ClockThứ Tư, 24/01/2018 05:31

Nặng lòng với Huế

TTH - “Nặng lòng với Huế” là tên một trong ba cuốn sách nhà văn Trần Phương Trà (tức Trần Nguyên Vấn) gồm 34 chân dung văn nghệ sĩ, trong đó có nhiều tên tuổi của Huế, như Tố Hữu, Trần Hoàn, Thanh Hải, Thanh Tịnh, Phùng Quán, Nguyễn Tuyến Trung (tức Nguyễn Kim Cúc)… Hai cuốn còn lại là “Về giữa lòng quê” và “Từ trường Quốc Học Huế”. Bộ ba tuyển tập dày gần một ngàn trang, vừa ra mặt bạn đọc những ngày đầu Xuân 2018.

Ý tưởng gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2017Hát về Huế giữa biển trời Trường SaDâng hương và kỷ niệm 228 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đếLuôn chào đón các nhà đầu tư đến HuếCa Huế - Nghe để nhớ

Bộ sách “Nặng lòng với Huế”

Trong cuộc đời 80 năm của mình, Trần Phương Trà chỉ ở quê (làng Trúc Lâm, phường Hương Long) thời trẻ, đến năm anh 17 tuổi (1954) ra học Trường Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An), rồi công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, cho mãi đến nay vẫn “định cư” tại Hà Nội, nhưng nhờ có 6 năm (1967-1973) đi “B” - làm phóng viên chiến trường Trị Thiên và sau ngày nghỉ hưu, hoạt động trong Hội Đồng hương Thừa Thiên Huế và Ban liên lạc Quốc Học Huế tại Hà Nội, nên có điều kiện thuận lợi tìm hiểu nhiều mặt hoạt động, nhiều nhân vật ở Huế. Đến nay, ngoài gần chục sách xuất bản riêng, Trần Phương Trà còn bỏ rất nhiều công sức chủ biên 13 cuốn sách viết về Huế, trong đó có 2 tập “Quốc Học Huế xưa và nay” dày 1.600 trang và nhiều cuốn có giá trị khác, như “Huế giữa lòng Hà Nội”, “Các danh tướng và dòng sông quê hương”, “Với Huế gừng cay muối mặn”…

Phải là người nặng lòng với Huế lắm mới làm được hàng vạn trang sách về Huế như thế. Có dạo, nghe tin anh bị ngã, chân phải bó bột, nhưng vết thương chưa lành đã thấy anh mang sách mới vào Huế. Cũng có thể nói, ít người Huế ở xa Huế mà nặng lòng với Huế như anh Trần Phương Trà, ít người “tuyên truyền” giới thiệu con người, văn hoá lịch sử Huế nhiều như anh Trần Phương Trà.

Chỉ riêng với bộ tuyển 3 cuốn vừa xuất bản đã chất chứa một khối lượng tư liệu rất phong phú, sinh động, giúp người đọc hiểu thêm nhiều mặt cuộc sống trong suốt một thế kỷ vừa qua. Tư liệu lịch sử, văn hoá qua những trang viết của tác giả hầu hết thông qua những nhân vật cụ thể, trong đó có rất nhiều người nổi tiếng, nên có sức truyền cảm và tính thuyết phục cao. Cùng với 34 chân dung văn nghệ sĩ trong cuốn “Nặng lòng với Huế” đã dẫn, cuốn “Từ trường Quốc Học Huế” tiếp tục giới thiệu với độc giả hàng chục nhân vật lịch sử, trí thức nhiều thế hệ đã trưởng thành từ ngôi trường này, như đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Khương Hữu Dụng, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Thâm, các trí thức tên tuổi, như PGS. Vũ Ngọc Khánh, các kỹ sư Lê Tâm, Trần Đăng Nghi…

Cũng có nhân vật là người dân bình thường, sống thầm lặng ở Kim Long mà cuộc đời gia đình cụ là minh chứng cho cả một chặng dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và tinh thần yêu nước cao cả của người dân xứ Huế. Đó là “Cụ Võ Thị Diệp tuổi thọ tròn trăm” (in trong cuốn “Về giữa lòng quê”) còn gọi là cụ Viên Tần, có 6 người con thì 5 người con trai đều thoát ly tham gia cách mạng, đều là đảng viên; 2 con trai là Trần Hữu Liên và Trần Hữu Độ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp; con rể của bà là Nguyễn Xuân Viêm, Trưởng Công an Gio Linh, hy sinh tại Quảng Trị năm 1947; anh Liêm, người con trai thứ hai của cụ vào Đảng từ năm 1936, hai lần vượt ngục, trở về làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Hương Trà, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ở lại hoạt động vùng núi với tên Ra Đàng, chịu đựng vô vàn gian khó để xây dựng phong trào ở vùng dân tộc Pa Cô, Tà Ôi…, anh hy sinh năm 1970 trong một trận bom B.52, khi chưa lập gia đình, dù đã 52 tuổi. Người con cả của cụ là ông Trần Mạnh Cát, hoạt động cùng thời với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, sau bao nhiêu tù đày, tập kết ra Bắc rồi về lại quê hương công tác ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên, ngày Huế giải phóng, ông là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Giải phóng Thừa Thiên  Huế… Những người con ưu tú của gia đình 5 thế hệ nối tiếp nhau - ngũ đại đồng đường - ở Kim Long còn cả một danh sách dài. Bài viết từ mùa Xuân Tân Mùi-1991, sau khi đồng chí Lê Tư Sơn thay mặt lãnh đạo tỉnh đến mừng thọ cụ 100 tuổi. 18 mùa Xuân đã qua từ ngày ấy. Cho dù cụ đã ở “cõi khác” thì di sản cụ để lại cho gia tộc và quê hương là vô giá.  

Có thể anh Trần Phương Trà ra bộ sách để “tổng kết” cuộc đời cầm bút, đồng thời “tự kỷ niệm” mình lên tuổi bát tuần nên đều là chuyện “ngày xưa”, nhưng tình cờ, một số bài viết trong bộ sách, đặc biệt là bài đầu tiên trong cuốn “Về giữa lòng quê” lại rất có tính thời sự, tưởng như anh vừa viết để kỷ niệm 50 năm sự kiện Tết Mậu Thân-1968. Đó là bài “Về với Huế, Xuân 1968”. Là người trong cuộc, anh Trần Phương Trà là một trong số nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ, từ chiến khu Thừa Thiên được Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế cử về tham gia chuẩn bị cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân tại Huế, nên bài viết đã cho chúng ta “sống” lại những giờ phút hào hứng ngay từ lúc khởi đầu chiến dịch như việc các nhà in báo “Quyết thắng” của Ban Tuyên huấn Khu ủy, nhà in báo “Quân giải phóng” của Quân khu, nhà in báo “Cờ giải phóng” của Thành ủy Huế hối hả làm việc suốt ngày đêm để in báo và tài liệu đưa về Huế và Quảng Trị, rồi các lớp học chính trị  và quân sự quán triệt nhiệm vụ chiến dịch… Chúng ta có dịp gặp lại hầu hết tên tuổi quen biết trong... đội quân Ban Tuyên huấn, từ các “thủ trưởng” Lê Chưởng, Trần Hoàn đến các anh Hồ Như Ý, Nguyễn Sự, Thanh Hải, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Lê Minh Trường, Vũ Ngàn Chi, Thuận Yến…

Mà đâu chỉ bài viết nhắc đến sự kiện Tết Mậu Thân 1968 mới có “tính thời sự”. Trước cuộc sống xoay chuyển đến chóng mặt với không ít giá trị đang bị “đo đếm” lại, khi việc xây dựng đạo đức, tư cách con người và gìn giữ bản sắc dân tộc đang ngày càng được chú trọng như hiện nay, thì mấy chục nhân vật, với những cống hiến và nhân cách đáng trân trọng được nhà văn Trần Phương Trà giới thiệu trong bộ tuyển 3 tập gần ngàn trang, vừa xuất bản có thể xem là những tấm gương sáng mà mỗi chúng ta có thể soi chiếu ngày ngày để hoàn thiện mình…

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top