ClockThứ Ba, 22/11/2016 13:54
CHỈNH TRANG, CẢI TẠO CHUNG CƯ ĐỐNG ĐA:

Nên công khai phương án sử dụng diện tích lấn chiếm sau giải tỏa

TTH - Sau khi có kết luận của thanh tra xây dựng về hiện trạng chung cư Đống Đa, TP. Huế có chủ trương xử lý các công trình xây dựng, cơi nới vi phạm tại chung cư này.

 Bộ dạng bên ngoài chung cư Đống Đa

Chủ yếu do lịch sử để lại

Đưa vào sử dụng sau năm 1975, chung cư Đống Đa gồm 5 dãy nhà với 219 căn hộ, tổng diện tích sử dụng 7.971m². Đến nay, các dãy nhà đều xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cho các hộ sinh sống.

Theo kết luận thanh tra toàn diện chung cư Đống Đa của Thanh tra Sở Xây dựng, phần diện tích sử dụng chung do không được khảo sát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng và thực hiện quy trình bảo trì nên đã xuống cấp. Tại khu E3, dầm, cột khu vực cầu thang xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm có khả năng ảnh hưởng đến an toàn mặt ngoài bị hoen rỉ, trụ đỡ xuất hiện vết nứt dài từ 75cm đến 80cm, bề rộng 3mm đến 8mm…) Phần diện tích sử dụng riêng, do phần lớn các chủ sở hữu đã tiến hành tu sửa nên chưa đánh giá được mức độ hư hỏng.

Tại chung cư Đống Đa, tình trạng cơi nới lấn chiếm vi phạm trật tự đô thị diễn ra khá phổ biến. Một số hộ dân sống từ tầng 2 trở lên tiến hành che chắn ban công bằng khung sắt, sàn đóng bằng gỗ hoặc bằng sắt, mái lợp tôn có vị trí cơi nới vươn ra bên ngoài từ 0,6m đến 1,2m, sử dụng làm sân phơi hoặc nơi chứa đồ đạc, không đảm bảo an toàn và gây mất mỹ quan đô thị.

Theo ông Văn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận, việc cơi nới lấn chiếm đất lưu không của các dãy nhà diễn ra từ lâu, một số trường hợp mới cải tạo lại phần lấn chiếm trước đó. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời kỳ bao cấp khó khăn, chính quyền tạo điều kiện cho người dân tăng gia sản xuất ở khu vực đất trống giữa các dãy nhà, sau này người dân xây dựng nhà ở, nhà kho, chỗ để xe. Một số căn hộ từ tầng 2 trở lên có từ 2 đến 3 thế hệ cùng sinh sống, không gian chật hẹp nên một số hộ tiến hành cơi nới phần không gian phía sau nhà để phơi quần áo...

Theo biên bản kiểm tra về phòng cháy chữa cháy của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vào cuối năm 2015, đường giao thông cho xe chữa cháy hoạt động giữa các khối nhà (A, B), (B, C) không đảm bảo chiều rộng (trên 3,5m), chiều cao thông thủy (trên 4,5m) do các hộ xây dựng trái phép, cơi nới, lấn chiếu để kinh doanh, câu móc dây điện, cáp viễn thông, truyền hình. Hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà, các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy chưa được đầy đủ, lắp đặt theo quy định. Hệ thống điện còn đấu nối lắp đặt tùy tiện chung với hệ thống dây điện thoại, cáp trên lối thoát nạn ở cầu thang, nhất là ở các cầu thang khu A, D. Khu vực lan can của các căn hộ do cơi nới, rào chắn bảo vệ không đảm bảo phòng cháy, cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố…

Cần lấy ý kiến cư dân

Sau khi có kết luận thanh tra toàn diện chung cư Đống Đa và ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, phường Phú Nhuận đã có thông báo yêu cầu các gia đình tiến hành tháo dỡ phần công trình xây dựng cơi nới, lấn chiếm trước 30/10/2016. Quá thời hạn nêu trên, các hộ không tự giác tháo dỡ phần xây dựng trái phép và lấn chiếm, phường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, khi phường và tổ dân phố Đống Đa tiến hành cuộc họp triển khai thông báo trên, người dân tỏ ra rất bất bình.

Phương pháp xác định tỷ lệ chất lượng còn lại nhà ở theo Thông tư Liên bộ số 13/LB-TT ngày 18/8/1994 đánh giá bằng phương pháp trực quan, mức độ hư hỏng xuống cấp của chung cư Đống Đa nằm trong khoảng từ 66 đến 68%. Sở Xây dựng đang lập phương án và kế hoạch kiểm định chất lượng khu chung cư Đống Đa với kinh phí khoảng 600 triệu đồng; dự kiến sẽ triển khai trong cuối năm 2016.

Tại các văn bản gửi cơ quan chức năng, bà Đinh Thị Búp, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban quản trị chung cư Đống Đa cho hay: Đa số người dân đều thống nhất ủng hộ chủ trương chỉnh trang khu chung cư Đống Đa. Tuy nhiên, cần xây dựng phương án hỗ trợ hợp lý trên cơ sở luật pháp và cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích của người dân. Phần cơi nới chủ yếu do lịch sử để lại. Đến thời kỳ đổi mới, do ô nhiễm, dịch bệnh nên không còn tiếp tục chăn nuôi mà cải tạo thành các nhà để xe, nhà kho, nếu bây giờ giải tỏa, bà con biết để xe, các vật dụng gia đình ở đâu, trong khi căn hộ chỉ có 16m2 đến 30m2 mà có tới 2, 3 thế hệ cùng sinh sống. UBND tỉnh, thành phố cần tiến hành đối thoại trực tiếp với cư dân, công khai phương án sử dụng diện tích sau giải tỏa cho người dân biết, có phương án xây dựng nhà giữ xe để bảo quản tài sản cũng như hỗ trợ người dân.…

Theo ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, muốn thực hiện công tác chỉnh trang hay cải tạo chung cư Đống Đa cần giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm và cơi nới của người dân. Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh bàn giao công tác thực hiện chỉnh trang, cải tạo chung cư Đống Đa lại cho Sở Xây dựng quản lý, nhưng đến nay chưa có thông báo đồng ý.

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND phường Phú Nhuận cho biết: Hiện, phường đang lập danh sách 122 hộ lấn chiếm, phân loại theo từng thời kỳ cụ thể để có hướng đề xuất và phương án xử lý với từng đối tượng cụ thể. Trong đó, sẽ tập trung vận động các hộ lấn chiếm tự tháo dỡ. Chúng tôi rất mong tỉnh sớm tiến hành kiểm định chất lượng chung cư để kịp thời cảnh báo nguy cơ, kêu gọi nhà đầu tư có năng lực sớm thực hiện chỉnh trang. Trong quá trình triển khai cần lấy ý kiến các hộ dân để tạo sự đồng thuận.

HOÀNG LOAN

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang

Ở huyện Quảng Điền hiện còn hơn 6,5km đê ven phá Tam Giang bán kiên cố, được đắp bằng đất tạm thời, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Nhiều hồ, đập xuống cấp: Cần giải pháp đảm bảo an toàn

Qua kiểm tra, một số hạng mục của hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp. Đặc biệt, công tác kiểm định an toàn hồ, đập thủy lợi đang còn bị bỏ ngỏ.

Nhiều hồ, đập xuống cấp Cần giải pháp đảm bảo an toàn
Không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”

Một vấn đề “không bình thường” là mỗi khi có sự việc nghiêm trọng nào đó xảy ra, có chỉ đạo của cấp trên thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý. Không phải đến vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở phường Khương Đình, quận Thanh xuân, Hà Nội ngày 12/9 vừa qua, mà có nhiều vụ việc tương tự khác cũng như vậy. Chỉ đến khi xảy ra người ta mới chạy theo khắc phục thì đã quá muộn.

Không thể để “mất bò mới lo làm chuồng”

TIN MỚI

Return to top