|
Khách du lịch tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN |
Sự cải thiện này khiến các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ củng cố sự phục hồi kinh tế mong manh.
Tuy nhiên, cũng theo cuộc khảo sát nói trên, chỉ số niềm tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn đã giảm lần đầu tiên sau 4 quý, một phần do sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất ô tô.
Kết quả này nằm trong số các yếu tố mà BoJ sẽ xem xét kỹ lưỡng trong cuộc họp tiếp theo, dự kiến diễn ra từ ngày 25 - 26/4, khi ngân hàng này đưa ra dự báo mới về lạm phát và tăng trưởng hàng quý.
Các dự báo trong tháng 4 sẽ thu hút sự chú ý của thị trường về bất kỳ dấu hiệu nào về việc BoJ có thể tăng lãi suất trở lại, sau khi kết thúc chương trình kích thích khổng lồ hồi tháng trước.
Theo cuộc khảo sát Tankan, chỉ số tâm lý đối với các nhà sản xuất lớn đứng ở mức +11 điểm trong tháng 3/2024 từ mức +13 điểm được ghi nhận trước đó vào tháng 12/2023, so với dự báo trung bình của thị trường là +10 điểm.
Trong khi đó, chỉ số đánh giá tâm lý của các nhà phi sản xuất lớn đã cải thiện lên +34 điểm trong tháng 3 năm nay, từ mức +32 điểm của 3 tháng trước đó, vượt dự báo thị trường là +33 điểm.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, một quan chức của BoJ cho biết, đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1991, khi nền kinh tế Nhật Bản bùng nổ từ bong bóng tài sản tăng cao, và được thúc đẩy bởi sự gia tăng về du lịch trong nước, cũng như sự thúc đẩy đối với lợi nhuận doanh nghiệp nhờ việc tăng giá.
Trong một nhận định liên quan, ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin cho rằng: “BoJ có lẽ sẽ tiếp tục sự tự tin về tâm lý lĩnh vực dịch vụ… và có thể tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay, nếu tốc độ tăng lương được thúc đẩy”.
Cũng theo cuộc khảo sát nói trên, các doanh nghiệp lớn dự kiến sẽ tăng chi tiêu vốn thêm 4% trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 4 này, so với dự báo trung bình với mức tăng 9,2%.
Đối với dự báo trong 3 tháng tới, các nhà sản xuất và phi sản xuất lớn đều dự báo tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một quan chức của BoJ cho hay, một số doanh nghiệp lo lắng về sự bất ổn kinh tế toàn cầu và triển vọng về chi phí lao động tăng cao do thị trường việc làm bị thắt chặt.
Nền kinh tế Nhật Bản đã ghi nhận mức tăng trưởng thường niên ở mức 0,4% trong quý cuối cùng của năm ngoái. Các nhà phân tích dự báo, nền kinh tế nước này sẽ hầu như không tăng trưởng trong quý đầu tiên, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao tác động đến tiêu dùng và sự gián đoạn sản lượng tại một số nhà máy ô tô đè nặng lên sản xuất công nghiệp.
Đáng chú ý, tâm lý kinh doanh và nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp là chìa khóa quyết định liệu nền kinh tế Nhật Bản có thể duy trì sự phục hồi vừa phải, và cho phép ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất một lần nữa hay không.