ClockThứ Tư, 16/11/2016 05:46

Nắm bắt lợi thế địa phương để làm kinh tế

TTH - Ở xã Vinh Thanh (Phú Vang), nhiều thanh niên đã làm giàu nhờ phát huy lợi thế của địa phương. Hầu hết họ sinh ra trong những gia đình nhà nông, hoàn cảnh khó khăn.

Mạnh dạn + ý chí = thành công

Cùng vợ làm chủ tiệm may lớn ở thôn 6, xã Vinh Thanh, thu nhập có dư sau khi trang trải cho cuộc sống một gia đình 4 người, thế nhưng, cái duyên với nghề nông đã đưa anh Nguyễn Công Kỳ, sinh năm 1982, đến với những mô hình kinh tế hay.

Nguyễn Công Kỳ với đàn gà của mình

Nghề thợ may “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, nhưng tâm trí Kỳ luôn nghĩ đến những khu đất chưa được sử dụng để cỏ mọc. Sau một thời gian tìm hiểu, Kỳ quyết định thuê 6 sào ruộng hoang hóa để trồng sen. Việc trồng sen không khó, chỉ mất công ban đầu nạo vét ao; mỗi vụ bỏ phân, bón phân từ 2 đến 3 đợt. Vụ đầu tiên Kỳ lãi ròng 20 triệu đồng, số tiền không lớn nhưng chứng minh hướng đi của mình đúng, anh nhân rộng diện tích trồng sen lên thành 3 mẫu. Năm 2013, Vinh Thanh gần như trắng giống sen vì ốc bươu vàng phá hoại. Trong lúc mọi người định bỏ cuộc anh lại lặn lội khắp nơi tìm mua giống và quyết định mua 1 sào ruộng sen ở Vinh An với giá 10 triệu đồng để lấy giống. Cách làm đó giúp anh đủ giống trồng sen đúng vụ và có lời nhờ cung cấp sen giống cho mọi người. Cũng năm đó, thời tiết hạn hán, hồ khô nước đúng thời điểm sen phát triển. Một lần nữa người trồng sen bỏ cuộc thì Kỳ lại đầu tư hơn 10 triệu đồng khoan giếng cứu sen. Kết quả năm đó anh bội thu nhờ giá sen cao.

Từ nạn ốc bươu vàng, anh quyết định nuôi vịt để tận dụng ấu trùng, trứng ốc và các loại côn trùng gây hại cho sen làm thức ăn cho vịt; đồng thời, kết hợp nuôi gà trong trại giữ sen, tận dụng thời điểm ruộng cạn, đàn gà có thể làm đất tơi xốp trong lúc tìm thức ăn. Nhờ những tính toán khoa học, mỗi năm trừ chi phí, anh Kỳ lãi ròng 300 triệu đồng từ các nguồn thu sen, gà, vịt. Anh thổ lộ: “Làm nông giờ không vất vả như xưa. Với tôi càng nhẹ nhàng hơn khi xem sen là cây cảnh, gà vịt là thú cưng. Điều kiện làm kinh tế tại quê hương còn nhiều lắm, mạnh dạn và có ý chí là 2 yếu tố cần thiết để quyết định phần thắng”.

Không đâu làm kinh tế dễ như ở nhà

Học hết lớp 11, Đỗ Văn Luấn nghỉ học bôn ba tìm việc. Hai năm sau anh quyết định trở về quê phát triển kinh tế. Đến nay, anh đã làm chủ trang trại với hàng ngàn con gà và một hồ nuôi tôm.

Ông chủ trẻ Đỗ Văn Luấn trong trại gà của mình

Năm 2013, được người thân nhường cho một hồ nuôi tôm, Luấn mạnh dạn mượn mẹ gần 30 triệu đồng đầu tư nạo vét hồ và thả con giống. Vụ đầu tiên trả nợ và trừ chi phí thức ăn còn lãi 20 triệu đồng. Thành công bước đầu nhưng Luấn không chủ quan, vừa học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, vừa dành thời gian nghiên cứu để nắm vững kỹ thuật. Nhờ đó, hồ tôm của Luấn ít gặp rủi ro. Trong lúc chưa thuê được hồ để mở rộng diện tích nuôi tôm, được sự khuyến khích của các bạn trong đoàn thanh niên, Luấn tận dụng khu đất của gia đình, tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của mẹ xây dựng trại gà hết 200 triệu đồng. Nhà đông người, trại gà của Luấn đã tận dụng được thời gian rảnh rỗi của các thành viên. Một lợi thế nữa là sự nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm của những người đi trước và sự ủng hộ của chính quyền địa phương giúp Luấn tự tin. Sau 4 vụ thu hoạch, anh đã hoàn vốn cho mẹ và bắt đầu nghĩ đến những mô hình mới.

Ước mơ của Luấn là mở rộng thêm 4 hồ tôm và nghiên cứu để phát triển thêm trại bò. Anh tâm sự: “Đi xa rồi mới thấy không đâu làm kinh tế dễ như ở nhà. Vừa có sự hỗ trợ của người thân, vừa được chính quyền khuyến khích… chỉ cần có quyết tâm và đam mê thì nắm chắc phần thắng”.

Biến ước mơ thành hiện thực

Năm 2005, chỉ với 10 triệu đồng nhờ ba mẹ vay vốn ngân hàng, Đỗ Văn Bằng, sinh năm 1986 mở tiệm điện cơ. Trải qua nhiều khó khăn, giờ đây cơ sở của anh là địa chỉ tin cậy cho nhiều người dân Vinh Thanh.

“Ông chủ” Bằng vừa sửa chữa máy móc vừa cung cấp hàng hóa

Hồi nhỏ, thấy ba cứ rên rỉ cái mô tơ trong máy bơm nước hư hoài, ước mơ trở thành người thợ điện cơ trong Bằng cứ lớn dần. Anh trải lòng: “Học nghề thì lấy công làm học phí. Ra nghề mở tiệm không nặng tiền thuê mặt bằng, máy móc, không cần nhiều vốn là những lợi thế của thanh niên nông thôn khi khởi nghiệp. Hơn thua nhau là ở cái tâm và chữ nhẫn”.

Những ngày đầu làm chủ, đã có lúc thu nhập không đủ ăn. Không nản, Bằng làm thuê nghề khoan giếng để giữ nghề điện cơ. Thu nhập ổn định, anh tập trung phát triển cửa tiệm và mở rộng dịch vụ cung cấp vật tư phục vụ nghề điện cơ và khoan giếng; đồng thời, tập trung nâng cao tay nghề, tạo chữ tín với khách hàng. Đặc thù của công việc bận rộn vào mùa nắng, không chỉ người nông dân có nhu cầu sửa mô tơ mà nhiều ngành nghề khác cũng cần đến người thợ điện cơ như ngư dân muốn kiểm tra máy phát điện, máy bơm nước cho những con tàu trước khi vươn khơi; thợ xây thì cần sửa máy tời, máy trộn bê tông… Mùa đông công việc ít, anh đầu tư mua vật tư chuẩn bị những công đoạn cứng để mùa hè kịp phục vụ khách hàng.

Trừ chi phí, Bằng tích lũy gần 200 triệu đồng/năm. Đến nay, anh đã xây được nhà khang trang vừa ở vừa làm cơ sở kinh doanh. Cơ sở của anh luôn đào tạo miễn phí từ 5 đến 7 thanh niên. Mỗi tháng anh còn hỗ trợ từ 500 đến 1 triệu đồng/1 học trò tùy theo sự siêng năng và khả năng tiếp thu công việc của các em.

Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xã Vinh Thanh, anh Nguyễn Hồng Vinh cho biết: “Những đoàn viên như Kỳ, Bằng và Luấn góp phần khơi dậy tinh thần xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế ở địa phương. Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao do người trẻ tuổi làm chủ ở địa phương ngày càng phát triển nhiều. Họ là những quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Return to top