|
Một đoạn đê đắp bằng đất |
Những ngày này, các địa phương đang tất bật xuống đồng gieo cấy vụ lúa đông xuân 2023-2024. Trong niềm vui thời tiết khá thuận lợi đầu vụ thì người dân một số địa phương của huyện Quảng Điền vẫn âu lo trước tuyến đê ven phá, bảo vệ mùa màng chỉ đắp tạm bằng đất cát thiếu kiên cố. Trên tuyến đê này, chúng tôi chứng kiến một số điểm bị xói lở nặng sau các đợt lũ cuối năm vừa qua.
Ông Phan Đăng Thành ở xã Quảng Lợi bảo, tuyến đê này có vai trò ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ mùa màng và khu dân cư cho các xã Quảng Lợi, Quảng Thái với chiều dài hơn 6,5km. Tuyến đê xây dựng thiếu kiên cố nên thường bị xói lở, hư hỏng trong mùa mưa lũ. Cứ sau mỗi mùa lũ, chính quyền địa phương và người dân lại mất nhiều thời gian, công sức để gia cố tạm thời phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo UBND xã Quảng Lợi, đoạn đê này có vai trò quan trọng, bảo vệ hàng trăm ha lúa, rau màu tại địa phương. Ngoài sản xuất nông nghiệp, tuyến đê còn góp phần ngăn lũ, bảo vệ hạ tầng, các công trình giao thông, thủy lợi và khu dân cư trên địa bàn xã Quảng Lợi trong mùa mưa lũ.
Ông Đặng Công Lắm, chuyên viên phụ trách thủy lợi - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền thông tin, đê ngăn mặn tây phá Tam Giang đi qua địa bàn huyện Quảng Điền dài gần 21,5km. Từ nguồn ngân sách nhà nước, thời gian qua huyện đã đầu tư xây dựng kiên cố tuyến đê ngăn mặn, giữ ngọt, kết hợp giao thông đi lại với chiều dài khoảng 15km. Đoạn còn lại hơn 6,5km đến nay vẫn chưa được xây dựng do thiếu vốn đầu tư.
Đoạn đê tạm này đi qua địa bàn hai xã Quảng Thái, Quảng Lợi, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn xã Quảng Lợi. Kết cấu đê bán kiên cố, được đắp bằng đất tại chỗ, mái ngoài phá được kè lát bằng đá hộc, mặt đê và mái đê phía đồng được trồng cỏ bảo vệ. Do đoạn đê này được xây dựng từ lâu thuộc dự án PAM 4617 giai đoạn 1990-1995, kết hợp với mùa bão, lũ hằng năm làm xuống cấp, hư hỏng nặng.
Sau mùa mưa lũ năm 2023, do tác động của nước lũ tràn qua đê, kết hợp triều cường và gió mạnh từ phá Tam Giang làm đoạn đê này càng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Phần mái đê kè lát bảo hộ bằng đá hộc lát mặt ngoài phá Tam Giang bị hư hỏng và biến dạng nhiều điểm. Mặt đê và mái đê phía đồng bị bào mòn và sạt lở với chiều cao bình quân 0,35m trên toàn tuyến.
Trong khi nguồn vốn đầu tư xây dựng kiên cố chưa có, huyện Quảng Điền đành phải gia cố tạm thời để phục vụ sản xuất vụ đông xuân và hè thu. Giải pháp trước mắt, các địa phương bố trí nguồn lực, huy động Nhân dân đắp con chạch bằng đất để ngăn mặn từ phá Tam Giang tràn vào đồng ruộng phục vụ sản xuất lúa đông xuân.
Về lâu dài, huyện Quảng Điền đề nghị Nhà nước bố trí ngân sách đầu tư xây dựng kiên cố đoạn đê này đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp trước yêu cầu ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.