từ đây lại qua một khâu trung gian phân phối nữa. Chưa hẳn như thế đã đến tay người tiêu dùng mà có thể phải qua chị bán gà, anh bán thịt ở chợ… Cái bất lợi của khâu phân phối trung gian này là làm “đội chi phí cho sản phẩm cuối cùng”. Mua một con gà ở nhà người nông dân có thể chỉ một trăm ngàn nhưng khi xuống chợ, đến tay người tiêu dùng đã nâng lên mấy chục phần trăm. Với nền thương mại của Việt Nam, không có khâu trung gian đôi lúc hàng hóa không được phân phối một cách trôi chảy. Không có thương lái, chưa hẳn người nông dân làm ra sản phẩm đã biết bán ở chỗ nào.

Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, cò là cần thiết, mang ý nghĩa tích cực. Cò là khâu trung gian kết nối hai hoặc nhiều nhu cầu. Tôi có nhu cầu bán nhưng không biết bán ở đâu, hoặc không có điều kiện để đi bán trực tiếp, hoặc bán trực tiếp chưa chắc gì lợi hơn qua khâu trung gian (ví dụ như bán vài con gà nhưng mất một ngày công). Bạn muốn mua một sản phẩm, dịch vụ nhưng không biết mua ở đâu. Nhiều nước công nghệ phát triển đã “đón lõng” nhu cầu này để phát triển thương mại điện tử và trở nên giàu có. Nhiều tỷ phú trên thế giới đã sở hữu một chợ thương mại điện tử khổng lồ.

Như vậy, xét về nguyên lý, cứ có nhu cầu kết nối là có điều kiện để phát trung gian. Nhưng còn một điều kiện khác nữa, là người có nhu cầu kết nối không kết nối được và nếu được thì có thể sẽ không tốt hơn, không đạt kết quả cao hơn người khác, tức là người trung gian.

Mặt tích cực, thuận lợi, cần thiết của khâu trung gian là như trên đã nói. Nhưng đó là trung gian minh bạch. Còn có những trung gian không tích cực, không minh bạch, dấu nhẹm, thụt thò… đó chính là… "cò”. Tôi muốn làm một thẻ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) phải qua nhiều cấp địa chính, từ xã đến huyện với nhiều thủ tục: đo đạc, xác nhận không tranh chấp… Bây giờ nhờ cải cách thủ thục hành chính nên có "một cửa" để nộp rồi yên tâm đợi chứ trước đây là phải chạy hết cửa này đến cửa khác, và mỗi cửa có những khó khăn nhất định nên có khi gửi gắm cho một người “thạo việc” còn hay hơn. Và tất nhiên phải tốn một khoản chi phí nhất định. Chính cái chi phí ngầm này, tức là người cung cấp dịch vụ có lợi nên chuyện gây khó dễ để “đi đường vòng”, “thông qua cò” là lẽ đương nhiên. Điều này là không minh bạch, không được làm nhưng nó vẫn diễn ra, ở rất nhiều lĩnh vực. Muốn con vô lớp một trường này trường kia, qua cò cho chắc. Có quen biết với người có quyền quyết định đấy nhưng ai dám nhận “bồi dưỡng”, “ơn nghĩa” của anh. Mà không nhận thì mất phần. Cò sẽ xuất hiện đúng lúc, và ai cũng hài lòng…

Nhìn vào thực tế đời sống thấy có nhiều lĩnh vực phát sinh những nhu cầu như vậy lắm. Thường là nơi cung cấp các loại dịch vụ công, cho nên cò cũng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực.

Nguyên nhân thì đã rõ, luật lệ chưa có thể bịt kín tệ nạn này. Cán bộ công chức, viên chức chưa phải là đã trong sáng cả, đó là chưa nói đến chuyện cố tình làm khó dễ để vòi vĩnh. Dịch vụ công chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân… Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là không minh bạch. Xin nêu một ví dụ thế này thôi. Như một trường tiểu học, năm học này chỉ đáp ứng đủ điều kiện nhận trái tuyến 10 cháu thôi. Minh bạch ra chỉ tiêu này. Minh bạch cả tiêu chuẩn (chính đáng để xét, ví dụ như 10 tiêu chuẩn). Ai được sẽ phải có trách nhiệm đóng góp bao nhiêu tiền. Thế thì làm gì có cò xuất hiện?

Cho nên, muốn dẹp nạn cò, ngoài những điều kiện khác thì có một điều kiện tiên quyết là phải công khai, minh bạch. Cò có thể giải quyết một nhu cầu nào đó của người dân, nhưng vì tính không chính đáng nên cò có thể làm tha hóa cán bộ; làm rối các thủ tục; làm cản trở các bước phát triển.

Cứ thử hỏi mười người dân có cần cò không? Chắc cả mười bảo rằng không. Nhưng ai thay thế được công việc của cò?  Đó là bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực hiệu quả, hướng đến phục vụ chuyên nghiệp các nhu cầu chính đáng của người dân.

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

TIN MỚI

Return to top