ClockThứ Bảy, 13/01/2018 13:01

Những nông dân chinh phục gian nan

TTH - Có những gia đình nông dân xã Phú Hồ (Phú Vang) đi qua hành trình dài chịu thương chịu khó, biết nắm bắt cơ hội và đã thành công.

Phú Vang: Dịch vụ biển, đầm phá phát triển nhanh và đa dạngPhú Vang chưa khai thác đúng tầm du lịchPhú Vang: Hướng đến việc tạo đột phá trong khai thác thủy sảnPhú Vang hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tăng năng lực khai thácPhú Vang tập trung phát triển mạnh kinh tế biển và đầm phá

Vợ chồng anh Dương Văn Bòn cùng nhau ủ nấm rơm

Vợ chồng anh Trương Viết Anh và chị Nguyễn Thị Thu Trang có ngôi biệt thự tọa lạc trên khu đất rộng cách không xa UBND xã Phú Hồ và đang sở hữu  những tài sản có giá trị như xe tải chở hàng, máy xay xát, nhà kho đồ sộ chứa lúa và ngôi nhà khang trang tiền tỷ.

Khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng, trước đây, căn nhà của vợ chồng anh Anh chỉ là 8 cái cọc tre lợp fibro xi măng. Vốn liếng là sức trẻ và quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng anh Anh làm ruộng, phụ thợ nề và làm bất cứ công việc gì người ta thuê. “Thức khuya dậy sớm, có những đêm, chúng tôi chỉ được ngủ chừng 4 tiếng đồng hồ”- Chị Trang nhớ lại.

Tích lũy được ít vốn, anh chị thả thêm đàn vịt, dựng thêm cái quán đơn sơ, là nơi để những bước chân tất bật nhà nông dừng lại, mua bát nước chè tươi. Qua câu chuyện của nông dân, nắm bắt được nhu cầu, với sự hỗ trợ, giúp đỡ ban đầu của một người quen, anh Anh mạnh dạn mua chiếc máy xay xát, vừa mua lúa xay bán giá phải chăng, vừa xay thuê cho người có nhu cầu. Sẵn cám gạo, gia đình anh “thả” đàn heo, với số lượng 30- 40 con “gối đầu". Có vốn, dần dần vợ chồng anh mở rộng quy mô sản xuất.

Gần 20 năm qua vợ chồng anh Dương Văn Bòn, chị Đào Thị Nhung đã đổ không biết bao mồ hôi để bây giờ có cuộc sống sung túc, có trong tay 2 chiếc máy cày, 1 máy bơm nước, 1 máy tuốt lúa, hai hồ rộng 10 nghìn m2 nuôi vịt  và cá cùng khoảng sân rộng trong khuôn viên trồng nấm rơm.

“Hồi mới cưới nhau, nhà chúng tôi chỉ mấy bức vách, lợp tranh. Vợ chồng tôi quyết chí vươn lên, “liều” thế chấp sổ đỏ thửa đất lấy ít vốn. Mua được cái xe công nông cũ, chúng tôi sử dụng vào việc chở lúa, chở vật liệu thuê. Tôi đi mua nước mả, vớt bèo nuôi heo. Có thời kỳ mỗi năm vợ chồng tôi xuất chuồng 140-150 con heo thịt. Vợ chồng tôi học kỹ thuật ủ nấm rơm và thu gom rơm sau mùa gặt, đánh đống lại để ủ nấm. Giá nấm cao điểm là 240 nghìn đồng 1 kg. Mẻ nhiều nhất chúng tôi ủ được 5, 6 chục kg nấm”. Chị Nhung kể.

Gia đình anh Trương Thái Bình, chị Dương Thị Ngọc Tuyết cũng là “địa chỉ” mà người dân trong xã nói đến bằng sự trân trọng. Bởi vợ chồng nông dân Bình-Tuyết đã nỗ lực để vứt bỏ sự nghèo. Từ làm ruộng, nuôi cá, vịt, tích cóp dần vốn liếng, vợ chồng anh Bình mua máy cày, máy bơm nước cho thuê và làm dịch vụ xay xát, vận tải, thu mua lúa gạo. Bây giờ gia đình anh có 2 ô tô tải để chủ động trong công việc. 

Ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Phú Hồ chia sẻ: "Họ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bà con nông dân địa phương về tinh thần chinh phục khó khăn, dám nghĩ dám làm, vươn lên làm giàu.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh- Văn Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Return to top