ClockThứ Tư, 25/10/2023 06:18

Nhiều hồ, đập xuống cấp: Cần giải pháp đảm bảo an toàn

TTH - Qua kiểm tra, một số hạng mục của hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp. Đặc biệt, công tác kiểm định an toàn hồ, đập thủy lợi đang còn bị bỏ ngỏ.

Nước thượng nguồn tăng nhanh trong đêm, thủy điện Hương Điền xả lũHồ đập điều tiết tăng dung tích phòng lũ Ứng phó vùng áp thấp gây mưa lớn

 Hồ A Lá ở xã A Ngo, huyện A Lưới chưa được kiểm định an toàn

Bỏ ngỏ kiểm định

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ chứa thủy điện, tổng dung tích của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 2 tỷ m3. Trong tổng số 56 hồ chứa nước thủy lợi, có 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa và 30 hồ chứa nước loại nhỏ phục vụ tưới, tiêu cho hơn 60 nghìn ha/năm.

Đối với hồ chứa nước Tả Trạch là công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia nên được Bộ NN&PTNT giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 quản lý, khai thác. UBND tỉnh đã giao Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi tỉnh quản lý 24 hồ chứa nước, còn lại giao cho các địa phương quản lý.

Mới đây, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá 55 hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, một số hạng mục phụ trợ đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí đã xuống cấp. Một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh đã xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt trong đó, các hạng mục mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập của hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2, phần đuôi tràn hồ chứa nước Thủy Yên bị sạt lở và có nguy cơ mở rộng.

Cụ thể, có 5 đập bị thấm nhẹ, 5 đập biến dạng mái như hư hỏng, sạt lở, trượt mái thượng. Kiểm tra tràn xả lũ, hội đồng đánh giá có 7 đập bị nứt nhẹ, 17 đập bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có 5 tràn bị nặng. Đặc biệt, kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay không có hồ đập nào được lập quy trình vận hành cửa van, lập quy trình bảo trì công trình và chỉ 2% số hồ được kiểm định theo quy định (gồm hồ Truồi, Thủy Yên, Khe Ngang, Hoàn Mỹ).

Theo quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, định kỳ 5 năm phải thực hiện kiểm định để phát hiện ẩn họa, khuyết tật công trình. Đánh giá mức độ an toàn đập, hồ chứa nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành, tài liệu khí tượng thủy văn và thay đổi về lưu vực đã được cập nhật. Tuy nhiên, công tác kiểm định hồ, đập thủy lợi hiện nay đang “bỏ ngỏ”.

Đơn cử, hồ A Lá (xã A Ngo, huyện A Lưới), là 1 trong 8 hồ thủy lợi loại lớn của tỉnh. Trận mưa lũ vào tháng 10/2020 đã làm vị trí gần tràn xả lũ của hồ này bị sạt lở khoảng 200m3 đất. Ngay sau sự cố xảy ra, đơn vị quản lý, vận hành hồ A Lá đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp để vận hành an toàn. Tuy nhiên, theo quy định, hồ thủy lợi này phải kiểm định an toàn hồ, đập, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Ngoài ra, hồ chưa xây dựng được quy trình vận hành hồ chứa, quy trình bảo trì, lắp đặt thiết bị và quan trắc công trình…

Hồ Ka Tư ở xã Hương Phú, huyện Nam Đông vừa mới được nâng cấp 

Thiếu kinh phí

Theo Sở NN&PTNT, sau khi Nghị định số 114/2018/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, đơn vị này đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các công văn gửi các địa phương, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa, chủ sở hữu đập triển khai các nội dung quy định tại nghị định, ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện, đôn đốc thực hiện. Tuy nhiên, đến nay một số nội dung quy định tại nghị định các địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ.

Nguyên nhân chủ yếu là do đa số các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu, qua nhiều giai đoạn quản lý khai thác dẫn đến thất lạc hồ sơ, gây khó khăn trong công tác hoàn thiện hồ sơ quản lý đập, hồ chứa nước. Một số nội dung quy định khác như kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ,... cần có kinh phí lớn để triển khai, ngân sách của các địa phương, đơn vị chưa chủ động bố trí để thực hiện.

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi,… trước mùa mưa lũ năm 2023, tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn các công trình đầu mối của đập, hồ chứa nước.

Vận hành thử cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí, kiểm đếm, thay mới, bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế khi có sự cố vận hành và sẵn sàng xử lý sự cố theo phương châm 4 tại chỗ và tổ chức nạo vét khơi thông dòng chảy để đảm bảo khả năng thoát lũ của hồ chứa.

Về lâu dài, các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.

Theo đó, thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng, sự cố ngay từ giờ đầu, giảm thiểu thiệt hại do sự cố gây ra. Đối với cửa van của tràn xả lũ vận hành bằng điện phải có ít nhất hai nguồn điện, trong đó có một nguồn bằng máy phát điện dự phòng.

Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa trong quá trình quản lý, vận hành và khai thác, Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ ngân sách cho tỉnh khoảng 245 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao an toàn đập, hồ chứa nước còn lại trên địa bàn tỉnh.

Sở NN&PTNT yêu cầu đối với hồ chứa nước Thủy Yên, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi có phương án xử lý phần đuôi tràn để hạn chế sạt lở mở rộng, đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa, lũ năm 2023. Đối với hồ chứa nước Bến Ván 1, Bến Ván 2, giao UBND huyện Phú Lộc khẩn trương tiến hành kiểm tra, đánh giá, sửa chữa phần mặt đập, thân đập, mái hạ lưu đập bị sạt lở để đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền

Từ khi mô hình camera giám sát an ninh trật tự (ANTT) được triển khai ở Phong Điền đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

“Mắt thần” đảm bảo an ninh ở Phong Điền
Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác

Mùa hè về, loại hình du lịch sinh thái gắn với tắm suối thác đang thu hút nhiều khách du lịch nội địa. Việc chủ động các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách phải được đặt lên hàng đầu.

Đảm bảo an toàn tại các điểm du lịch suối thác
Return to top