ClockThứ Bảy, 19/06/2010 15:18

Những lưu ý và kinh nghiệm để làm tốt Đề thi Đại học môn Toán

TTH - Kỳ thi đại học đang đến gần, để giúp các em có thể làm tốt đề thi đại học môn Toán và giành được số điểm cao nhất, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn với thầy Nguyễn Hữu Tiến, Tổ trưởng Tổ toán phổ thông, Trường PTTH Quốc học. Kỳ thi đại học đang đến gần, để giúp các em có thể làm tốt đề thi đại học môn Toán và giành được số điểm cao nhất, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc phỏng vấn với thầy Nguyễn Hữu Tiến, Tổ trưởng Tổ toán phổ thông, Trường PTTH Quốc học.
Về những điểm cần lưu ý trong khi làm đề thi môn này, thầy Nguyễn Hữu Tiến cho biết:
 
Để làm bài tốt thí sinh cần chú ý nắm kết cấu của một đề thi. Một đề thi đại học gồm 5 câu. 
 
Câu I là câu “trên từng cây số” tức là thường xuyên có mặt trong mọi kỳ thi, đó là câu khảo sát hàm và các vấn đề liên quan khảo sát hàm. Trong câu này có 2 câu nhỏ: câu 1 trong các kỳ thi đại học đều có là khảo sát thuần túy, học sinh cần nắm được 5 dạng đồ thị chuẩn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định. Câu 2 liên quan đến vấn đề khảo sát hàm số, các em cần nắm các mệnh đề mang tính chất là cực trị hàm số, tính đơn điệu của hàm số, tiệm cận hàm số…
 
Câu II gồm 2 câu nhỏ thường có kết cấu như sau: câu 1 là câu phương trình, hệ phương trình, bất phương trình, hệ bất phương trình… trong đó gồm các dạng đại số tổng hợp hoặc chứa các biểu thức “siêu việt”. Câu 2 “đặc chủng” phương trình lượng giác.
 
Câu III là bài hình học không gian, cần chú ý như sau: giải một bài toán hình học không gian thuần túy thì các em có thể giải bằng cách viết phương trình đường và mặt tìm tương giao; cũng có thể theo hướng thứ hai là giải bằng phương pháp tọa độ. Trong phương pháp này phải định ra hệ trục tọa độ Oxyz trong không gian một cách thích hợp nhằm mục đích để tọa độ các điểm cần biết dễ và gọn.
 
Câu IV gồm câu 1 là 1 bài hình học giải tích: đây là câu “đặc chủng” của lớp 12 (điểm, đường, mặt). Câu 2 là: bài toán về tính tích phân, cần chú ý các phương pháp: đổi biến số, tích phân từng phần, lưu ý sự kết hợp 2 phương pháp.
 
Câu V: có thể là 1 trong 2 giải pháp sau: câu 1 dứt khoát có là câu phân loại mức học sinh mang tính loại bài toán rời rạc (câu này khó). Câu 2: có thể là một trong hai câu sau: câu 1’: đại số tổ hợp (chỉnh hợp, tổ hợp, nhị thức Newton); câu 2’: hệ số phức
Sau khi nắm được kết cấu của một đề thi như trên, các em phải chuẩn bị về mặt tâm thế. Để làm bài thi tốt thì tâm lý thí sinh phải ổn định.
 
Nhiều học sinh học rất giỏi nhưng tâm lý không vững nên vào phòng thi làm trật bậy. Để có tâm lý tốt, các em phải chuẩn bị về sức khỏe và luyện về các 3 mặt: cường độ, trường độ của đề thi và luyện tốc độ làm bài thi. Muốn luyện được điều này thì phải mở đồng hồ ra và quy định cho mình: 15 phút phải “tiêu diệt” được câu này, không cho phép làm 1 câu quá lâu. Phải tập luyện như vậy hàng ngày bởi khi làm một đề thi đại học tư duy thí sinh phải thay đổi liên tục qua đủ các loại kiến thức trong khoảng thời gian ngắn nên nếu luyện được như thế thì sẽ làm rất tốt.
 
Bên cạnh việc nắm vững kiến thức, kết cấu đề thi, có sự chuẩn bị tốt và rèn luyện kỹ về mặt tâm lý, thầy có thể cho biết thêm một số kinh nghiệm trong khi đề thi môn Toán?
 
Khi cầm một đề thi lên, các em nên đọc đề 3 lần. Lần thứ nhất đọc lướt toàn đề, câu nào có khả năng làm được ngay thì đánh dấu, câu nào chưa làm được ngay thì đọc lần thứ 2. Ở lần đọc thứ 3, câu nào chưa làm được hoặc không làm được thì để cuối cùng làm.
 
Tôi có lời khuyên các em là không nhất thiết phải quá cầu toàn khi đi thi, tức là mang tâm lý phải làm được cho bằng hết. Nếu làm được 100% thì tốt, nhưng nếu không làm được toàn bộ thì cũng không sao cả. Học không phải để thi mà để làm một con người chân chính, một con người hoàn thiện, muốn vậy phải trải qua các kỳ sát hạch và các kỳ thi như thi đại học có thể xem là một kỳ sát hạch đối với các em. Tâm lý cầu toàn sẽ gây áp lực nặng nề, có em làm không được thì khóc lóc thậm chí có suy nghĩ tiêu cực, các em cần phải bình tĩnh, tự tin.
 
Tôi thường nói các học trò của mình là phải cố gắng hết sức nhưng nếu có nhỡ trượt lần này thì đứng dậy làm lại lần khác, không nên vì thế mà có tâm lý tiêu cực vì cuộc đời còn dài lắm, các em còn trẻ lắm và còn làm được nhiều việc nữa. Điểm chú ý cuối cùng là với cách làm ra lệnh cho bản thân mỗi câu chỉ làm tối đa 15 phút, như vậy tổng 10 câu sẽ là 150 phút, dư ra 30 phút còn lại để kiểm tra rà soát lại những sai lầm có thể mắc phải để sửa sai. Làm được thế, mọi điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến, không những thế, sau này khi ra đời các em sẽ có hành xử và phản xạ tốt.
 
Tôi khẳng định với các em là đề thi đại học không mang tính thách đố, lắt léo mà mang tính rất chuẩn ở mức độ cao.  Do vậy các em cần hết sức lưu ý là không được chủ quan khi làm bài, mọi việc phải diễn ra từ từ đúng thời gian, “dục tốc bất đạt”, hấp tấp thì sẽ không thành công.
 
Xin cảm ơn thầy!
                                                                                    Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024, vào các ngày 26, 27, 28, 29 tháng 6. Như vậy, chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ thi quan trọng đánh dấu ngưỡng cửa bước vào tương lai.

Để ôn thi các môn khoa học xã hội hiệu quả

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top